Thứ Tư ngày 11 tháng 9 năm 2024

Tech MediaOnline

Đội sinh viên Việt Nam giành giải Ba chung kết toàn cầu Cuộc thi Huawei ICT Competition 2022-2023

Đội sinh viên Việt Nam giành giải Ba chung kết toàn cầu Cuộc thi Huawei ICT Competition 2022-2023
May 29
00:23 2023

Tại Chung kết toàn cầu Cuộc thi Huawei ICT Competition 2022-2023 tổ chức tại Thâm Quyến (Trung Quốc) ngày 27-5-2023, đội Việt Nam đã giành được giải Ba sau khi tranh tài với 146 đội đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước đó, đội đã vượt qua hơn 120.000 sinh viên đến từ hơn 2.000 trường đại học ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để giành được tấm vé tiến vào vòng thi cuối cùng.

Đội Việt Nam giành giải Ba cuộc thi Huawei ICT Competition 2022 – 2023

Huawei ICT Competition 2022-2023, lần thứ bảy tổ chức, đã ghi nhận quy mô lớn nhất từ trước nay. Các sinh viên phải trải qua nhiều vòng thi gay cấn cấp quốc gia và khu vực, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để tiến vào vòng Chung kết toàn cầu. Đội Việt Nam gồm 3 sinh viên: Nguyễn Quốc Hùng (Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông – PTIT), Trần Đức Lâm và Vũ Quang Hải (Đại học FPT) do TS. Trần Tiến Công (Học viện PTIT) dẫn dắt thi đấu tại vòng Chung kết toàn cầu. Vượt qua nhiều ứng viên tài năng đến từ các trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo ICT trên thế giới, đội Việt Nam đã giành giải Ba ở hạng mục Cloud.

Năm nay, vòng chung kết toàn cầu bao gồm 3 phần: Thực hành, Đổi mới và Công nghiệp. Trong đó, phần thi Thực hành có 3 hạng mục: Network (Mạng), Cloud (Đám mây) và Computing (Điện toán).

Có mặt tại vòng chung kết và lễ trao giải có ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), đánh giá cao về chất lượng và giá trị mà cuộc thi mang lại cho các tài năng trẻ. Ông chia sẻ: “Huawei ICT Competition là một sân chơi thiết thực và bổ ích nhằm tìm ra và tôn vinh những tài năng ICT trẻ, đồng thời giúp họ kết nối với các doanh nghiệp thông qua chương trình Cầu nối Tài năng ICT (ICT Talent Bridge) của Huawei Nhiều quan chức ngành ICT, các nhà giáo dục và các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện. Hy vọng trong những năm tiếp theo, cuộc thi sẽ được tổ chức mạnh mẽ tại Việt Nam, nhằm tạo cơ hội cho các học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận và trau dồi kiến thức về ICT.”

TS. Trần Tiến Công cũng mong muốn Huawei triển khai nhiều hoạt động đào tạo tương tự hơn nữa. Ông nhấn mạnh: “Cuộc thi là sự kiện quan trọng trong lĩnh vực ICT, tập trung vào các công nghệ trụ cột định hướng tương lai thế giới. Sân chơi cổ vũ các tài năng trẻ và thúc đẩy phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến, góp phần bù đắp nhân lực cho kỷ nguyên 4.0. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) kỳ vọng sẽ cùng Huawei phát triển nguồn nhân tài số tại Việt Nam thông qua các hoạt động kết nối doanh nghiệp với sinh viên, đồng tổ chức các cuộc thi và chương trình đào tạo, tham gia các hoạt động hỗ trợ giáo dục tại học viện nói riêng và cả nước nói chung.”

Chung kết và Lễ trao giải Cuộc thi Huawei ICT Competition 2022-2023 toàn cầu,

Ông Xiao Haijun, Chủ tịch Kinh doanh và Phát triển Đối tác Toàn cầu, Nhóm Kinh doanh Giải pháp doanh nghiệp Huawei, cho biết: “Tài năng số và kỹ năng số đặt nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số. Do đó, Huawei sẽ chia sẻ tài nguyên giáo dục ICT đến nhiều trường học hơn trên thế giới hơn nữa trong tương lai. Chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng 7.000 Học viện Huawei ICT vào năm 2026, đào tạo hơn 1 triệu sinh viên mỗi năm, cải thiện đáng kể kiến thức và kỹ năng số cho sinh viên để bước vào một thế giới kỹ thuật số năng động và toàn diện hơn.”

Ông Xiao Haijun – Chủ tịch Kinh doanh và Phát triển Đối tác Toàn cầu, Nhóm kinh doanh giải pháp toàn cầu Huawei, phát biểu tại sự kiện,

Theo ông Xiao Ran, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Huawei, thành lập thêm Học viện Huawei ICT Academy, đẩy mạnh Cuộc thi Huawei ICT Competition và phát hành Sách trắng Tài năng số sẽ là 3 dự án chủ đạo của Huawei nhằm xây dựng hệ sinh thái nhân tài ICT vững mạnh và đẩy nhanh tiến độ số hóa của thế giới.

Giáo sư Mohan Munasinghe, người được Giải Nobel Hòa bình 2007, Giải Hành tinh Xanh 2021, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), nhấn mạnh rằng ICT có vai trò then chốt trong việc hài hòa tam giác phát triển bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội. Công nghệ kỹ thuật số giúp thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế, tăng cường hợp tác toàn diện. Cuộc thi Huawei ICT Competition đã thúc đẩy sinh viên đổi mới sáng tạo để tạo ra những đột phá quan trọng để đạt được tăng trưởng xanh, toàn diện và cân bằng trên toàn cầu.

Bà Vicky Zhang, Phó Chủ tịch Ban Truyền thông Doanh nghiệp Huawei, cũng cho biết thêm: “Huawei đã thành lập thêm Giải thưởng Công nghệ cho Nữ giới dành cho các thí sinh nữ, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành ICT. Năm nay, tỷ lệ thí sinh nữ trên toàn cầu đã vượt 21%, tăng 8% so với 3 năm trước.”

Cuộc thi thường niên Huawei ICT Competition được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, nhằm kiến tạo sân chơi cạnh tranh lành mạnh và giao lưu quốc tế cho sinh viên đại học và cao đẳng trên toàn thế giới, cũng như nâng cao kiến thức công nghệ thông tin và khả năng thực hành cho sinh viên. Cuộc thi là dự án trọng điểm trong sáng kiến Hạt giống cho Tương lai 2.0 của Huawei, đến nay đã thu hút hơn 580.000 sinh viên từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Tính đến cuối năm 2022, Học viện Huawei ICT Academy đã hợp tác với 2.200 trường đại học giúp đào tạo hơn 200.000 sinh viên mỗi năm.

L.H.A.

Nguồn do Huawei cung cấp.