Nhiều người lắm tiền thường chọn những bộ loa “siêu hạng” để nghe cho sang. Họ chê những bộ loa dành cho máy tính vì cho rằng âm thanh bị “chát”, “to nhưng không có độ sâu”… Những nhận định trên chỉ đúng một phần. Nếu như biết chọn và sắp đặt những bộ loa máy tính đúng cách, chất lượng âm thanh sẽ không đến nỗi nào… Mùa World Cup 2010 sắp sửa bắt đầu. Dân tin học mê bóng đá có thể trang bị cho mình một hệ thống loa máy tính để nghe những âm thanh từ sân vận động cho sướng… tai!

" />
Thứ Bảy ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tech MediaOnline

Chuyên gia tư vấn: Mùa World Cup 2010 nghe âm thanh từ sân vận động bằng loa vi tính

June 20
00:00 2010

Chọn loa, không đơn giản
Diện tích phòng ảnh hưởng lớn đến việc chọn loa và công suất loa. Thông thường, phòng khoảng 10m2 chỉ cần bộ loa công suất vài chục watt. Còn những bộ loa từ 100 đến 150w sẽ nghe hay hơn trong những căn phòng từ 20m2 – 30m2.
Công suất thực của loa (RMS) bao nhiêu watt là đủ cho một căn phòng làm việc? Không quá khó để nói rằng: điều này phụ thuộc vào diện tích và độ nhạy của loa (căn cứ theo chỉ số dB/W/m). Cùng công suất, nếu loa có độ nhạy cao sẽ phát to hơn. Trên thị trường hiện nay, loa vi tính là loa có độ nhạy thấp, khoảng 85 – 89dB/W/m.
Loa vi tính hiện có nhiều mức công suất, từ 10 watt đến hàng trăm watt (công suất thực, không phải công suất P.M.P.O thường ghi ngoài hộp). Công suất lớn hơn sẽ mạnh hơn nhưng sẽ không tỷ lệ thuận như mọi người vẫn thường nghĩ. Thực tế đặc điểm về sóng âm thanh, dù công suất tăng 10 lần nhưng âm lượng chỉ hơn khoảng 2 lần.
Khi chọn loa, cần chú ý đến những thông số sau:
Âm trầm (Bass) là âm thanh có tần số thấp, từ 20-120Hz. Một bộ loa muốn cho những nốt trầm sâu lắng phải ở mức 35Hz. Nhưng thực tế, đa số các bộ loa vi tính đều được quảng cáo thông số “tần số đáp ứng 25-30Hz” nhưng thực tế không có bộ loa nào xuống đến 35Hz. Các âm ở tần số này nếu có, cũng rất yếu và khó có thể nghe được.
Đường kính của loa lớn hơn sẽ hay hơn? Điều này luôn luôn đúng đối với loa bass, dù có cải tiến công nghệ thế nào thì loa bass đường kính nhỏ không thể cho âm thanh mềm mại như loa có đường kính lớn.
Âm trầm “không định hướng”. Một bộ loa vi tính hiện nay thường có dạng x.1 (2.1/ 4.1/ 5.1/ 7.1…). Muốn chọn loa âm thanh hay phải đáp ứng yêu cầu: âm trầm không định hướng. Âm trầm phát ra từ loa sub phải hòa quyện với các loa vệ tinh và người nghe phải không biết loa sub được đặt nằm ở vị trí nào. Yêu cầu này hơi khó với các bộ loa vi tính loại rẻ tiền. Cũng cần chú ý thêm, loa sub không phải chỉ phát ra âm trầm mà cả âm trung trầm (do là các loa vệ tinh quá bé nên âm ở tần số trung trầm dưới 200Hz không thể tái hiện được nên phải nhờ subwoofer hỗ trợ thêm). Có thể dễ dàng kiểm chứng bằng cách kéo cần equalizer lọc âm ở tần số này xuống (vị trí các cần thứ 2, 3 từ trái qua) để thấy âm thanh của loa sub sẽ chìm bớt đi do mất âm trung trầm.
Một điều phải luôn nhớ khi chọn loa là đừng bao giờ nghe quảng cáo hay đọc các thông số trên vỏ hộp loa, hãy tin vào chính đôi tai của người nghe bằng cách nghe thử trực tiếp bộ loa muốn mua ngay tại nơi bán bằng những dòng nhạc pop, rock, jazz, dance… để cảm nhận sự khác biệt và chọn theo “gu” riêng.

Bố trí loa – nhiêu khê!
Sau khi đã chọn và mua một bộ loa vi tính ưng ý sẽ đến phần không kém quan trọng chất lượng âm thanh của loa là cách bố trí các loa.
Subwoofer. Loa sub không nên để nơi quá thoáng rộng vì âm bass “chạy” đi hết, nghe rất yếu. Trong trường hợp này, muốn nghe rõ âm bass phải vặn thêm volume bass nhưng tăng quá cao volume bass sẽ làm màng loa bass dao động biên độ lớn hơn dẫn đến tiếng bass của loa sub “chùng” xuống, chuyển động của âm bass có cảm giác kém linh hoạt và mất kiểm soát.

Ngược lại, loa sub cũng không nên để nơi quá “bí” và có nhiều vật cản. Âm lượng bass bị phản xạ qua nhiều vật cản rồi mới đến tai, điều này sẽ làm âm bass bị ù nặng, nghe “rền”, chất lượng kém.
Đặc biệt, sub không bao giờ được đặt ở vị trí cao mà phải đặt dưới mặt đất để âm thanh ấm hơn. Khi để loa sub gần tường nên tăng thêm volume.
Đối với những loa sub hướng xuống đất (down-firing) nên cắt một tấm kính vuông, dày 5 – 8 mm, lót khăn duới tấm kính và đặt loa sub lên chính giữa. Điều này sẽ làm bass phản hồi ngược lên tốt hơn. Nếu trọng lượng sub chưa đủ nặng, nên chèn thêm vật nặng lên trên sub để sub vững hơn, bass sẽ rõ ràng, tròn.
Nếu chiếc bàn đặt máy tính đủ lớn thì nên đặt loa sub ngay dưới bàn. Nếu bàn máy tính gần góc tuờng không có nhiều vật cản thì đặt sub vào góc vuông đó, âm luợng bass sẽ lớn nhất, bass sẽ phản ra hết và quãng đuờng đi của bass đủ dài, biên độ giao động màng loa không quá lớn, bass nghe sẽ căng hơn và theo nhịp nhanh hơn. Hãy tự thử nghiệm các vị trí khác nhau cho Sub để đạt âm bass chất luợng nhất.
Chú ý: không đặt loa sub quá sát các cạnh tuờng, nên cách tường khoảng 20 – 40cm.
Loa vệ tinh. Đối với âm thanh, vị trí ngồi nghe tốt nhất là “sweet spot” hay còn gọi là “điểm ngọt”, nghĩa là 2 loa vệ tinh và đầu nguời nghe tạo thành một tam giác đều hoặc tam giác cân.
Nếu đặt 2 loa quá gần nhau thì âm thanh sẽ kém lan tỏa, cảm giác stereo không rõ ràng. Ngược lại, nếu đặt 2 loa cách quá xa nhau thì âm thanh sẽ không đầy, sự chuyển tiếp stereo sẽ bị rời rạc, thiếu đi liên kết giữa 2 loa dẫn đến “âm hình” kém.
Một mẹo nhỏ để nghe hay là đặt 2 loa cao ngang tầm tai và hướng vào tai vì âm trung và âm treble có tính định hướng cao (nhất là âm treble). Tuy nhiên vẫn có nhiều loa với khả năng lan tỏa âm tốt nhưng do thiết kế đặt thấp ngay trên mặt bàn khiến âm thanh bị đập xuống mặt bàn và nảy lên gây méo tiếng. Chỉ cần nâng cao 2 loa lên ngang tầm tai và huớng vào tai sẽ cảm nhận âm thanh có sự khác biệt.
Tùy vào đặc điểm và công suất của loa mà đặt khoảng cách giữa 2 loa dao động từ 90 – 150 cm, lưu ý xoay 2 loa hướng vào nguời nghe góc 20 – 300.

Bình Tâm

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới