Qualcomm trong năm 2017 giúp Việt Nam triển khai thành công 4G LTE
Trong cuộc gặp gỡ báo giới tại TP.HCM hồi thượng tuần tháng 1-2017 của Công ty Qualcomm Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt nam và Đông Dương, đã trao đổi trong không khí thân mật về những gì Qualcomm đã làm được trong năm 2016 và sẽ tập trung thực hiện trong năm 2017. Với sự trợ giúp của Công ty Matterhorn Communications Vietnam, chúng tôi xin lược ghi lại những thông tin từ ông Thiều Phương Nam.
Tóm lược các thành tựu của Qualcomm
Hơn 30 năm qua, Qualcomm vẫn luôn và đang tiếp tục đầu tư vào các công nghệ không dây. Mục tiêu và sứ mệnh của Qualcomm là kết nối. Với sự phát triển của công nghệ không dây, thế giới hiện nay đã trở thành thế giới kết nối. Trong thời gian sắp tới, Qualcomm đặt mục tiêu không chỉ kết nối người với người, mà kết nối vạn vật để chuẩn bị cho xu hướng mới Internet cho vạn vật (Internet of Things, IoT). Trong 30 năm qua, điểm mạnh và sứ mệnh của Qualcomm là một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ kết nối di động của thế giới. Qualcomm đã đầu tư 43 tỷ USD vào việc phát triển công nghệ di động và sắp tới là sự phát triển của 5G.
Nhìn lại, chúng ta thấy công nghệ di động đã và đang có sự phát triển rất mạnh mẽ, và Qualcomm đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển này. Điểm qua sự phát triển từ 1G, 2G, 3G, 4G và sắp tới là 5G, chúng ta thấy từ khi có 2G là thời điểm bắt đầu số hóa viễn thông di động, tốc độ kết nối chỉ là 0.5Mbps, phục vụ cho email, SMS. Sau đó, với sự phát triển của 3G và các nhánh của 3G – đều dùng nền tảng CDMA do Qualcomm phát triển – nhiều ứng dụng về data được phát triển và tốc độ đạt 63Mbps và cao hơn. Khi có 4G, trải nghiệm băng rộng di động phát triển mạnh, và với các công nghệ và modem mới nhất của Qualcomm, tốc độ của 4G đã vượt qua mức độ Gbps. Hiện nay, đội ngũ R&D của Qualcomm đang đẩy mạnh đầu tư cho sự phát triển của 5G.
Mô hình của Qualcomm là tiếp tục đầu tư và phát minh ra các công nghệ và cấp giấy phép (license) cho các đối tác để cùng xây dựng hệ sinh thái di động. Hiện tại, Qualcomm đang nắm khoảng 119.000 bản quyền về công nghệ di động, 3G, 4G và được sử dụng trên toàn thế giới. Hiện nay có khoảng 300 nhà sản xuất thiết bị di động trên thế giới ký hợp đồng sử dụng bản quyền của Qualcomm. Qualcomm tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực trong công nghệ di động. Hiện nay, Qualcomm là công ty hàng đầu về 3G, 4G. Về kết nối radio, Qualcomm cũng là công ty dẫn đầu. Bên cạnh đó, trong số các bộ vi xử lý sử dụng trong các smartphone và tablet, Snapdragon của Qualcomm cũng là số 1 hiện nay trên thế giới.
Nhìn về tương lai, sự bùng nổ của smartphone đã qua giai đoạn phát triển nhanh nhất, tuy nhiên, trong vòng 5 năm tới, vẫn có khoảng 8,5 tỷ smartphone được tiếp tục sản xuất và cơ hội cho các nhà sản xuất vi xử lý di động vẫn lên tới 50 tỷ USD trong thời gian tới. Điểm quan trọng hiện nay là kinh nghiệm trong việc phát triển SoC cho smartphone sẽ bắt đầu được ứng dụng qua các mảng công nghiệp khác và tạo nên những thay đổi trong các mảng này, chuẩn bị cho thế giới IoT. Có thể nói, Snapdragon và SoC cho smartphone là công nghệ SoC đầu tiên được sử dụng rộng rãi. Trước smartphone, SoC chỉ được sử dụng rất giới hạn trong các thiết bị nhúng; tuy nhiên, cùng với sự phát triển của smartphone, SoC đã được ứng dụng rộng rãi trên hàng tỷ thiết bị. Kinh nghiệm tích hợp nhiều công nghệ khác nhau vào một chipset gọi là SoC, trong đó có CPU, GPU, kết nối 3G, 4G, Wi-Fi, Bluetooth… được nhân rộng ra các ngành công nghiệp khác trong tầm nhìn IoT.
Trong chiến lược tới đây, Qualcomm tiếp tục tập trung vào hai thế mạnh lớn nhất của mình là kết nối và điện toán. Kết nối ở đây bao gồm các kết nối di động như 3G, 4G, 5G, Wi-Fi, Bluetooth. Trong ngành viễn thông di động, có thể nói, không có công ty nào có độ phủ về công nghệ kết nối di động lớn như Qualcomm. Về điện toán, Qualcomm luôn dẫn đầu trong việc đưa ra các bộ vi xử lý Snapdragon với năng lực tính toán và đồ họa hàng đầu thế giới. Kết hợp hai thế mạnh kết nối và điện toán – đây là nền tảng quan trọng nhất giúp Qualcomm chuẩn bị cho thế giới IoT.
Sự kiện nổi bật trong năm 2016: Qualcomm mua lại công ty NXP
Một sự kiện lớn trong năm qua là Qualcomm công bố việc sáp nhập, mua lại NXP Semiconductors. Đây là một công ty hàng đầu trong việc cung cấp chipset cho IoT trên thế giới. Hiện nay hai bên vẫn hoạt động như hai công ty độc lập và quá trình sáp nhập đang diễn ra. Khi hoàn thành sáp nhập, hai công ty sẽ tận dụng được điểm mạnh của nhau, và đây là một sự kết hợp hoàn hảo vì hai công ty có rất ít các mảng công nghệ trùng lặp với nhau, mà đa số là bổ sung cho nhau. Đơn cử như mảng di động, hiện nay Qualcomm đi đầu về vi xử lý SoC và các công nghệ kết nối, NXP đi đầu về NFC và chip kết nối điện toán di động trong thiết bị smartphone. Sự kết hợp này càng khẳng định vị trí dẫn đầu của Qualcomm trong lĩnh vực di động.
Bên cạnh đó, một ngành công nghiệp rất tiềm năng hiện nay là ngành ô tô với xu hướng ô tô điện, ô tô kết nối và ô tô tự lái. Rất nhiều công nghệ kết nối và tính toán được đưa vào ô tô. NXP là công ty dẫn đầu thế giới hiện nay về các cảm biến (sensor) dùng trong ô tô kết nối. Kết hợp với sức mạnh của Qualcomm về tính toán và Snapdragon, hai công ty sẽ tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu trong ngành ô tô và những ngành sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Về IoT, Qualcomm hiện dẫn đầu về điện toán và kết nối, và NXP rất mạnh về thiết bị nhúng. Việc kết hợp hai công ty sẽ giúp Qualcomm dẫn đầu về IoT, giúp cho nguồn nhân lực của Qualcomm tăng gấp đôi so với hiện nay.
Hiện nay, trong ngành viễn thông di động, sự cạnh tranh đang diễn ra khốc liệt. Các công ty đều nỗ lực sáng tạo để đưa ra các công nghệ hàng đầu về kết nối. Có thể nói, Qualcomm đi trước ngành công nghiệp kết nối di động khoảng 2, 3 thế hệ. Hiện tại nhiều công ty đang đi đến thế hệ thứ 3, thứ 4 cho modem kết nối 4G; trong khi Qualcomm đang ở thế hệ thứ 6 của modem 4G. Riêng trong năm 2016, Qualcomm cung cấp ra thị trường 842 triệu bộ vi xử lý cho di động. Năm 2016 là năm chứng kiến sự thành công của dòng chipset hàng đầu Snapdragon 820 và 821. Rất nhiều thiết bị flagship đều sử dụng Snapdragon 820 và 821. Không chỉ dừng lại ở đây, hiện có khoảng 200 sản phẩm sử dụng Snapdragon 820 và 821 đang được thiết kế.
Một thành tựu nữa là công nghệ Tango, hiện đang được Google đầu tư mạnh mẽ. Mọi người đều thừa nhận thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) sẽ là xu hướng mới trong ngành di động với tiềm năng rất lớn. Với sự kết hợp giữa Qualcomm với Google cũng như các OEM sản xuất smartphone, trong đó có Lenovo và Asus, đã có những smartphone được công bố sử dụng công nghệ Tango như Zenfone AR vừa được công bố tại Triễn lãm công nghệ CES 2017, Lenovo cũng đã ra mắt thiết bị có công nghệ Tango tại Việt Nam chạy trên Snapdragon 652.
Hiện nay, khoảng cách giữa Qualcomm và các đối thủ về modem kết nối 4G ngày càng xa. Trong 6 năm qua, qua 6 thế hệ, tất cả công nghệ mới nhất, lần đầu ra mắt trên thị trường trong lĩnh vực kết nối 4G đều do Qualcomm đưa ra.
Internet of Things
Hiện nay, Qualcomm đang đầu tư nhiều vào IoT với mục tiêu khi các đối tác phát triển sản phẩm IoT thì dùng giải pháp của Qualcomm có sự thuận lợi và giảm chi phí cũng như thời gian phát triển sản phẩm. Ngoài chipset, Qualcomm cũng đưa ra những sản phẩm ở mức độ mô-đun và hỗ trợ cho những ngành khác nhau như drone (thiết bị bay), camera IP và thiết bị đeo (wearables). Chúng tôi có những sản phẩm ở mức độ hệ thống để giúp các nhà phát triển sản phẩm tiết kiệm thời gian và chi phí.
Hiện nay, IoT là một mảng kinh doanh rất lớn của Qualcomm. Nhiều công ty nói về IoT nhưng doanh số lại chưa cao. Trong khi đó, với Qualcomm, doanh số cho riêng mảng IoT trong năm 2016 đã đạt khoảng 2,5 tỷ USD.
Để hỗ trợ cho các nhà phát triển sản phẩm/thiết bị bay tự động như drone, chúng tôi phát triển một board chỉ nặng 12 gram dành cho drone (nhẹ hơn viên pin AAA) và board này chứa tất cả các công nghệ cần thiết cho một thiết bị drone như kết nối, tính toán, GPS, v.v.
Về camera di động, Qualcomm đã phát triển những thiết kế tham chiếu (reference design) để các nhà phát triển có thể sử dụng.
Qualcomm làm gì cho Việt Nam?
Trong năm 2016, tại Việt Nam, chính phủ đã cấp phép cho công nghệ 4G. Công nghệ này được mong đợi sẽ được sử dụng diện rộng tại Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam tiếp tục là thị trường Top 3 thế giới về tốc độ phát triển lượng tiêu thụ smartphone 3G/4G và có sự phát triển rất ấn tượng về smartphone 4G. Có lẽ các thông tin về việc 4G được cấp phép và thử nghiệm của các nhà mạng đã thúc đẩy thị trường người tiêu dùng chuyển sang smartphone có hỗ trợ 4G. Tỷ lệ smartphone 4G vào cùng kỳ năm ngoái chiếm chỉ 15%, và hiện tại là 65% ở tất cả các phân khúc.
Tại Việt Nam, Qualcomm cũng làm việc với một số đối tác trong các dự án IoT trong các lĩnh vực như kết nối ô tô, xe máy, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, giải pháp IoT cho doanh nghiệp để quản lý tài sản, quy trình. Đặc biệt, khi trao đổi với chính phủ cũng như giải pháp cho hệ sinh thái như thành phố thông minh, Qualcomm cũng đóng góp các giải pháp về mặt công nghệ, kết nối và thuật toán.
Hướng tập trung của Qualcomm tại Việt Nam trong 2017 là giúp Việt Nam triển khai thành công công nghệ 4G LTE. LTE sẽ là nền tảng công nghệ di động tạo hạ tầng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. LTE cũng là điều kiện cần thiết để Việt Nam xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông cho sự phát triển trong tương lai. Mục tiêu của chính phủ hiện nay là mang băng thông rộng đến 90% dân số Việt Nam vào năm 2020 – nếu không có công nghệ LTE, mục tiêu này khó đạt được do các đường cáp khó có thể đưa đến vùng sâu vùng xa. 4G LTE sẽ thúc đẩy GDP Việt Nam phát triển hơn. Các nhà nghiên cứu đã tính toán: nếu một quốc gia sử dụng băng rộng 10% thì sự thúc đẩy phát triển của LTE trong đó là 1%.
Hiện nay, IoT đang ở giai đoạn khởi đầu tại Việt Nam, nhưng các lĩnh vực tiềm năng như thành phố thông minh, y tế di động, giáo dục trực tuyến đều cần nền tảng LTE để phát triển. LTE sẽ là mục tiêu chính của Qualcomm tại Việt Nam. LTE cũng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất thiết bị di động, thiết bị thông minh – sẽ có một làn sóng đổi mới thiết bị di động trong thời gian tới. Các thiết bị di động sẽ chuyển dần sang hỗ trợ cho LTE. Dự báo đến 2020, khoảng 85% thiết bị di động tại Việt Nam sẽ sẵn sàng cho LTE.
Một trong những trọng tâm khác của Qualcomm là hỗ trợ ngành sản xuất thiết bị tại Việt Nam trong năm 2017. Việt Nam đang có cơ hội lớn do sự dịch chuyển hạ tầng thiết kế, sản xuất thiết bị di động từ các nước khác sang Việt Nam. Về lĩnh vực sản xuất thiết bị di động, Việt Nam hiện đứng thứ hai trên thế giới. Một số lượng lớn thiết bị di động được sản xuất tại Việt Nam. Sự dịch chuyển đó tạo nền tảng tốt cho các công ty Việt Nam tham gia chuỗi giá trị cung cấp thiết bị di động trên thế giới. Hiện nay, Qualcomm đang làm việc với các đối tác để giúp họ sử dụng công nghệ, bằng sáng chế và thiết kế tham chiếu của Qualcomm để thiết kế, sản xuất thiết bị di động không chỉ cho Việt Nam, mà còn cung cấp cho thế giới.
Mục tiêu quan trọng nhất của Qualcomm trong năm 2017 là giúp Việt Nam triển khai thành công 4G LTE. Để làm được việc này, có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện với các nhà hoạch định băng tần, chính sách tại Việt Nam, nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị di động, nhà làm nội dung. Thí dụ, hiện tại các thử nghiệm LTE cho thấy thiết bị di động mau hết pin. Thực tế, bản thân công nghệ LTE không làm thiết bị mau cạn pin hơn 3G. Vấn đề ở đây một phần quan trọng là do chất lượng mạng 4G, trong khi đó công nghệ 4G triển khai tại Việt Nam còn rất mới và chưa được tối ưu. Các kỹ sư Qualcomm hiện đang giúp Việt Nam tối ưu mạng 4G và sẽ áp dụng phương pháp đó để có mạng 4G chất lượng tốt khi triển khai rộng rãi. Về chính sách, các nhà mạng đang chuẩn bị triển khai mạng 4G trên băng tần 1800MHz. Tuy nhiên, để thật sự mang đến trải nghiệm 4G, các nhà mạng cần có công nghệ gộp sóng mang (CA), phải có băng tần, nhà nước cần có kế hoạch đấu giá các băng tần khác như 2600MHz, 2300MHz. Qualcomm tham gia tư vấn thường xuyên cho các hội thảo với các nhà hoạch định chính sách băng tần như Cục Tần số – Bộ TT&TT. Qualcomm cũng đã nhận được các yêu cầu của chính phủ trong việc tư vấn và chuẩn bị chính sách cho 5G.
Bên cạnh đó, Qualcomm cũng thường xuyên làm việc với các nhà sản xuất thiết bị. Các thiết bị 4G tại Việt Nam phải phù hợp với nhu cầu sử dụng tại Việt Nam. Một trong những chương trình Qualcomm đang kết hợp với các nhà mạng là đưa người dùng 2G lên 4G. Một trong những yếu tố thành công của triển khai 4G là phải có nhiều người sử dụng. Hiện nay, tại Việt Nam có 125 triệu thuê bao di động, tuy nhiên, có tới 50% vẫn đang dùng 2G. Như vậy, để các nhà mạng thành công, cần phải chuyển từ 2G sang 4G.
MEDIA ONLINE – MATTERHORN COMMUNICATIONS VIETNAM
+ Ảnh: PHẠM HỒNG PHƯỚC