Chủ nhật ngày 15 tháng 9 năm 2024

Tech MediaOnline

Câu chuyện về chiếc tivi số phận và tương lai

March 06
00:00 2010

Tivi CRT “truyền thống” – lay lắt…
Công nghệ phát hình bằng bóng đèn hình có tuổi thọ đã 69 năm (chiếc tivi đèn hình chính thức xuất hiện từ năm 1939). Do đặc trưng về cấu tạo kỹ thuật nên tivi CRT có kích thước và trọng lượng khá lớn. Chính vì hai nhược điểm trên mà giới hạn của kích thước khung hình lớn nhất hiện nay của dòng tivi này cũng chỉ dừng lại ở mức 29 inch mà thôi.
Ưu điểm: Hiện nay dòng tivi này có giá thành rẻ, dễ sửa chữa vì có nhiều linh kiện thay thế. Tương thích với tín hiệu phát sóng ở VN cũng như khung hình dạng 4:3 chuẩn, không gây biến dạng hình ảnh khi xem các kênh truyền hình analog.
Khuyết điểm: To, nặng, vận chuyển khó khăn, tần số quét hình thấp (chủ yếu ở 50 – 60Hz) nên gây hiện tượng mỏi mắt khi xem nhiều, không thể phát hình ảnh chuẩn HD (High Definition – độ rõ nét cao), phát ra các tia bức xạ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nếu xem tivi trong thời gian dài. Một nhược điểm khác của tivi CRT là “không thời trang” cho những không gian đẹp và sang trọng.
Cách đây chừng 5 năm, để “cứu vớt” chiếc tivi CRT đang trên đà dự báo là sẽ “tiệt vong”, các hãng sản xuất điện tử hàng đầu trên thế giới như Sony, Toshiba, LG, Samsung…, do đã làm chủ được công nghệ bóng đèn hình CRT, đã cho ra đời thế hệ tivi CRT Slim có kích thước mỏng hơn, nhẹ hơn cũng như chất lượng hình ảnh hiển thị đã được nâng lên đáng kể. Đây là dòng tivi được nhiều người, chủ yếu là đối tượng có thu nhập thấp quan tâm khi họ chưa có điều kiện mua những chiếc tivi có công nghệ hiện đại hơn như tivi LCD chẳng hạn. Với giá vừa phải, tivi CRT Slim còn được bổ sung thêm các tính năng mới như: chóng méo hình bốn gốc, tần số quét đạt đến 100Hz giúp đỡ mỏi mắt khi xem lâu, loa cho âm thanh vòm 3D và màu sắc trung thực hơn các thế hệ trước. Nhưng chiếc tivi này chỉ có kích thước 29 inch, vẫn không đạt chuẩn HD và thiếu nhiều ngõ giao tiếp hiện đại.
Chiếc tivi CRT đã phát triển tới giai đoạn cuối, mặc dù tăng tầng số quét lên đến 100Hz cùng các công nghệ tạo hình ảnh đẹp nhất có thể nhưng vẫn không thể nào sánh kịp những TV LCD, plasma, LED, OLED từ kiểu dáng cho đến chất lượng hiển thị hình ảnh. Vào thời điểm hiện tại, tuổi thọ của các loại tivi CRT, LCD, plasma, LED tương đương nhau (khoảng 45.000 giờ, tương đương 5 năm xem liên tục 24/24). Những chiếc tivi CRT giờ đã chuyển đổi địa bàn hoạt động: tiến về nông thôn, nhường phố thị cho những chiếc tivi LCD, LED…

Tivi LCD – thống lĩnh phố thị
Công nghệ màn hình LCD được sử dụng rộng rãi từ những năm 1970 với những sản phẩm đầu tiên là mặt của những chiếc đồng hồ điện tử. Màn hình LCD là một dạng tinh thể lỏng được ghép giữa hai tấm thủy tinh nền, nó thay đổi tính chất khi có dòng điện chạy qua. Ban đầu LCD chỉ là loại màn hình đen trắng nhưng sau này được phát triển thêm màu. Về công nghệ phát sáng, chiếc tivi LCD cần một hệ thống đèn chiếu sáng lưng (đèn huỳnh quang âm cực lạnh CCFL) để hiển thị hình ảnh vì bản thân nó không tự phát sáng được.
Ngày nay, tivi LCD đang là mặt hàng đang “làm mưa làm gió” trên thị trường do hình dáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ, nhiều cổng kết nối, hỗ trợ nhiều chuẩn hình phân giải cao cùng giá ngày càng xuống thấp. Ngày xưa, tivi LCD là mơ ước của nhiều người tiêu dùng vì giá quá “chát”; còn giờ đây, với kích thước 32 inch, nhiều hãng đã hạ giá chỉ còn khoảng 5,4 – 8 triệu đồng. Các doanh nghiệp trong nước như Tiến Đạt, Hanel, Viettronic Tân Bình, gần đây là Đông Á (với nhãn hiệu tivi SAM) đã sản xuất mặt hàng này nhưng vì chất lượng và kiểu dáng không đẹp nên chấp nhận thua cuộc ngay chính trên mảnh đất Việt.
Chiếc tivi LCD có những ưu điểm: mỏng, nhẹ, thiết kế đẹp, có thể treo lên tường nhà tiết kiệm không gian, hình ảnh đạt chuẩn HD (720p/1080p), màu sắc trung thực, nhiều cổng giao tiếp như HDMI, Component, VGA, Optical…, hiển thị hình ảnh trong môi trường nhiều ánh sáng tốt hơn các dòng tivi khác, tiết kiệm điện…
Nhưng dòng tivi này còn khá nhiều khuyết điểm chủ quan và khách quan. Do dùng đèn chiếu sáng nền “backlight” nên tông màu đen/trắng của tivi LCD không trung thực bằng tivi Plasma. Nếu dùng tivi LCD thưởng thức phim HD hay chơi game sẽ “hợp mắt” hơn coi chương trình truyền hình vì dòng tivi LCD thuộc dạng wide 16:9, còn các chương trình truyền hình trong nước lại phát chuẩn 4:3, gây ra hiện tượng “lùn hình”.
Khi mua tivi LCD dùng để xem hình ảnh từ đĩa DVD và các chương trình truyền hình, bạn chỉ cần chọn các dòng LCD giá rẻ vì khó phân biệt chất lượng hình ảnh giữa dòng cao cấp và phổ thông bằng mắt thường. Còn nếu có khả năng tài chính và thường xem phim HD, hãy đầu tư một chiếc tivi LCD Full-HD.

Tivi plasma – bỏ thì thương…
Dòng tivi này từ khi sinh ra đã gặp khá nhiều lời khen chê, nếu so sánh với tivi LCD. Sau nhiều năm không ngừng cải tiến, có thể nói plasma đã “hoàn thiện” hơn rất nhiều. Có thể kể đến những yếu tố như: giảm kích thước, mỏng hơn, tăng độ phân giải lên 1080p, giá thành sản xuất ngang bằng với LCD. Đặc biệt, hiện nay tivi plasma có thể tạo ra những tấm nền (plasma display panel – PDP) với kích thước nhỏ (26 inch) đến lớn (150 inch).
Dù ít được người tiêu dùng quan tâm, nhưng về mặt kỹ thuật, tivi plasma có những ưu điểm như: hình ảnh đạt chuẩn HD (720p/1080p), khả năng hiển thị hình ảnh có chiều sâu và màu sắc chân thật hơn nhiều so với tivi LCD. Dòng tivi này đáp ứng những hình ảnh chuyển động nhanh cũng như những mảng màu tối tốt hơn tivi LCD. Còn góc nhìn “thực” rộng hơn nhiều so với tivi LCD (một vài LCD ghi là góc nhìn 1780 nhưng thực tế thấp hơn). Tivi plasma dùng để xem truyền hình tại Việt Nam cho hình ảnh tốt hơn tivi LCD nhiều. Khuyết điểm của dòng tivi này là thường xuyên xảy ra hiện tượng “chết hình” khi hiển thị cùng một hình ảnh hay một chi tiết trong thời gian dài. Tivi plasma thường hư bộ phận nguồn và hao điện hơn tivi LCD.
Plasma thích hợp với những căn phòng thiếu ánh sáng, phù hợp với phim hành động. Nếu chọn mua tivi plasma nên “chấm”
những tên tuổi lớn là Pioneer, Samsung, LG và Panasonic vì đây là những hãng còn “mặn mà” với công nghệ plasma. Hiện trên thị trường có bán khoảng vài chục model tivi plasma có kích thước từ 42 inch trở lên với giá thấp nhất là 12 triệu đồng. Rẻ hơn tivi LCD cùng kích thước.

Tivi LED – vẫn còn là chuyện tương lai
Công nghệ chiếu sáng bằng đèn nền LED đang ngày càng được nhiều hãng sử dụng trong sản xuất tivi LCD. Thay vì sử dụng đèn huỳnh quang CCFL trong thế hệ đầu tiên của LCD, các tấm nền LCD thế hệ mới được chiếu sáng bằng rất nhiều đèn LED nhỏ. Samsung gọi đây là những chiếc tivi LED, còn trong ngành công nghiệp điện tử, chúng vẫn được gọi là tivi LCD thế hệ đèn LED. Có hai kiểu bố trí đèn nền LED: gắn trực tiếp phía sau panel như LCD và gắn xung quanh (phía sau) màn hình LCD. Lợi thế của việc gắn trực tiếp nhằm điều chỉnh tăng hoặc giảm chế độ tương phản bằng cách cho một số đèn LED tắt để tăng khả năng thể hiện màu đen sâu hơn. Còn kỹ thuật gắn xung quanh cho phép tạo ra những màn hình mỏng, thời trang. Sony là hãng đầu tiên cho ra đời tivi LED chứ không phải Samsung; nhưng Samsung phát triển và thương mại hóa tivi LED tốt hơn.
Vì có thiết kế đèn như vậy nên chiếc tivi LED có thiết kế bề dày mỏng, nhẹ, tiết kiệm điện, màu sắc sáng rực rỡ hơn với tần số quét cao (200Hz), có nhiều tiện ích bổ sung như: kết nối Wi-Fi, xem phim HD trực tiếp, chia sẻ và kết nối không dây đến các thiết bị số trong gia đình.
Dù trên thị trường Việt Nam đã có khoảng 8 – 10 model tivi LED của 3 hãng: Sony, Samsung và LG nhưng giá vẫn còn cao (thấp nhất là model Samsung B6000 – 14,9 triệu đồng) nên dòng sản phẩm này chưa được người tiêu dùng quan tâm.
Thế hệ tivi LED chỉ là bước chuyển tiếp từ LCD lên OLED mà thôi, đa phần các hãng sản xuất tivi trên thế giới đang tập trung cho kế hoạch OLED nên LED sẽ bị “quay lưng” trong thời gian gần tới đây. Còn nếu ngay từ bây giờ không thể đợi nổi thế hệ tivi OLED (giá sẽ rất cao) thì tivi LED là sự lựa chọn hợp lý.

Tivi OLED & 3D – 5 năm nữa!
Về công nghệ, dòng tivi OLED sẽ là sự thay thế hoàn hảo cho tivi LCD bởi có thể thiết kế mỏng hơn, tiết kiệm điện hơn và cho hình ảnh đẹp hơn rất nhiều lần những thế hệ tivi LCD, plasma hiện nay. Panel của tivi OLED cấu tạo từ các tấm mỏng có nguồn gốc từ hợp chất hữu cơ có khả năng phát ánh sáng khi được cung cấp điện năng, kỹ thuật này ưu việt hơn hẳn cách chiếu ánh sáng nền từ phía sau như màn hình LCD, LED và plasma. Hình ảnh của tivi OLED sáng và rõ nét nhưng tiêu thụ ít điện năng hơn công nghệ màn hình LED hay LCD. Công nghệ này cho phép sản xuất những chiếc tivi dày chỉ vài mm và thậm chí có thể cuộn lại khi không dùng đến. Hiện màn hình OLED có kích thước nhỏ đang được dùng khá nhiều trong các thiết bị như: ĐTDĐ, smartphone, PDA, máy nghe nhạc số… Sony là hãng sản xuất đầu tiên trên thế giới chính thức bán ra màn hình OLED 11 inch mang tên XEL-1 (giá 2.500 USD). Tại Triễn lãm CES 2010 vừa qua, Sony đã tiếp tục ghi kỷ lục mới cho thị trường bằng chiếc tivi OLED kích thước đến 24,5 inch. Các hãng khác như LG, Samsung, Toshiba, Panasonic… cũng đang ráo riết đưa công nghệ OLED này vào sản phẩm của họ trong năm 2010. Tivi OLED vẫn còn hạn chế về kích thước và giá thành sản xuất ra tấm nền (panel) còn quá cao. Cần phải thêm một thời gian nữa thì những tivi công nghệ OLED này mới được phổ cập rộng rãi hơn vì chờ đợi giá rẻ và cũng là điều kiện để kiểm tra độ bền và sự ổn định về công nghệ.
Sony cũng là hãng sản xuất tivi đầu tiên giới thiệu chiếc tivi Bravia 3D kết hợp với máy chơi game PS3 trình diễn trò chơi đua xe và người xem phải đeo một loại kính đặc biệt để có thể chiêm ngưỡng các hình ảnh nổi y như thật. Cùng với việc hàng loạt những bộ phim 3D ra mắt trên thế giới trong thời gian qua, điều đó chứng tỏ càng ngày người ta càng muốn xem những hình ảnh chân thực và sống động hơn. Chiếc tivi 3D hoạt động bằng cách liên tục thay đổi khung hình bên trái và phải của video. Người xem đeo kính đồng bộ với màn hình. Mắt trái chỉ nhìn được khung hình trái và mắt phải cho khung phải, tạo ảo giác về độ sâu. Để quay những phim 3D cần phải sử dụng 2 máy quay riêng biệt được đặt cạnh nhau (hoặc một máy nhưng 2 “mắt”), chúng có hoạt động, và căn hình giống như mắt người giúp có thể nhìn được bên trái và phải một hình ảnh. Những hình ảnh này sau đó sẽ được thu thập rồi chỉnh sửa và chuyển thành những hình ảnh 3D thông qua một bộ xử lý chuyên biệt.
Nghe thì đơn giản như vậy nhưng để có được chiếc tivi 3D là một mặt hàng bán rộng rãi trên thị trường, chắc phải chờ… 10 năm nữa. Chờ vậy!

CRT: cathode ray tube, bóng đèn chân không.
LCD: liquid crystal display, màn hình tinh thể lỏng.
Plasma: plasma display panel (PDP), hỗn hợp khí hiếm trong các cell được kích điện biến thành thể plasma phát ra ánh sáng cực tím mà sau đó kích thích chất phosphor phát ra ánh sáng có thể nhìn thấy được.
LED: light-emitting diode, diode phát quang.
OLED: organic light-emitting diode, diode phát quang hữu cơ.

Story of a TV: fate and future
The bulky CRT TVs have been becoming unpopular to make place for thinner plasma and LCD TVs. However, in the near future, these pretty thin plasma and LCD TVs will also have to fiercely compete with LED, OLED and 3D TV series. In practice, present TV market is being in a mess than previous anytime. There are many models at many different prices causing difficulties in making purchasing decision of buyers. To choose a good and suitable TV that meets the specific demand is not easy, the customers have to understand pros and cons of each type to avoid making wrong decision and wasting of money.

KS Trần Bình – Ngân Phượng

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới