Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Google tôn vinh nghệ thuật cải lương nhân Ngày Giỗ Tổ nghiệp Sân khấu Việt Nam

Google tôn vinh nghệ thuật cải lương nhân Ngày Giỗ Tổ nghiệp Sân khấu Việt Nam
September 28
13:50 2020

Ngày 28-9-2020, khi truy cập vào website Google hay Google Search từ địa chỉ IP ở Việt Nam, người ta sẽ nhìn thấy logo của Google được thay bằng một Doodle thể hiện các hình vẽ tôn vinh nghệ thuật sân khẩu cải lương nhân Ngày Giỗ Tổ nghiệp Sân khấu Việt Nam (ngày 12 tháng Tám âm lịch hàng năm). Khi click hay touch lên Doodle này, bạn sẽ được mở tới trang chủ đề về sân khấu Việt Nam.

Google cho biết họ muốn tôn vinh cải lương, bộ môn nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Và việc thay đổi logo là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi dự án quảng bá các giá trị Văn hóa, Nghệ thuật, Danh nhân, Thiên nhiên đặc sắc của Việt Nam bằng các Google Doodles (loạt hình ảnh cách điệu logo Google nhân một sự kiện quan trọng nào đó, thường mang tính địa phương hóa từng nước).

Google cũng giải thích: Biểu tượng Google Doodle Cải lương hôm nay không chỉ tập trung khai thác hai diễn viên trên sân khấu với phong thái hào sảng – những nhân vật chính của sân khấu cải lương, mà còn thể hiện cả dàn nhạc công với những nhạc khí đặc trưng trong cải lương. Những dụng cụ âm nhạc như đàn bầu, đàn cò, đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo, ghi-ta phím lõm, góp phần làm nên cái hồn, cái chất của môn nghệ thuật biểu diễn này. Việc thể hiện cả dàn nhạc nhằm làm nổi bật những nét độc đáo riêng của cải lương so với các loại hình tương tự khác, cũng như tôn vinh cả những nhạc công thầm lặng đã góp phần giúp cải lương đi vào lòng khán giả.

Từ điển bách khoa online Wikipedia ghi chép: Giáo sư Âm nhạc Trần Văn Khê giải thích chữ “cải lương” (改良) theo nghĩa Hán Việt rằng: “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn”, thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản.. Ở đây là đã cải lương (cải cách, đổi mới) nghệ thuật hát bội. Từ 1 động từ theo nghĩa thông thường đã trở thành 1 danh từ riêng. Sau khi cải lương thì nghệ thuật Cải lương đã khác hẳn với nghệ thuật hát bội cả về nội dung và hình thức.

Theo học giả Vương Hồng Sển, năm 1918, bỗng Tây thắng trận ngang (Chiến tranh thế giới thứ nhất), mừng quá, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut nới tay cho phép phe trí thức Việt Nam bày ra một cuộc hát lấy tiền dâng “mẫu quốc” và cho phép lập hội gánh hát để dân bản xứ lãng quên việc nước, thừa dịp đó dân trong Nam bèn trau dồi nghề đờn ca và đưa tài tử salon lên sân khấu… Nhân cơ hội ấy, ông Năm Tú (Châu Văn Tú) ở Mỹ Tho chuộc gánh của ông André Thận rồi sắm thêm màn cảnh, y phục và nhờ ông Trương Duy Toản soạn tuồng, đánh dấu sự ra đời của loại hình nghệ thuật cải lương.

Đến năm 1920, cái tên “cải lương” xuất hiện lần đầu tiên trên bảng hiệu gánh hát Tân Thịnh (1920) với đôi liễn đối:

    “CẢI cách hát ca theo tiến bộ

    LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh.”

Mặc dù nhà nghiên cứu Vương Hồng Sến đã nói cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ, nhưng theo sự hiểu của ông thì:

  • Năm 1915 trở về trước, tại miền Nam, tài tử còn ca kiểu “độc thoại”.
  • Năm 1916, có ca kiểu “đối thoại” (ca ra bộ)
  • Đêm 16-11-1918, tại Rạp Hát Tây Sài Gòn, có diễn tuồng – Việt nhứt gia (tức Gia Long tẩu quốc) đánh dấu thời kỳ phôi thai của cải lương. Sau đêm này, André Thận trước và Năm Tú sau, đã đưa cải lương lên sân khấu thiệt thọ. Năm 1922, tuồng Trang Tử thử vợ và tuồng Kim Vân Kiều diễn tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và rạp Modern Sài Gòn… lúc này hát cải lương mới thành hình thật sự…

TƯ LIỆU: Đoàn cải lương Phước Cương ở Hội chợ Thuộc địa Bois de Vicennes, Paris 1931, trong đó cô đào chính Năm Phỉ, nghệ sĩ Bảy Nhiêu, Tám Danh diễn trong vở “Sĩ Vân Công Chúa”, dựa trên truyện “Tristan et Isolde”. Các nghệ sĩ cải lương Việt Nam đi máy bay. (Nguồn http://nguyentl.free.fr/html/photo_expo_universelle_fr.htm. Thanks.)

TƯ LIỆU: Một rạp cải lương tại Sài Gòn trước 1975. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Ngoài việc thay đổi biểu tượng trang chủ, trong chương trình tôn vinh Cải lương Việt Nam nhân ngày Tổ nghiệp Sân khấu 2020, Google cũng hợp tác với Đài Truyền hình TP.HCM HTV để đưa lên nền tảng YouTube bản độc quyền trọn vẹn của vở cải lương kinh điển “Tiếng Trống Mê Linh“, đồng thời giới thiệu vở diễn đến không chỉ cộng đồng trong nước mà còn tất cả kiều bào trên khắp thế giới thông qua trang web Google Doodles. Khi truy cập trang giới thiệu về Doodle Cải Lương, người xem có thể thưởng thức trực tiếp vở diễn này.

Vở Tiếng Trống Mê Linh của đoàn Thanh Minh được công diễn lần đầu tiên năm 1977, thu hút được sự quan tâm rất lớn của công chúng bấy giờ. Năm 1978, cùng với Bên Cầu Dệt Lụa, Tiếng Trống Mê Linh được Đài truyền hình TP.HCM chọn ghi hình, là những vở cải lương đầu tiên được phát trên sóng truyền hình tại TP.HCM. Đạo diễn thực hiện ghi hình là Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Để (Diên An), với sự diễn xuất của dàn nghệ sĩ cải lương tài năng nhất thời đó như Thanh Nga, Thanh Sang, Văn Ngà, Bảo Quốc, Hùng Minh. Vở cải lương Tiếng Trống Mê Linh gần gũi với khán giả, nhưng cũng đầy chất văn học. Đây là vở cải lương ca ngợi lòng yêu nước, tạo nên sự đoàn kết dân tộc mạnh mẽ.

Xin mời xem vở cải lương Tiếng Trống Mê Linh trên YouTube.

Chiến dịch tôn vinh cải lương do Google thực hiện năm nay cũng được tham gia hưởng ứng của những nghệ sĩ sân khấu cải lương, các nhà sáng tạo nội dung YouTube, và các đơn vị khác, như:

  • NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Ngọc Huyền, nghệ sĩ Quế Trân, YouTuber Khoai Lang Thang, ca sĩ Phương Mỹ Chi, diễn viên Diệu Nhi, ca sĩ Chi Pu, cùng nhau thực hiện những nội dung đăng tải trên kênh YouTube cũng như trên kênh mạng xã hội của mình, chia sẻ tình yêu, kỷ niệm gắn liền với cải lương, hoặc thể hiện trực tiếp những trích đoạn cải lương mình yêu thích, giúp lan tỏa ý nghĩa chương trình và quảng bá nghệ thuật cải lương truyền thống đến công chúng.
  • HTV cũng nhân dịp này đăng tải Bên Cầu Dệt Lụa và Tô Ánh Nguyệt – hai vở cải lương kinh điển có bản quyền khác trên YouTube.
  • Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang – trên kênh YouTube chính thức vừa thành lập của nhà hát – cũng đăng tải hai trích đoạn cải lương Chiến Binh và Hiu Hiu Gió Bấc.

Google cho biết: Việc số hóa và đưa những vở diễn kinh điển lên YouTube trong chiến dịch lần này nhằm phát huy vai trò của nền tảng này trong việc góp phần mở rộng phạm vi tiếp cận, giúp khán giả dễ dàng thưởng thức bất cứ lúc nào, đồng thời cũng giúp bảo tồn những thước phim có giá trị văn hóa lịch sử trên nền tảng số.

Đại diện cho đơn vị đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy loại hình sân khấu truyền thống dân tộc tại miền Nam, ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải Lương Trần Hữu Trang, chia sẻ: “Để giữ lại thời hoàng kim của sân khấu cải lương vào những thập niên 1970, 1980 là thách thức khó khăn đối với những người đang làm nghề. Với công nghệ 4.0 ngày hôm nay, các kênh Google, YouTube giúp đưa những hình ảnh, những vở diễn, những chương trình, tiếp cận với khán giả một cách dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho việc quảng bá nghệ thuật truyền thống một cách hiệu quả. Tôi rất ủng hộ nỗ lực của Google về việc cải lương được tôn vinh trên trang chủ của Google với những chiến dịch quảng bá nghệ thuật Cải lương truyền thống.”

Ông Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương, đánh giá: “Những nỗ lực quảng bá Cải lương của Google là hết sức đáng trân trọng, góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.”

Chia sẻ cảm nghĩ từ góc độ một người nghệ sĩ và cũng là một chuyên gia về cải lương, NSND Bạch Tuyết cho biết: “Tận đáy lòng tôi biết ơn và thấy mình may mắn được đồng hành cùng các bạn trong dự án đặc biệt này. Việc giới trẻ tìm kiếm thông tin trên Google diễn ra mọi lúc mọi nơi. Tôi tin rằng các bạn vừa ngạc nhiên vừa tự hào khi nhìn thấy biểu tượng sân khấu dân tộc hiện diện trên trang chủ. Với thói quen thích tìm tòi, khám phá của những người trẻ, các bạn ấy sẽ chủ động tìm về cội nguồn, để hiểu và yêu hơn loại hình nghệ thuật cao quý này. Với tư duy nhân văn và tâm huyết của Google, tôi tin chúng ta đang song hành với những khán thính giả trẻ của sân khấu dân tộc Việt Nam.”

Bà Diệp Bửu Chi, Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, chia sẻ về mối quan hệ hợp tác với Google trong chiến dịch quảng bá cải lương: “Thông qua các hoạt động này, HTV mong muốn Google với những sản phẩm, tập người dùng khổng lồ, đưa nội dung truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc đến với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới. Google đã rất tinh tế khi thực hiện Google Doodles nhằm tôn vinh nghệ thuật cải lương nhân ngày Giỗ Tổ sân khấu. Hy vọng hoạt động này thực sự gặt hái được những thành quả như ý muốn, góp phần gìn giữ và tôn vinh bộ môn nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.”

Các video thuộc chiến dịch quảng bá cải lương từ HTV, nhà hát Trần Hữu Trang và các nhà sáng tạo tham gia chương trình sẽ được tổng hợp trong danh sách phát Tôn Vinh Cải Lương trên kênh YouTube Google Việt Nam.

Xu hướng tìm kiếm Cải lương xấp xỉ nhạc Rap: Giữa bối cảnh hiện đại với sự ra đời của nhiều thể loại âm nhạc và nghệ thuật mới, cải lương dù đã qua thời hoàng kim, vẫn duy trì ổn định được sức hút và chỗ đứng trong nền nghệ thuật qua từng thời kỳ. Theo thống kê từ Google Xu hướng (Google Trends) trong một năm trở lại đây, trước khi chương trình truyền hình về Rap ra đời khiến nhạc Rap được nhiều người chú ý hơn, xu hướng tìm kiếm nhạc Rap và Cải Lương trên Google Tiếng Việt gần như xấp xỉ nhau. Trong khi đó, xu hướng tìm kiếm dành cho EDM thậm chí còn thấp hơn.

CÁC NGHỆ SĨ VÀ NHÀ SÁNG TẠO YOUTUBE HƯỞNG ỨNG CHIẾN DỊCH TÔN VINH CẢI LƯƠNG DO GOOGLE THỰC HIỆN

  • NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ cải lương

Link video.

Nhắc đến cải lương Việt Nam, không thể không nhắc đến “Cải lương Chi bảo” NSND Bạch Tuyết. Không chỉ mang đến cho khán giả biết bao cảm xúc với những vở cải lương kinh điển trong suốt 50 theo nghề, cô còn trở thành Tiến sĩ Nghệ thuật Cải lương đầu tiên của Việt Nam, giúp nghệ thuật cải lương được phổ biến và đề cao, đồng thời thực hiện các hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghệ thuật truyền thống. Với hơn 13,6 triệu lượt xem trên YouTube, NSND Bạch Tuyết vẫn không ngừng cho ra đời những tác phẩm mới, thể hiện những ca khúc hit được giới trẻ yêu thích theo phong cách vọng cổ, cải lương, làm mới nghệ thuật truyền thống để tiếp cận các thế hệ khán giả trẻ.

Tham gia chiến dịch tôn vinh cải lương của Google, NSND Bạch Tuyết thực hiện 1 vlog để vinh danh những người nghệ sĩ đã làm góp phần xây dựng, gìn giữ và phát triển nền cải lương Việt Nam. Cô cũng chia sẻ hành trình sự nghiệp, tình yêu của mình với cải lương và biểu diễn trực tiếp một vài trích đoạn mình tâm đắc, yêu thích nhất. Đồng thời cô cũng khởi động một thử thách thú vị dành cho các đồng nghiệp là những nghệ sĩ cải lương khác, khuyến khích họ biểu diễn trực tiếp lại một đoạn trong tác phẩm mình yêu thích nhất để mừng ngày Giỗ Tổ nghiệp.

Bên cạnh đó, cô cũng thực hiện một dự án cải lương mang tên Bút Quan Hoài để kỷ niệm ngày Giỗ Tổ nghiệp. Cô sẽ cùng nghệ sĩ tài năng Thanh Hải tạo thành một đoàn diễn 2 người độc đáo, biểu diễn trực tiếp tác phẩm thể hiện tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

  • Ngọc Huyền, nghệ sĩ cải lương

Link video.

Là một nghệ sĩ với nhiều năm gắn bó với nghề, được hàng triệu khán giả Việt Nam trong và ngoài nước yêu mến, nghệ sĩ Ngọc Huyền là một trong những người đã góp phần gìn giữ và lưu truyền những loại hình nghệ thuật truyền thống giá trị của nước nhà. Cô cũng sở hữu một kênh YouTube với hơn 185.000 người đăng ký và tổng lượt xem lên đến 72,8 triệu, nơi cô tiếp tục duy trì tình cảm của khán giả với những trích đoạn, những vở diễn hấp dẫn.

Để kỷ niệm lễ Giỗ Tổ nghiệp và góp phần giúp nghệ thuật cải lương được quan tâm nhiều hơn, nghệ sĩ Ngọc Huyền thực hiện một video đặc biệt trên kênh YouTube của mình, giao lưu và “truyền nghề” cho ca sĩ trẻ Vũ Quang Vinh, hướng dẫn anh cách hát 1 đoạn cải lương.

  • Quế Trân, nghệ sĩ cải lương

Kênh YouTube.

Với dòng máu nghệ thuật truyền thống chảy trong huyết quản, cùng với tài năng và đam mê với nghề, Quế Trân đã trở thành một trong những cái tên trụ cột, góp phần duy trì và phát triển cải lương Việt Nam cho đến hôm nay. Sự yêu mến của đông đảo công chúng dành cho cô, cũng như sức ảnh hưởng của cô thể hiện qua kênh YouTube với hơn 5 triệu lượt xem.

Mừng ngày Giỗ Tổ nghiệp Sân khấu năm 2020 và hưởng ứng chiến dịch của Google, nghệ sĩ Quế Trân thực hiện 1 video, chia sẻ những câu chuyện, những kỷ niệm đáng nhớ của cô với nghiệp sân khấu, bao gồm cả những câu chuyện chưa từng được tiết lộ với công chúng.

  • Khoai Lang Thang, nhà sáng tạo YouTube

Kênh YouTube.

Với những nội dung phản ánh một cách bình dị và gần gũi cuộc sống của những con người Việt Nam trên mọi miền đất nước, Khoai Lang Thang đã nhận được sự yêu mến của công chúng Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi với 1,4 triệu lượt đăng ký, trở thành vlogger du lịch có sức ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.

Hình ảnh của Khoai Lang Thang cũng mang đậm chất của một người con miền Tây, nơi gắn liền với nghệ thuật cải lương truyền thống. Đồng thời, bản thân Khoai Lang Thang cũng có một niềm đam mê và yêu thích đối với cải lương. Đây cũng chính là lý do anh quyết định tham gia vào chiến dịch của Google bằng một dự án đặc biệt.

Nhân chuyến đi về miền Tây của mình, anh tìm hiểu và khám phá loại hình nghệ thuật truyền thống này, thăm những đoàn hát nổi tiếng và lắng nghe câu chuyện của những nghệ sĩ được người dân khu vực miền Tây yêu mến.

  • Phương Mỹ Chi, ca sĩ

Link video.

Phương Mỹ Chi chinh phục khán giả Việt Nam qua những ca khúc dân ca bằng giọng hát ngọt ngào trong trẻo. Các tác phẩm đăng trên kênh YouTube của cô bé đều được đông đảo khán giả Việt ủng hộ với hàng trăm ngàn lượt xem và hơn 212.000 người đăng ký. Cô cũng từng khiến khán giả mê mệt khi thể hiện trích đoạn cải lương “Nhụy Kiều Tướng Quân” trong chương trình Gương Mặt Thân Quen Nhí năm 2015.

Ngày 28-9-2020, khán giả yêu mến Phương Mỹ Chi lại có cơ hội lắng nghe “Chị Bảy” thể hiện một đoạn cải lương và chia sẻ về sự yêu mến của mình với thể loại nghệ thuật truyền thống này.

  • Diệu Nhi, diễn viên

Link video.

Diệu Nhi là một diễn viên được công chúng Việt Nam, đặc biệt là khán giả yêu mến qua những vai diễn hài hước trong các bộ phim điện ảnh Việt và sự xuất hiện ấn tượng trong những chương trình truyền hình nổi tiếng. Diệu Nhi cũng sở hữu một kênh YouTube với hơn với hơn 687.000 lượt đăng ký, chia sẻ về cuộc sống của cô cũng những nội dung giải trí thú vị. Diệu Nhi từng khiến khán giả thích thú khi hóa thân thành Điêu Thuyền và hát cải lương trong minishow của mình.

Trong video hưởng ứng chiến dịch quảng bá cải lương do Google phát động, Diệu Nhi sẽ chia sẻ về tình yêu và những kỷ niệm cá nhân của mình đối với cải lương, đồng thời thể hiện một trích đoạn trong vở cải lương mình yêu thích.

  • Chi Pu, ca sĩ

Kênh YouTube

Chi Pu không chỉ là một cái tên được đông đảo khán giả Việt Nam yêu mến, mà mới đây, trong MV Cung Đàn Vỡ Đôi, cô cũng đã góp phần mang loại hình cải lương đến với thế hệ khán giả trẻ qua hình ảnh cô Ba Trà một cách xuất sắc và đầy ấn tượng.

Tuy không kịp thực hiện một video đặc biệt nhân dịp cải lương được Google tôn vinh, Chi Pu cho biết cô vẫn sẽ góp tiếng nói của mình trên mạng xã hội, giúp thu hút sự quan tâm của giới trẻ dành cho sự kiện này và nghệ thuật cải lương.

MEDIAONLINE – GOOGLE

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới