Những phần mềm phòng chống virus máy tính tốt cho năm 2010
Avira AntiVir 9
Trong các bài test về hiệu suất phòng chống virus, Avira AntiVir chỉ chịu thua G Data 2010 0,04% ở bài test về virus truyền thống (99,4 % so với 99,8% của G Data) nhưng lại nhỉnh hơn ở hạng mục quét các phần mềm khả nghi, phần mềm quảng cáo (64-88%). Đó là chưa kể đến tốc độ quét của Avira AntiVir nhanh hơn G Data khá nhiều (14,1MB/s so với 9,3MB/s). Nhưng điều quan trọng nhất chính là chương trình này có cả 2 phiên bản có phí (Premium, giá 26,95 USD) và miễn phí (Personal). Có nghĩa là bạn hoàn toàn có cơ hội sử dụng trình chống virus hiệu suất cao này miễn phí nếu chấp nhận bỏ bớt một vài tính năng và hạn chế hỗ trợ kỹ thuật.
Giao diện Avira AntiVir tuy nhìn cũng đơn giản, bắt mắt, nhưng sử dụng không đơn giản tí nào với hàng loạt tinh chỉnh, tùy chọn nằm rải rác trong các menu. Hạn chế nữa là dù quét nhanh, hiệu suất cao, chương trình hay diệt nhầm (thử nghiệm cho thấy có đến 21 lần Avira AntiVir khử nhầm các file không nhiễm virus trong mẫu thử, trong khi đó G Data chỉ có 9 lần giết nhầm). Khuyết điểm cuối cùng của Avira AntiVir là khá tốn tài nguyên hệ thống. Máy bạn có cấu hình yếu thì đôi khi sẽ gặp trực trặc với chương trình này.
Theo đánh giá của dân tin học Việt Nam (vốn có tay nghề và không quan tâm chuyện dễ sử dụng hay không) thì Avira AntiVir 9 là chương trình tốt nhất hiện nay. Còn nếu muốn biết nó tốt đến mức nào, xin mời bạn vào www.free-av.com/en/download/index.html tải về dùng thử.
G Data AntiVirus 2010
Mãi cho đến phiên bản 2008 thì phần mềm này vẫn là cái tên xa lạ với người dùng máy tính trên toàn thế giới. Phiên bản 2009 được đánh giá khá cao trên các chuyên trang về phòng chống virus. Và đến phiên bản G Data Antivirus 2010 thì phần mềm đến từ nước Đức này thật sự tỏa sáng.
Với cơ chế hoạt động sử dụng cùng lúc 2 hệ thống phòng chống virus riêng biệt: một được mua lại từ Avast, một mua từ BitDefender, chương trình này đạt hiệu suất phòng chống virus cao nhất hiện nay trong tất cả các bài test của các trang Web kiểma tra độc lập, tạp chí, hội tin học…trên toàn thế giới. Đó là chưa kể hiệu suất phòng chống adware, malware, spyware…của chương trình luôn đạt trên 99,4%, thuộc hàng top.
Chương trình có giao diện rất đơn giản, dễ sử dụng, dễ nắm bắt và kiểm tra thông tin. Kiểm nghiệm về chẩn đoán hành vi (heuristic) của G Data cũng thuộc hàng cao thủ khi nó phát hiện được từ 66%-71,9% phần mềm có biểu hiện khác thường trên hệ thống, giúp người dùng nhanh chóng phát hiện các nguy cơ có trong hệ thống của mình dù nó chưa được cập nhật trong cơ sở dữ liệu virus.
Điểm yếu của G Data hiện nay chỉ nằm ở tốc độ quét (gần như chậm hơn tất cả các phần mềm hiện nay), khả năng tự bảo vệ và tiêu diệt các virus đã hoạt động (cài đặt chương trình sau khi máy đã bị nhiễm) còn kém và chưa được phân phối tại Việt Nam nên giá còn cao (25 USD).
Bạn tải bản dùng thử tại đây: www.gdatasoftware.com.
Kaspersky Anti-Virus 2010
Xét về hiệu suất phòng chống virus thì Kaspersky Anti-Virus không thể bằng G Data hay AntiVir được nhưng điểm mạnh nhất của chương trình là tốc độ cập nhật dữ liệu có thể xếp hàng nhanh nhất thế giới, khả năng tự bảo vệ cao, dự đoán hành vi theo thói quen người dùng tốt. Riêng ở Việt Nam, bạn sẽ nhận được hỗ trợ kỹ thuật tốt nhất đến từ nhà phân phối Nam Trường Sơn trong khi giá chỉ bằng phân nửa (200.000 đồng /1 năm so với 25 USD của G Data và 26,95 USD của AntiVir Premium).
Thử nghiệm thực tế thì chương trình có thời gian dò quét tuy khá lâu nhưng lại sử dụng ít tài nguyên và không gây ảnh hưởng đến các công việc bạn làm trên hệ thống. Phiên bản này có giao diện quá rối rắm so với các phiên bản trước, tuy nhiên nếu xét khách quan, việc đưa nhiều tùy chọn ra giao diện chính cũng nhằm giúp người dùng sử dụng tiện lợi hơn. Kaspersky Anti-Virus cũng ít giết lầm file lành lặn hơn các chương trình khác.
Nếu quan tâm, bạn có thể vào http://usa.kaspersky.com/trials/home-users/anti-virus để tải bản dùng thử.
Symantec Norton AntiVirus 2010
Norton AntiVirus không phải cái tên xa lạ gì với người dùng máy tính, tuy nhiên với người viết, chương trình này chỉ thật sự được quan tâm trở lại từ phiên bản 2009 sau một thời gian dài ngụp lặn trong các danh hiệu “quét chậm, nặng hệ thống, cập nhật dữ liệu trễ…”. Phiên bản 2010 về hiệu suất chỉ kém hai đại gia AntiVir và G Data một chút xíu nhưng lại có tốc độ quét nhanh hơn hai phần mềm kia khá nhiều và chỉ chịu thua phần mềm quét nhanh nhất Avast 0,2MB/s.
Giao diện chương trình đẹp, thân thiện và rất dễ sử dụng. Và đây cũng là chương trình chạy nhẹ nhàng nhất mà người viết đã từng xài qua. Thậm chí trên một hệ thống cũ, sau khi cài đặt, nếu không nhìn biểu tượng chương trình trên khay hệ thống thì có thể bạn sẽ quên rằng nó đang chạy. Chương trình có tính năng Insight cho phép bạn biết được mức độ tin tưởng của một chương trình đang chạy trên máy bạn hoặc một tập tin bạn vừa tải về, tính năng này khá hữu dụng trong nhiều chương hợp. Bạn chỉ cần mở Task Manager, chọn một tác vụ đang chạy bất kỳ và Norton sẽ cho bạn biết khả năng tin cậy của tác vụ đó là bao nhiêu.
Tuy nhiên, chương trình vẫn có khiếm khuyết là khả năng tự bảo vệ, tiêu diệt các virus đang hoạt động trên hệ thống vẫn thấp, khả năng nhận dạng virus chưa có trong cơ sở dữ liệu yếu.
Hiện nay Norton Antivirus đã được phân phối chính thức tại Việt Nam với mức giá 220.000 đồng/1 năm sử dụng, chỉ nhỉnh hơn Kaspersky AntiVirus một tý, và đây hoàn toàn là sự lựa chọn không tồi tí nào. Bạn có thể vào www.symantec.com để tải bản dùng thử.
Lưu ý: Các thông số này dựa trên kết quả các thí nghiệm của www.av-comparatives.org và www.pcworld.com.
Chúng chỉ có tính tương đối, tham khảo vì các trình diệt virus luôn được cập nhật hàng giờ.