Thứ Tư ngày 18 tháng 9 năm 2024

Tech MediaOnline

VIDEO: Thăm Tháp Bà Ponagar và Nhà thờ Đá ở Nha Trang tháng 5-2024

VIDEO: Thăm Tháp Bà Ponagar và Nhà thờ Đá ở Nha Trang tháng 5-2024
May 31
15:14 2024

Tháp Bà Ponagar là ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi “Tháp Ponagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, hiện gồm 3 tầng với 4 ngọn tháp hầu như còn nguyên vẹn, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh ở Vương quốc Chăm Pa.

Theo người Chăm Pa cổ, nữ vương Po Inư Nagar tức Thiên Y Ana Thánh Mẫu là vị thần tạo nên Trái đất này. Bà được sinh ra từ áng mây và bọt biển, là vị thần mang đến sự bình yên và bảo vệ họ khỏi mọi cơn bão lũ, mang đến mùa màng bội thu và sự sung túc.

Khu Tháp Ponagar có quy mô 3 tầng. Tầng 1 là khu tháp cổng, nơi đặt những chiếc cổng chào rất hoành tráng. Sự tàn phá của thời gian khiến nơi đây hiện chỉ còn các bậc đá, chân cột trụ cùng những bậc thang đá dẫn lên tầng tiếp theo. Tầng 2 là khu tiền đình (Mandapa), nơi người Chăm dùng để chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên. Tại đây còn bảo tồn được 10 cột trụ lớn được chia ra 2 hàng, cột có chiều cao 3m và đường kính 1m. Xung quanh còn có 12 cột nhỏ hơn, được đặt trên bệ với chiều cao 1m. Tham quan xong thì du khách có thể theo lối bậc thang để đến tầng 3. Tầng 3 cao nhất là Khu đền tháp. Tại đây có Tháp Trung tâm, Tháp Đông Nam (nằm cạnh tháp Trung tâm) và Tháp Nam (tháp nhỏ nhất và nằm cạnh tháp Đông Nam) – ba ngôi tháp này nằm thẳng hàng với nhau. Bên cạnh đó còn có Tháp Tây Bắc (không nằm cùng hàng với ba ngôi tháp kia).

Tháp Bà Ponagar đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1979 và là một trong những địa điểm du lịch tại thành phố biển Nha Trang thu hút du khách trong và ngoài nước cho đến ngày nay.

Vào những ngày lễ vía Bà hàng năm (từ 20 đến 23 tháng 3 âm lịch), tháp Bà Ponagar đón hàng vạn khách du lịch hành hương cũng như người dân trong vùng về dự lễ hội nhằm để tưởng nhớ công ơn của người mẹ xứ sở đã có công dạy người dân cách làm ăn, sinh sống. Mọi người tin Po Inư Nagar là vị thần đầy quyền năng, sáng tạo… Mẹ xứ sở không chỉ nâng đỡ người Chăm từ những bước đi đầu tiên thời lập quốc mà luôn luôn dẫn dắt đời sống tinh thần của từng gia đình cũng như cả cộng đồng.

Tháp Bà Ponagar là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm. Kỹ thuật xây dựng giai đoạn từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 13 cho đến nay vẫn là điều bí ẩn dù nhiều nhà nghiên cứu đã vào cuộc, nhiều công trình khoa học đã được thực hiện. Người ta vẫn chưa hiểu được người Chăm đã làm cách nào để những viên gạch với kích cỡ 20x20cm cứ chồng khít lên nhau mà không cần bất kỳ một chất kết dính nào. Đó là nét độc đáo khiến du khách thêm phần yêu thích ngôi đền tháp này.

Nhà thờ Đá Nha Trang có tên gọi được bắt nguồn từ việc nhà thờ được xây hoàn toàn bằng đá. Nơi đây còn được gọi là Nhà thờ Núi Nha Trang do nằm trên đỉnh đồi Hoàng Lân, hay Nhà thờ Ngã Sáu do nằm tại ngã 6 đường Thái Nguyên. Tên chính thức của nhà thờ là Nhà thờ Chính tòa Kitô Vua.

Vào ngày 3-9-1928, Nhà thờ Đá bắt đầu được linh mục người Pháp Louis Vallet khởi công xây dựng với lối kiến trúc Gothic giống với các nhà thờ Công giáo phương Tây, do kiến trúc sư Nesty thực hiện. Nhà thờ được xây dựng trên độ cao 12 mét, có chiều dài 36m, chiều rộng 20m, diện tích 720 mét vuông. Nhà thờ khánh thành ngày 14-5-1933.

Trên lối đi dốc từ mặt đường dẫn lên nhà thờ, kéo dài đến mặt tiền nhà thờ, bên trái là cụm tượng 14 chặng đường Thánh giá, tượng 12 Thánh Tông đồ và tượng Chúa Kitô Vua, tượng 24 vị thánh, trong đó có cả tượng Chúa Phục sinh. Còn trên vách đá bên phải gắn chi chít những tấm bia mộ của những tín hữu đã được Chúa gọi về. Có nguồn cho biết đây là những hộc nhỏ ghép vào tường đá để cất giữ di cốt người quá cố.

Nguyên vật liệu chính xây dựng nhà thờ là bê-tông cốt sắt và đá chẻ, tạo nên một bố cục vững chắc với những khối lập thể nhỏ dần, vươn từ thấp lên cao. Ðiểm cao nhất của nhà thờ là đỉnh tháp chuông, nơi đặt cây thánh giá (cao 38m tính từ mặt đường). Trên tháp chuông còn treo bộ chuông đồng do hãng chuông nổi tiếng Bourdon Carillond của Pháp chế tạo. Trên tháp chuông có gắn đồng hồ lớn với 4 mặt quay ra 4 hướng.

Kiến trúc bên trong nhà thờ có các vòm cuốn hình múi uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Hoa văn trang trí sử dụng những đoạn thẳng, được bố trí hài hòa, tạo vẻ đẹp giản dị nhưng trang nghiêm. Và để khai thác hiệu quả ánh nắng mặt trời, nhiều loại kính màu xanh, đỏ đã được lắp vào các cửa vòm, cửa hoa hồng của nhà thờ.

Xin mời xem video trên kênh YouTube Phước Nhựt Trình.

A.P.

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới