Thứ Ba ngày 16 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Mạng chập chờn, người chập cheng

Mạng chập chờn, người chập cheng
June 04
10:34 2020

 

Chuyện mạng chập chờn, thậm chí mất mạng, giờ là chuyện khổ lắm nói mãi, là chuyện thường ngày ở xứ Việt vốn được đánh giá là có cơ sở hạ tầng rộng khắp và giá cước cưng hàng top thế giới. Ghét, hỗng thèm nói về chuyện mạng chập chờn nữa, khổ lắm…

Ở đây, tôi nói về cách hành xử của các nhà mạng khi chất lượng dịch vụ của họ xí xà xí bụp mà tiền cước vẫn thu đúng thu đủ.

(Ảnh: Internet. Thanks.)

Chuyện mất mạng (ở đây là mạng Internet), chuyện đứt cáp Internet quốc tế,… xảy ra nhiều tới mức đã trở thành chuyện bình thường ở Việt Nam. Nhưng lần này, chuyện đứt cáp dẫn tới mạng chập cheng hay mất hẳn lại trở nên nghiêm trọng, bức xúc hơn khi nó xảy ra ngay trong thời đại dịch COVID-19 khi mà người ta hạn chế tiếp xúc trực tiếp, đi lại mà chuyển sang làm việc, giải trí online tại nhà. Và họa vô đơn chí khi cùng một lúc bị đứt tới 2 đường cáp Internet quốc tế.

Có hai câu chuyện chính nói ở đây, mà thật ra vẫn là chuyện xưa như Trái đất mà mãi vẫn như cũ nên luôn là mới.

Đầu tiên, chuyện đứt cáp Internet quốc tế. Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang chính kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, hầu hết đi ngầm dưới biển. Và chúng thường xuyên thay phiên nhau bị sự cố dẫn tới đứt kết nối. Mới nhất là ngày 23-5, cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway) trục trặc trong khi sự cố cáp AAG Asia-America Gateway) từ (ngày 14-5 chưa khắc phục xong. Theo một nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam, sự cố của tuyến cáp quang biển APG gây mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. APG là tuyến cáp quan trọng và có tính ổn định cao. Trước đó, tuyến APG cũng gặp sự cố vào ngày 30-4-2020.

Người dùng mạng có thể thắc mắc: vì sao các tuyến cáp quang Internet quốc tế lại liên tục bị sự cố, hết năm này sang năm khác? Phải chăng đó là một sự cố khách quan không thể khắc phục được?

Tất nhiên, trong thời gian qua, các nhà cung cấp Internet của Việt Nam đã phải thực hiện hàng loạt giải pháp để chữa cháy. Chẳng hạn như sử dụng nhiều tuyến cáp để lỡ hư cái này còn có cái kia mà xài; đa dạng hóa loại hình cáp như cáp biển, cáp đất liền, kết nối vệ tinh,… Thực tế là khi xảy ra sự cố đứt cáp, các nhà mạng hơn thua nhau ở chỗ có nguồn thay thế tốt như thế nào. Nhưng cái khó nằm ở chỗ nguồn vốn đầu tư, phải tính tới hiệu quả kinh tế, nhất là trong tình hình phải cạnh tranh gay gắt, cứ phải giảm giá dịch vụ mà phải tăng tốc độ,… hầu như các nhà cung cấp dịch vụ Internet không thể có dung lượng dự phòng đủ lớn.

Không rõ có ai tính toán rằng trung bình một năm người dùng Internet ở Việt Nam mất mấy tháng bị chập cheng về mạng Internet? Và từ đây có câu chuyện thứ hai: cách hành xử của nhà mạng với khách hàng ra sao khi đường cáp Internet chập cheng?

Nói chung đã thành quy trình, mỗi khi xảy ra sự cố đứt cáp quang biển, nhà mạng trấn an khách hàng của mình là họ có dự phòng, san tải dung lượng Internet qua những đường cáp khác để không khiến khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thật ra thì nói để mà nói cho vui, chất lượng Internet giảm mạnh. Tình hình Internet không thông thoáng này tất nhiên gây nhiều thiệt hại cho khách hàng vốn cần giao dịch, làm ăn trên Internet. Theo luật quốc tế, nhà mạng phải có hình thức đền bù cho khách hàng do chất lượng dịch vụ của mình quá kém.

Thế nhưng trong thời gian qua, chưa nghe thấy có nhà cung cấp dịch vụ Internet nào ở Việt Nam tính toán để đền bù cho khách hàng. Ngay cả việc đơn giản là giảm bớt cước thuê bao cũng khó. Và mặc cho chất lượng dịch vụ Internet chập cheng ra sao, các nhà mạng vẫn thu đúng thu đủ tiền cước thuê bao.

Các nhà mạng đổ thừa sự cố đứt cáp Internet không phải lỗi của họ, họ cũng chỉ là nạn nhân. Mọi tội lỗi ở ở bên cung cấp kết nối Internet này. Nhưng họ quên một thực tế sòng phẳng và minh bạch: chuyện làm sao để có nguồn Internet tốt là chuyện của nhà mạng, còn khách hàng chỉ biết tới nhà mạng mà mình sử dụng, và đòi hỏi trách nhiệm từ nhà mạng. Rõ ràng, người dùng Internet gặp khó hơn người dùng điện, dùng nước vốn chỉ thanh toán theo số lượng tiêu dùng thực tế. Khách hàng mạng phải trả cước khoán theo gói cước, bất kể dùng nhiều hay ít.

Có lẽ phải có khách hàng hay tập thể khách hàng nào khởi kiện nhà mạng vì chất lượng Internet kém mà vẫn thu tiền đủ để làm tiền lệ thì họa may tình hình mới có thể thay đổi.

* Bài đã in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 31-5-2020 và trên Người Lao Động Online.

ANH PHÚC