Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Nhà sản xuất ở đâu với rác điện tử của mình?

Nhà sản xuất ở đâu với rác điện tử của mình?
July 21
18:33 2019
GÓC NHÌN

 

Từ lâu rồi, rác điện tử – hay nói rộng là rác công nghệ – là một vấn nạn toàn cầu. Đặc biệt là ở các nước nghèo, kém phát triển – nơi mà các loại đồ điện tử rẻ tiền, chất lượng thấp chủ yếu từ nước ngoài tràn vào ngập ngụa.

 

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, lượng rác thải điện tử mà Việt Nam thải ra mỗi năm lên tới hơn 90.000 tấn. Số lượng rác thải điện tử này ngày càng gia tăng theo lượng sản phẩm tung ra thị trường.

Còn đây là vấn nạn của chúng ta: Việt Nam đã thu gom rác thải điện tử như thế nào?

Câu trả lời chính xác nhất: mạnh ai nấy quăng.

Một thùng thu nhận rác điện tử của Việt Nam Tái Chế. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Về chuyện rác thải điện tử, ta phải bái phục sự cần mẫn và kiên trì của tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam Tái Chế (Vietnam Recycles) trong mấy năm nay (ra đời từ năm 2015). Đây là một chương trình bảo vệ môi trường được điều hành bởi Vietnam Recycling Platform (Nền tảng Tái chế Việt Nam), một liên minh dành cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử ở Việt Nam. Tuyên ngôn của họ: “Sứ mạng của chúng tôi là làm cho Việt Nam ngày càng tươi đẹp và khỏe mạnh hơn.” Chương trình này thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng nhằm mục đích bảo đảm quy trình tái chế rác thải điện tử an toàn và thân thiện với môi trường.

Trong năm đầu tiên 2015, Việt Nam Tái Chế (VNTC) thu về được 850kg rác thải điện tử. Năm 2016 tăng lên 4.800kg, năm 2017 được 10 tấn và năm 2018 hơn 11 tấn. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, VNTC đã thu gom được khoảng 11 tấn rác thải điện tử.  Trong đó, Top ba loại rác thải điện tử chiếm tỷ trọng lớn là (1) máy in/fax/scan có sự chuyển đổi lớn từ 13% trong 2016 lên đến 48% trong 2017; (2) các loại linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng 20%; và (3) máy laptop/máy tính để bàn khoảng 8%.

Một nhóm bạn trẻ tình nguyện viên vận động thu gom rác điện tử của Việt Nam Tái Chế. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Chỉ có điều, ngoài một số chương trình quy mô lớn mang tính tập trung có thời hạn thỉnh thoảng được tổ chức tại các thành phố lớn, hay những dư án liên kết (như năm 2018 kết hợp cùng Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM và 10 trường đại học trong nước và quốc tế trên địa bàn TPHCM và Hà Nội), cho tới nay, VNTC cũng chỉ mới có thể phối hợp với ủy ban nhân dân đia phương đặt điểm thu gom rác điện tử tại một số ít phường ở TP.HCM và Hà Nội. Số lượng rác thải điện tử mà VNTC thu gom được đang ngày càng tăng, nhưng rõ ràng chỉ như một hạt cát so với cả bãi rác khổng lồ ngày càng phình to. Nền tảng Tái chế Việt Nam tuy được xác định là một liên minh dành cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử, nhưng cũng chỉ có 2 đơn vị bám trụ từ đầu là Công ty Công nghệ HP Việt Nam và Công ty Apple Việt Nam (sau này có thêm Công ty Microsoft Việt Nam tham gia).

Vậy thì trách nhiệm của các nhà sản xuất và kinh doanh hàng điện tử ở Việt Nam đối với các thể loại rác thải điện tử của mình ở đâu? Trong khi theo Luật Bảo vệ Môi trường 2014 được cụ thể hóa bằng Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng có hiệu lực từ ngày 15-7-2015, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu chính thức, nhà phân phối các sản phẩm điện tử phải có trách nhiệm thi hành giải pháp thu gom các thiết bị điện, điện tử đã qua sử dụng hoặc bị hỏng của họ. Rõ ràng, việc các nhà sản xuất chủ động tổ chức thu gom rác thải do chính mình tung ra không chỉ có tính pháp luật mà còn thể hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng và với cộng đồng xã hội.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Bài đã in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 14-7-2019 và báo Người Lao Động Online



 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới