Thứ Bảy ngày 18 tháng 5 năm 2024

Tech MediaOnline

Điện thoại… hết ý?

Điện thoại… hết ý?
March 10
08:15 2016

 

GÓC NHÌN:

 

Chẳng phải đợi tới dịp đại hội quần hùng thế giới về di động Mobile World Congress (MWC) 2016 tới hẹn lại lên hàng năm tại thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) hồi hạ tuần thàng 2-2016, mà ngay từ vài năm qua, giới chơi điện thoại trên toàn cầu đã phải trăn trở đầy thất vọng và hoài nghi với câu hỏi: các nhà thiết kế điện thoại đã cạn kiệt ý tưởng rồi sao?

Trước khi có một sản phẩm thuộc loại flagship hay đỉnh của một thương hiệu lớn nào ra đời, trên mạng và cả những xuất bản phẩm của giới truyền thông vẫn nổi lên làn sóng lộ hàng, rò rỉ (leak) rồi xúm nhau bàn tán về những chi tiết, thiết kế, cấu hình, tính năng của chiếc smartphone sắp ra. Tất nhiên không ít người đã có những ý tưởng, đề nghị của mình về sản phẩm mới đó. Thậm chí có những người có tay nghề và ý tưởng còn tốn nhiều tâm trí, công sức để vẽ ra hình dạng những sản phẩm mà nhà sản xuất chưa ra đó.

Điều này cho thấy sự kỳ vọng vẫn còn rất lớn của người dùng, đặc biệt là các fan, đặt vào các thương hiệu yêu thích của mình. Nhưng thực tế thì càng ngày, người ta càng kém sôi nổi hơn. Chuyện đồn đoán này có vẻ có hơi hướm của những ông thánh, bà tướng khoái chém gió phần phật trên mạng.

Bởi khi sản phẩm thật sự được chiềng làng, phần nhiều là không thể làm hài lòng tất cả. Mà đó cũng chỉ là lẽ bình thường thôi. Làm cách nào mà các nhà sản xuất có thể thỏa mãn cho hết các fan, khi mà thói thường tình chỉ 9 người mà có tới 10 ý.

Vậy là cái vòng luân hồi lại tiếp diễn. Bằng niềm tin và tình yêu của mình dành cho thương hiệu, các fan lần này chưa thấy sướng lại tiếp tục kỳ vọng vào lần tới.

smartphone-girl-02

Thiệt tình thì có lẽ chưa bao giờ các hãng sản xuất và các nhà thiết kế điện thoại lại đau đầu, khó khăn như ngày nay. Mà nói cho công bằng, cũng tại họ tự vẽ bùa mà đeo, bị ngựa ông đập lưng ông mà thôi.

Không thể chối cãi là smartphone đã đạt tới điểm bão hòa. Cả ở thị trường lẫn về sản phẩm. Về thiết kế, nói nôm na là kiệt ý tưởng.

Bây giờ hình dạng chiếc smartphone đã được định hình là dạng thanh. Kiểu mẫu thì không thay đổi nhiều lắm. Thậm chí có những dòng sản phẩm có mẫu mã gần như anh em sinh đôi cùng trứng, chỉ có thể phân biệt ở cái…. tên gọi. Chẳng hạn như dòng Lumia của Microsoft, Zenfone của Asus, một số dòng Galaxy của Samsung,…. Cũng có khi là các chi tiết thiết kế chính được xào qua, nấu lại giữa các model và thế hệ cho nó có cái khác đi.

Bây giờ, có thể nói, các nhà sản xuất chủ yếu là hoàn thiện các dòng sản phẩm cho ngày càng tốt hơn, hài lòng người tiêu dùng hơn, dựa theo các phản hồi của thị trường và của các fan hâm mộ. Cái khó nhất của nhà sản xuất là phải tính toán cân phân ra sao về chất liệu và cấu hình để bảo đảm cho được các yêu cầu sống còn: mỏng; nhẹ và gọn; chụp ảnh đẹp; bắt sóng mạnh và ổn định; thời lượng pin lâu;… kế đó là chạy mượt mà; màn hình hiển thị rõ nét, đẹp, màu sắc tươi tắn;… và bao trùm lên tất cả là có giá phải chăng. Với các mẫu sản phẩm dành cho phân khúc thị trường high-end thì chuyện giá cả ít căng hơn, chủ yếu là so kè giữa các đối thủ cạnh tranh, do đối tượng người dùng của chúng thuộc tuýp người “nhà có điều kiện” nên hễ khoái thì chiến. Còn ở phân khúc thị trường tầm trung và đặc biệt là phân khúc phổ thông, cái câu thiệu mà người tiêu dùng luôn ghim trong đầu khi chọn mua sản phẩm là “ngon bổ mà rẻ”.

Hai ông lớn của Hàn Quốc là Samsung và LG nhiều năm liền đã đầu tư bộn tiền bạc để vừa đua tranh lẫn nhau, vẫn muốn trở thành người tiên phong mở ra những chuẩn mực mới cho các dòng sản phẩm.

Cả Samsung lẫn LG đều đã đưa ra thiết kế điện thoại cong. Tháng 10-2013, LG đưa ra chiếc G Flex với kiểu dáng khác thường, cong như trái chuối. Cùng tháng đó, Samsung có dòng Galaxy Round cũng có cả thân máy và màn hình cong vòng. Chỗ khác nhau là LG cong theo chiều dọc, còn Samsung cong theo chiều ngang. Cả hai hãng đều giải thích thân máy cong như vậy cho hợp với khuôn mặt người nên dễ nghe hơn. Điều thú vị là kẻ cong dọc, người cong ngang mà đều chung lời giải thích. Thế nhưng, kiểu dáng khác thường và khó bỏ vào túi quần của hai mẫu điện thoại này đã sống không qua một mùa trăng. Cho tới nay chỉ còn Samsung với ưu thế nhà sản xuất được vẫn tiếp tục cái sự nghiệp cong, nhưng chỉ cong ở cạnh màn hình cho vừa có kiểu dáng và trải nghiệm hiển thị lạ, vừa vuốt màn hình sướng hơn thôi. Ban đầu, chỉ có một cạnh cong (Galaxy Note Edge), từ năm 2015 với Galaxy S6 edge và năm 2016 là Galaxy S7 edge, cả hai cạnh bên của màn hình đều được uốn cong.

Không ngừng sáng tạo, tháng 9-2015, LG tung ra smartphone V10 có thêm cái màn hình phụ nhỏ nằm ngang bên trên màn hình chính. Và tới kỳ MWC 2016 này, LG lại đưa ra thêm chiếc G5 có phần đuôi có thể tháo rời không chỉ để thay pin theo kiểu chưa từng có, mà còn là chỗ để gắn vào đó một cái modul bổ sung tính năng cho smartphone. Với giới yêu nhạc, LG có cái module Hi-Fi Plus của hãng âm thanh trứ danh Bang & Olufsen với DAC 24-bit. Còn với giới mê chụp ảnh, có một cái module có hình thù dày cộm nhưng cung cấp các nút cứng cho camera chụp ảnh và ghi video, kèm theo một bánh xe răng cho tác vụ zoom. Bên trong cái grip này còn có thêm một viên pin bổ sung dung lượng 1100mAh.

Như đã nói ở trên, hiện nay, các mẫu mã điện thoại ít có thay đổi mang tính đột phá hay cách mạng về kiểu dáng. Sự tập trung của các nhà sản xuất là về việc hoàn thiện và hoàn mỹ các sản phẩm sao cho ngày càng đẹp hơn, tinh tế hơn, chỉn chu hơn, mạnh hơn và tiện dụng hơn.

flexible-phone

Có lẽ cuộc cách mạng về hình thức điện thoại chỉ diễn ra khi loại màn hình dẻo được thương mại hóa. Khi đó, người ta có thể gấp hay cuộn điện thoại lại mà bỏ túi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Bài đã được in trên tạp chí e-CHÍP M! SỐ 537

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

160309-echip-537_resize

 

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới