Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

In 3D, giờ đây ai cũng có thể in

In 3D, giờ đây ai cũng có thể in
November 28
11:43 2022

Chiều 26-11-2022 tại TP.HCM, Công ty chuyên về giải pháp in 3D W.E 3D đã tổ chức một buổi workshop chủ đề “Công nghệ in 3D cho mọi người” với sự đồng hành của Công ty Mingda Technology (Shenzhen, Trung Quốc) chuyên nghiên cứu phát triển và sản xuất máy in 3D. Mục đích của workshop là để giới thiệu về công nghệ in 3D, các dòng máy in 3D cho người dùng cuối, với kỳ vọng khuyến khích người dùng làm quen và ứng dụng in 3D trong cuộc sống hàng ngày.

W.E 3D cho biết: Lĩnh vực in 3D hiện đang phát triển rất nhanh chóng trên toàn thế giới, được sử dụng đa dạng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống, mang tính ứng dụng cao từ việc sản xuất kinh doanh cho tới phục vụ sở thích cá nhân.

W.E 3D có trụ sở tại Q.12 (TP.HCM) tự giới thiệu mình là những người trẻ có niềm đam mê mãnh liệt với công nghệ in 3D ngay từ những ngày đầu tiên công nghệ này mới xuất hiện trên thế giới. Nhận thấy được khả năng và tiềm năng đặc biệt của công nghệ in mới, một thành phần trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, họ đã cùng nhau thành lập W.E 3D với mục tiêu mở rộng cánh cửa trải nghiệm để giúp mọi người, mọi nhà có thể dễ dàng tiếp cận với các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.

Những đồ vật được in 3D của W.E 3D.

Anh KAL, CEO của W.E 3D, cho biết ngày nay ứng dụng 3D rất đa dạng và phong phú, rất rộng, phục vụ từ nghiên cứu và du hành vũ trụ tới nhiều lĩnh vực công nghiệp, như sản xuất xe ôtô, xây dựng nhà,… Đặc biệt là trong ngành y tế, công nghệ in 3D được ứng dụng trong vô số thứ, trong đó để làm ra những thứ “đo ni đóng giày” cho vừa vặn với từng người bệnh, như răng,… Thậm chí đã có những thử nghiệm dùng máy in 3D ”in” thịt bò, thịt heo,… từ nguồn “mực” thực vật. Với “mực” in bằng bột gỗ, bột kim loại,… người ta có thể in 3D ra các món đồ gỗ, kim loại mà phương pháp tiện hay đúc truyền thống phải “bó tay”. Các nhà khoa học đang thử nghiệm “in” 3D những bộ phận cơ thể con người bằng tế bào gốc của chính bệnh nhân để phục vụ cho các chỉ định ghép tạng mà không cần phải dài cổ chờ đợi tạng được ai đó hiến tặng. Người ta cũng đã thử nghiệm thành công việc in 3D những dụng cụ, bộ phận thay thế,… trên trạm quỹ đạo để phục vụ cho các chuyến du hành vũ trụ. Trong cuộc sống thường ngày, người ta có thể ứng dụng in 3D để chế tạo các món đồ vật cần thiết, ngay cả các món công cụ, chế tạo đồ chơi, vật dụng trong nhà. Ngày nay, mọi người đều có thể tiếp cận với in 3D khi giá máy in và vật tư in ngày càng rẻ hơn. Vào thời điểm này, chỉ cần đầu tư khoảng 10 triệu đồng là người ta có thể có được một bộ máy in 3D tại nhà.

Cũng theo anh KAL, hiện nay có 2 công nghệ in 3D chính: phổ biến nhất là in bằng sơi nhựa FDM (Fused Deposition Modeling) và in bằng nhựa lỏng resin SLA (Stereolithography). Trong đó SLA đòi hỏi phải đầu tư nhiều vì đắt tiền và thải ra hơi độc hại; nhưng so với các công nghệ in 3D khác, SLA cho ra các thành phẩm có độ phân giải cao nhất và láng mịn nhất, rất hữu dụng trong việc in khuôn mẫu và các vật có nhiều chi tiết nhỏ.

Hiện nay ở Việt Nam đã có một số nơi sản xuất được máy in và nhựa in theo công nghệ FDM. Còn về công nghệ SLA thì chủ yếu phải nhập từ nước ngoài.

Một số mẫu máy in 3D công nghệ FDM của hãng Mingda do W.E 3D phân phối tại Việt Nam.

Theo phương hướng tương lai, W.E 3D không chỉ mở rộng việc cung cấp các “đồ nghề” và giải pháp in 3D, mà còn đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, truyền cảm hứng cho ngày càng có thêm nhiều người ứng dụng in 3D trong cuộc sống; đồng thời mời gọi các sự hợp tác, liên kết với các bên thứ ba để đưa in 3D rộng hơn. Chẳng hạn như việc hợp tác với ngành giáo dục có thể giúp đưa in 3D đến với nhà trường và phụ huynh, giúp họ có thể tự làm ra các vật dụng và các món đồ chơi có dấu ấn riêng của mình.

A.P.

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới