Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Hội thảo và Triển lãm Quốc tế An toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2022 nhấn mạnh tính tự chủ quốc gia và bảo vệ tài nguyên số

Hội thảo và Triển lãm Quốc tế An toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2022 nhấn mạnh tính tự chủ quốc gia và bảo vệ tài nguyên số
August 30
00:45 2022

Hội thảo và Triển lãm Quốc tế An toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2022 với chủ đề “Bảo vệ tài nguyên số và chiến lược An toàn, an ninh mạng trước thách thức toàn cầu mới” đã diễn ra vào ngày 26-8-2022 tại TP.HCM. Đây là năm thứ 15 liên tiếp sự kiện thường niên này được tổ chức. Sự kiện do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) – Chi hội phía Nam phối hợp cùng Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), UBND TP.HCM, Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM đồng tổ chức, thu hút sự quan tâm của giới khoa học công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin (CNTT) và An toàn Thông tin (ATTT), cũng như của lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp đang triển khai các giải pháp giám sát toàn diện và liên tục trạng thái ATTT của trung tâm dữ liệu, hệ thống CNTT và mạng văn phòng trên địa bàn các tỉnh thành phía Nam.

Hội thảo và Triển lãm quốc tế ATTT khu vực phía Nam năm 2022 là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị ứng dụng và cung cấp sản phẩm dịch vụ CNTT và ATTT trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về lĩnh vực an ninh, ATTT, là nơi giới thiệu những thành tựu về công nghệ mới nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về các lỗ hổng bảo mật, các nguy cơ và rủi ro về an toàn an ninh thông tin nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố trong thời gian nhanh nhất.

Tại lễ khai mạc, TS. Phạm Huy Hoàng, Phó Chủ tịch VNISA – Chi hội phía Nam, cho biết: “Ngày 10-8-2022, Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định 964/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Chính phủ khẳng định tầm quan trọng của chiến lược an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; nhấn mạnh quan điểm phải phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ ‘Make in Vietnam’ và đội ngũ chuyên gia xuất sắc để trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng.”

Cụ thể trong năm 2022, về chuyển đổi số, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Quyết định 922/QĐ-BTTTT về phê duyệt Đề án xác định Bộ chỉ số đánh giá của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của Quốc gia. Chính phủ khẳng định trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia rằng: “Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về CNTT đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế.”

Tại Hội thảo, Chi hội VNISA phía Nam đã trình bày báo cáo về bức tranh tổng thể ATTT của khu vực phía Nam, cũng như tình hình ATTT chung của Việt Nam và thế giới, nêu lên những cảnh báo phòng ngừa và các khuyến nghị thiết thực với các cơ quan, doanh nghiệp trong việc bảo vệ tài nguyên số, thiết lập một trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng tối ưu.

Trao đổi online với các đại biểu dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, “Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10-8-2022 là mảnh ghép quan trọng cuối cùng giúp hoàn thiện bức tranh tổng thể về một quốc gia số với các trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Ông nhấn mạnh: “Với tầm nhìn Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, chúng ta sẽ chủ động đón nhận những cơ hội mới mở ra từ chuyển đổi số, nhưng cũng sẵn sàng ứng phó trước những nguy cơ, rủi ro để bảo vệ thành quả đạt được.”

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng kêu gọi các doanh nghiệp an toàn thông tin chung tay cùng Bộ TT&TT trong quá trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, cho biết: an toàn thông tin là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, lĩnh vực ATTT mạng cũng đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Ông lưu ý: “Đặc biệt, khi những xung đột địa chính trị đang diễn ra làm thay đổi cục diện an ninh toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội cần có những tư duy mới, cách làm mới và chuẩn bị cho mọi tình huống, đáp ứng được yêu cầu mà Đảng và Nhà nước giao.”

Tại sự kiện, Sở TT&TT TP.HCM và Chi hội VNISA phía Nam đã ký kết hợp tác chiến lược trong lĩnh vực ATTT mạng. Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết: TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng Đề án xây dựng đô thị thông minh và Chương trình chuyển đổi số. Trong các đề án, ATTT luôn là một trụ cột quan trọng, các giải pháp bảo đảm ATTT được tăng cường thường xuyên hơn, ý thức cần thẩm định về ATTT trước khi đưa các ứng dụng, nền tảng vào sử dụng. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm ATTT ở mức cao nhất với tốc độ chuyển đổi số rất nhanh chóng trên quy mô của một siêu đô thị. Chính vì lẽ đó, Sở TT&TT TP.HCM đã phối hợp với VNISA tổ chức các hoạt động về ATTT trong nhiều năm qua.

Trong phiên toàn cảnh, hội thảo đã được nghe các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước chia sẻ về hiện trạng ATTT khu vực phía Nam năm 2022; các chủ đề như hệ miễn dịch không gian số VNPT; nâng cao an toàn an ninh thông tin với kiến trúc bảo mật Cyber Security Mesh; an ninh mạng hiện đại được xây dựng cho các mối đe dọa ngày nay; giải pháp bảo mật hiện đại cho những thách thức kinh doanh ngày nay.

Diễn ra song song với triển lãm các giải pháp ATTT mạng của các công ty trong và ngoài nước là tọa đàm “Bảo vệ tài nguyên số và chiến lược an toàn, an ninh mạng trước thách thức toàn cầu mới” và 2 hội thảo chuyên đề “An toàn thông tin trong chuyển đổi số”, “Giải pháp an toàn thông tin cho hạ tầng công nghệ thông tin”.

MEDIAONLINE

Ảnh: PHẠM ANH PHÚ