Truyền hình trả tiền không còn là chuyện mới nữa. Vấn đề nổi cộm là mối quan hệ giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ chưa được xác lập một cách công bằng và sòng phẳng.

" />
Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Khách hàng nắm đằng lưỡi

August 20
00:00 2010

Hiện nay, dù khách hàng phải trả tiền, nhưng họ không có quyền đòi hỏi, khiếu nại, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ bất kỳ vấn đề nào. Nếu khách hàng vì một lý do nào đó không thanh toán cước đúng hạn cho nhà cung cấp dịch vụ, thuê bao đó sẽ bị cắt ngay lập tức; trong khi đó nhà cung cấp tự tiện cắt kênh lại không có một thái độ sòng phẳng với khách hàng của mình. Ngay cả việc xác lập hợp đồng sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ nắm đằng cán bằng những quyền như cắt hợp đồng mà không cần báo trước cho người tiêu dùng biết. Nếu người tiêu dùng có thắc mắc, cách trả lời của các nhà mạng cũng thiếu lịch sự, chưa tôn trọng khách hàng. Cách đây không lâu, SCTV đơn phương cắt nhiều kênh như CCTV, BBC,… mà không thèm hỏi ý kiến cũng như thông báo rõ ràng đến khách hàng. Khi hỏi, đại diện SCTV cho rằng, đó là những kênh tế nhị (BBC) hoặc chuyển đổi công nghệ (CCTV)! Nhưng sau đó, những kênh này lại xuất hiện ở một gói cước khác (khách hàng muốn xem phải dùng đầu thu do SCTV bán). HTVC (đài truyền hình TP.HCM) cũng vậy. Khi bán kênh, họ đưa ra nhiều kênh (72 kênh) nhưng sau đó, từ từ rút số kênh còn lại 55 kênh vì cho rằng, những kênh đó không mua được bản quyền! Vậy là họ đã tung ra những chiêu để dụ khách hàng? Sau khi có được ràng buộc khách hàng, họ lơ là miễn sao cuối tháng thu tiền!
Quay trở lại chuyện VSTV độc quyền các trận đấu giải ngoại hạng Anh vào tối chủ nhật hàng tuần. Khách hàng đang sử dụng SCTV, HTVC,… vô cùng bực bội khi muốn xem các trận đấu đó (có thể không hay nhưng đã lỡ ghiền) phải mua thiết bị của nhà cung cấp khác vì có khả năng các nhà cung cấp trên không mua bản quyền những trận đấu chủ nhật của VSTV. “Sao họ không thông báo trước chuyện này để tôi còn biết đường mà chuẩn bị. Tôi sẵn sàng trả thêm tiền để được xem hơn là đi mua thiết bị khác”, ông Đạt ở Q.8, TP.HCM nhăn nhó. Theo ông Đạt, lẽ ra nhà cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ cho khách hàng của mình biết cũng như những cam kết từ nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng những gì đã xảy ra chỉ đến từ báo chí, chưa thấy nhà cung cấp chủ động giải thích với khách hàng.
Nếu có một giải pháp dùng chung thiết bị, chỉ thay thẻ tùy theo nhà cung cấp, mọi sự đã không phức tạp như những gì đã và đang xảy ra. Nhân viên của cửa hàng dịch vụ truyền hình 8A (Q.1, TP.HCM) cho biết, nhiều khách hàng cũng hỏi về câu chuyện dùng thiết bị giải mã của nhà cung cấp dịch vụ này để bắt sóng nhà cung cấp khác nhưng điều đó là không thể vì mỗi nhà mạng có mã riêng. “Chúng tôi cũng nghĩ nhiều đến việc đó nhưng hiện nay chưa có thiết bị độc lập nào. Cứ có một thiết bị chung, dùng dịch vụ nhà nào thì dùng thẻ của nhà đó. Thuận tiện cho người sử dụng mà nhà cung cấp dịch vụ không bị mang tiếng là độc quyền thiết bị đầu cuối”, nhân viên cửa hàng 8A bình luận. Một ý kiến xác đáng trên nhiều góc độ.
Biết bị thiệt thòi nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận sử dụng để rồi… than vãn! Lý do quan trọng là họ không có sự lựa chọn nào khác. Một khách hàng ở P.6, Q.3, TP.HCM nói rằng, chán chất lượng của SCTV nhưng phải sử dụng vì nhiều lẽ: HTVC chưa phủ dịch vụ tại đây. Còn muốn dùng các nhà cung cấp khác như: VTC, VSTV,… phải mua thiết bị đầu cuối với giá, thấp nhất là 3 triệu đồng.
Với giá cước mà người tiêu dùng đang trả, giá của dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam được xem là khá rẻ. Nhưng không vì rẻ mà nhà cung cấp coi thường khách hàng của mình đến vậy. Cần có sự công bằng và tôn trọng khách hàng vì họ là “nguồn sữa” để các nhà cung cấp dịch vụ tồn tại. Họ cần được đối xử đúng với phương châm mà các nhà cung cấp dịch vụ luôn ra rả: “Khách hàng là thượng đế”!

Chí Tân  

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới