Laptop giá rẻ, cẩn thận kẻo "tiền nào của nấy"
Mua laptop, quá dễ
Nếu như trước đây để sở hữu một chiếc laptop có cấu hình trung bình, người tiêu dùng phải bỏ ra một món tiền rất lớn, thì trong vòng vài năm trở lại đây, mọi thứ đều đã thay đổi. Việc sắm một laptop cấu hình vào loại khá, sử dụng bộ vi xử lý Core Duo, Core 2 Duo trở nên rất đơn giản, chỉ cần bỏ ra khoảng 9 – 13 triệu đồng là đã có thể sở hữu được nó. Hàng loạt dòng máy giá rẻ đã được các nhà sản xuất cũng như các nhà phân phối tại Việt Nam đưa ra để phục vụ người dùng. Trong đó Acer và HP được xem là đang chiếm thị phần nhiều nhất ở các phân khúc này. Chẳng hạn, HP có dòng CQ giá 9 triệu đồng như CQ510U sở hữu bộ xử lý Core Duo 2,1GHz hay CQ510U-372 VW372PA giá chỉ 11,3 triệu đồng nhưng được trang bị bộ vi xử lý Core 2 Duo T5870 2.0GHz, hoặc các dòng HP Pavillion, Probook cũng có giá khá mềm, Acer thì đổ bộ vào thị trường các dòng Aspire cấu hình cao với giá cũng chỉ dao động ở mức 8,3 – 14 triệu đồng,…
Chính vì mức giá hấp dẫn, những chiếc laptop trên đã thu hút được nhiều người, đặc biệt là nhân viên văn phòng, sinh viên chọn mua để sử dụng. Cho nên nhiều chuyên gia cho rằng trên thị trường máy tính Việt Nam 2010 thì laptop lên ngôi, đặc biệt laptop giá rẻ trở thành một xu hướng mới, là điều tất yếu. Tuy nhiên, chất lượng của những chiếc máy này vẫn khiến cho nhiều người đau đầu.
Và câu chuyện “tiền nào của ấy”
Gần đây hàng loạt người dùng máy HP ở Trung Quốc kéo biểu tình trước cửa văn phòng hãng Hewlett-Packard tại Bắc Kinh khi cho rằng laptop của họ bị hỏng vì nhiệt độ quá cao và màn hình thường xuyên bị lỗi, sau nhiều lần bỏ thời gian đi bảo hành tình trạng vẫn không được cải thiện. Sự kiện này đang được xem là một điều cảnh báo cho nhiều người khi lựa chọn sản phẩm máy tính giá rẻ.
Tuy nhiên, không chỉ riêng ở Trung Quốc, mà ngay tại Việt Nam, nhiều người cũng lâm vào trường hợp máy mình bị các lỗi trên, trong đó lỗi “dính” nhiều nhất là trường hợp máy bị “treo” do quá nóng, làm chết card màn hình hay màn hình hiện sọc,… Anh Phạm Khắc Linh, ngụ tại Thủ Đức, TPHCM cho biết sau khi mua một chiếc laptop Compaq CQ40 được vài tháng cũng bị lỗi sọc màn hình phải đi lên bảo hành và thay lại màn hình mới. Còn anh Nguyễn Thanh Hải ở Q.1 cũng đã phải đổi ngay chiếc laptop giá rẻ mà anh mới mua để chọn máy của hãng khác, vì vừa về xài được một tối, máy đã nóng như lò lửa và thường hay bị “đơ” màn hình. Anh Lâm Trí Dũng, kỹ thuật viên của Công ty Tin học Nhất Tín, tại đường Nguyễn Kim, TP.HCM cho biết: Số laptop HP ở Việt Nam bị lỗi quá nóng và lỗi màn hình đã chiếm tới 60% trong tổng số các laptop có lỗi tương tự được sửa tại cửa hàng.
Riêng các dòng giá rẻ của Acer mặc dù ít lỗi hơn so với HP nhưng lại gặp phải tình trạng máy xuống cấp khá nhanh khiến cho người dùng rất phiền lòng; chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, chiếc máy trở nên cũ kỹ, dễ bị trầy xước,… Lỗi nóng máy cũng diễn ra ở laptop Acer thuộc dòng Acer Timeline 3810T và AS5738, được sản xuất từ tháng 4 đến tháng 6-2009. Mặc dù phía Acer Việt Nam khẳng định nó đã được khắc phục nhưng một vài người dùng vẫn gặp phải lỗi này.
Làm sao để mua laptop an toàn hơn?
Laptop trên thị trường Việt Nam hiện nay nhiều vô số kể cả về chủng loại lẫn thương hiệu. Nhưng việc tìm mua một chiếc laptop ưng ý không phải là đơn giản, đặc biệt là dòng laptop giá rẻ, bởi nếu không chú ý kỹ, người dùng có thể gặp phải hàng kém chất lượng. Cho nên, khi quyết định chọn mua những chiếc máy thuộc phân khúc này, người dùng cần tìm hiểu thông tin sản phẩm một cách kỹ lưỡng trước đã. Nếu có điều kiện thì nhờ những kỹ thuật viên chuyên sửa chữa laptop tư vấn. Có lẽ, an toàn cao hơn là nên mua máy tại các đại lý chính hãng để hạn chế tính trạng bị “trộn” máy trôi nổi và được bảo hành khi gặp sự cố kỹ thuật.
Ngọc Linh