Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

OPPO 5 năm chinh phục giới trẻ Việt

OPPO 5 năm chinh phục giới trẻ Việt
January 15
06:57 2019

 

Từ một thương hiệu hầu như vô danh tiểu tốt đối với người dùng di động ở Việt Nam, vậy mà sau 5 năm, giờ đây, với những khám phá và bứt phá không ngừng, OPPO đã vươn lên vị trí số 2 trên thị trường smartphone phải nói là rất khó chịu ở Việt Nam và trở thành một cái tên smartphone quen thuộc, đặc biệt là với giới trẻ – đối tượng khách hàng chính của OPPO.

Thật ra, OPPO là một thương hiệu lâu năm, quen thuộc ở nhiều nước khác. OPPO Electronics thành lập tại Đông Quản (Quảng Đông, Trung Quốc) từ năm 2004 với ngành hàng điện tử tiêu dùng. Hãng đã nhanh chóng có mặt ở nhiều thị trường lớn và khó tính. OPPO Digital được thành lập tại California (Mỹ) từ năm 2004. Ban đầu, OPPO được biết đến với những thiết bị nghe nhìn hi-fi cao cấp, đặc biệt là đầu máy, đầu đĩa quang, tai nghe,… OPPO chỉ bắt đầu tham gia ngành di động từ năm 2008. Có một thương hiệu con của OPPO cũng quen thuộc với nhiều người dùng di động, kể cả ở Mỹ, là OnePlus.

OPPO bắt đầu vào thị trường Việt Nam từ năm 2013 giữa lúc thị trường đang sôi động với nhiều ông lớn, chủ yếu là sân chơi của những thương hiệu quốc tế từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Và cuộc hành trình chinh phục thị trường Việt Nam đầy ngoạn mục của họ bắt đầu với việc xác định đối tượng ngay từ đầu là giới trẻ năng động và thị trường chính là phân khúc trung cấp. Giới chuyên môn đánh giá cao việc xác định mục tiêu và đối tượng ban đầu này. Bởi giới trẻ và phân khúc trung cấp luôn là nền tảng sống còn của hầu hết các thương hiệu smartphone. Hay nói một cách cụ thể hơn, ngay cả những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới cũng chủ yếu sống được nhờ phân khúc đông khách hàng nhất này.

Trong 5 năm có mặt ở Việt Nam đã qua, OPPO luôn nỗ lực thuyết phục được từ nhà phân phối tới người tiêu dùng về gia dình sản phẩm và cách kinh doanh của mình; cũng như được giới quan sát công nghệ và thị trường ghi nhận là luôn tạo ra được những bứt phá thực chất. Năm 2014, coi như năm đầu tiên OPPO thật sự làm ăn ở Việt Nam, thương hiệu này chiếm 2,7% thị phần. Thị phần của OPPO đã nhảy vọt lên 15,1% vào năm 2015 và 20,1% vào cuối năm 2016. Trong năm 2017, lúc đỉnh điểm (tháng 5 và tháng 6), thị phần đạt 21,3% và 21,5% rồi cuối năm ở mức 19,2%. Theo số liệu của GfK, vào tháng 9-2018, thị phần của OPPO là 28,7%. Xin lưu ý, từ nửa cuối năm 2017 trở về sau này, thị trường smartphone Việt Nam quả là một chiến trường khốc liệt, với sự bỏ cuộc hay có mặt để giữ chỗ của một số ông lớn, sự mất tích của nhiều thương hiệu tầm trung, cùng lúc với sự tham gia của một số thương hiệu mới từ nước ngoài, khiến cho các tay chơi phải chật vật hơn bao giờ hết để kiếm từng phần trăm thị phần. Đó là chưa nói tới một thực tế tế nhị ở thị trường Việt Nam là “tính nhạy cảm” của những thương hiệu đến từ Trung Quốc.

Thị phần smartphone ở Việt Nam tháng 9-2018 (theo GfK).

Từ năm 2016, OPPO đã nhảy lên vị trí số 2 trên thị trường smartphone Việt Nam và với khoảng cách giữa họ và ông lớn toàn cầu Samsung đang ngày càng gần hơn. Tất nhiên, xét về nhiều mặt, khó thể có thương hiệu smartphone nào hiện nay có thể soán ngôi số 1 của Samsung. Nhưng việc Samsung có thể bị chia sẻ bớt thị phần là một nguy cơ thực tế. Vị trí số 2 mới thật sự là một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa những thương hiệu smartphone có số má khác. Cuối năm 2017, một số bạn tiếp thị của OPPO chia sẻ với chúng tôi: Họ không đặt ra mục tiêu ảo vọng, mà dễ thất bại và tốn tiền, là giành ngôi vị số 1. OPPO xác định phải tập trung mọi tâm lực để giữ vị trí số 2, tăng thị phần và đặc biệt là tiếp tục chinh phục được người tiêu dùng.

Có thể nói không sợ cường điệu rằng OPPO chính là một hiện tượng lý thú trên thị trường smartphone Việt Nam trong những năm qua. Các nhà chuyên môn chắc chắn sẽ phân tích ra nhiều điều bổ ích từ hiện tượng OPPO này. Ở đây, chúng tôi chỉ lẩy ra một số nét chấm phá mà khi kết hợp lại, cái nhiều, cái ít, có thể giúp giải thích vì sao OPPO thành công ở Việt Nam.

Sự thành bại của một thương hiệu hay sản phẩm đến từ sự tiếp thị. Sự thành công của OPPO có lẽ nằm trong một chữ “biết”: biết mình là ai, biết đối thủ là ai và biết khách hàng của mình là ai. Ở một khía cạnh nào đó, bộ phận tiếp thị của OPPO đã làm nhuần nhuyễn cái nguyên lý: có nhiều tiền là tốt, nhưng biết xài tiền lại tốt hơn.

Ca sĩ Sơn Tùng M-TP.

Ngay từ khi đặt chân vào thị trường Việt Nam, sau khi đã xác định được đối tượng khách hàng chính là giới trẻ, OPPO đã chinh phục họ thông qua những ngôi sao thần tượng của họ, như liên kết mời Sơn Tùng M-TP và Tóc Tiên làm đại sứ thương hiệu cho mình. Chẳng biết ăn ở thế nào mà mối lương duyên giữa ca sĩ hotboy Sơn Tùng MTP với OPPO bền chặt tới giờ. Thành công còn ở chỗ chọn đúng người để vừa không bị ảnh hưởng bởi điều tiếng từ đối tác, vừa có được một gương mặt thương hiệu luôn biết giữ cho mình “hot”.

Một trong những thành công trong quảng bá, làm thương hiệu của OPPO là chọn cách thể hiện mình là một thương hiệu văn hóa. Từ năm 2014, OPPO xuất hiện trên các kênh truyền hình có nhiều người xem khắp cả nước, đặc biệt là kênh giải trí quốc gia VTV3. OPPO cũng tài trợ tổ chức hàng loạt chương trình văn nghệ với những ngôi sao tại nhiều tỉnh thành phục vụ khách hàng của mình. OPPO cũng đến với công chúng với tư nhà tài trợ cho các chương trình truyền hình thực tế, gameshow giải trí trên VTV3, như Bố Ơi Mình Đi Đâu Thế, The Remix – Hòa Âm Ánh Sáng, Táo Quân 2015,… và đều đạt rating rất cao. Năm 2014, bộ phim Chàng Trai Năm Ấy với vai chính là ca sĩ Sơn Tùng MTP do Oppo tài trợ thắng lớn ở các hệ thống rạp. Có lần, giám đốc tiếp thị của OPPO nói với chúng tôi: Trong những tháng cuối năm, cận Tết, trong khi các thương hiệu khác lo bán sản phẩm, OPPO chọn dành thời gian đó để tập trung làm các chương trình khuyến mại, giải trí tri ân khách hàng của mình. Tất nhiên, sản phẩm vẫn bán tốt.

Khi nói về sự thành công của OPPO ở Việt Nam, người ta không thể bỏ qua việc OPPO là một nhà khai phá năng động ở phân khúc thị trường tầm trung. Ở đây có 2 chuyện. Một là OPPO tìm cách nâng giá trị bình quân của sản phẩm mà người dùng chấp nhận trong phân khúc tầm trung lên. Hai là làm nóng tiểu phân khúc cận cao cấp.

Trong những năm gần đây, OPPO đã thành công trong việc nâng giá trị sản phẩm lên. Ban đầu, ở phân khúc này, người dùng chỉ chấp nhận mức giá 3.000.000 đồng. Sau một năm, OPPO đã nâng lên được 4.000.000 đồng, rồi năm sau là 5.000.000 đồng. Giải pháp của OPPO là nâng tầm về thiết kế và cấu hình, tính năng của phân khúc này lên, tích hợp một số tính năng trước đó chỉ có ở dòng cao cấp. OPPO chia sẻ: họ muốn kích cầu để người tiêu dùng ở phân khúc tầm trung có thể trải nghiệm được những sản phẩm tốt hơn, đẹp hơn. Và OPPO luôn trung thành với cách bán hàng: đưa ra thị trường những sản phẩm có cấu hình và tính năng vượt trội trong tầm giá.

Cách đây vài ba năm, tiểu phân khúc cận cao cấp, giá từ 7 triệu tới 10 triệu đồng, hầu như không có thương hiệu nào quan tâm. OPPO đã mạnh dạn khai phá, đưa ra những dòng như F5, F7, F9,… và luôn làm mới sản phẩm để giữ cho phân khúc này luôn nóng. Có nguồn cho biết vào giữa năm 2018, OPPO đã chiếm được gần 50% thị phần của nhóm cận cao cấp – lúc này đã có thêm nhiều sản phẩm của những thương hiệu khác tham gia. Theo thống kê của GfK, OPPO F9 đã chiếm 63% sản lượng bán ra của toàn phân khúc cận cao cấp trong quý 3-2018. Trong quý 3-2018, mặc dù được mở bán vào ngày 24-8, tức chỉ còn hơn 1 tháng là hết quý, OPPO F9 vẫn dẫn đầu Top smartphone bán chạy ở hai hệ thống bán lẻ lớn nhất hiện nay là Thế Giới Di Động và FPT Shop. OPPO F7 cũng tiếp tục nằm trong Top 10 smartphone bán chạy nhất quý 3-2018 tại hai hệ thống này.

OPPO có một thế mạnh không chỉ là một hãng sản xuất hàng điện tử tiêu dùng cao cấp lâu năm mà còn là một nhà sản xuất smartphone high-end chinh phục được cả thế giới. Các sản phẩm của OPPO được chăm chút không chỉ ở thiết kế và luôn bám sát thời thượng và thời trang cho giới trẻ thế giới, mà còn có hàm lượng công nghệ cao và thiết thực với người dùng. Ở sản phẩm OPPO, người ta thấy rõ là sự hòa quyện giữa thời trang và công nghệ. Đặc biệt là OPPO luôn làm mới mình, biết lắng nghe phản hồi từ người dùng, đặc biệt là những yếu tố thích hợp với từng thị trường.

Bên cạnh tính năng chụp ảnh, hai điểm nhấn khác được quan tâm nhất ở smartphone OPPO là chất lượng màn hình hiển thị và công nghệ sạc nhanh an toàn VOOC. Đặc biệt, với OPPO F9 ra mắt giữa tháng 8-2018, OPPO đã đưa ra giải pháp mở rộng diện tích hiển thị của màn hình bằng cách thu nhỏ cái phần lõm bên trên (notch) với thiết kế nhỏ gọn có hình dáng giọt nước (waterdrop screen).

Trong những năm qua, mặc dù chỉ tập trung đưa vào thị trường Việt Nam các dòng sản phẩm cho phân khúc tầm trung để chinh phục lượng khách hàng đông nhất, nhưng trên thị trường nhiều nước khác, OPPO vẫn liên tục đưa ra những dòng smartphone đẳng cấp cao, như dòng R series. Thỉnh thoảng, OPPO cũng đưa về Việt Nam một vài mẫu smartphone cao cấp chủ yếu để làm thương hiệu và làm nóng phân khúc thị trường high-end này.

OPPO Việt Nam cho biết, trong năm mới 2019, họ sẽ đẩy mạnh phát triển ở phân khúc cao hơn, đưa dòng sản phẩm R series tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi đó, OPPO vẫn tập trung chiến lược cho dòng F series tại thị trường Việt Nam.

Ông Đỗ Quang Kha, Tổng giám đốc OPPO Việt Nam, chia sẻ: “R17 Pro và dòng R series minh chứng cho cam kết của OPPO trong việc tăng cường trải nghiệm người dùng phân khúc cao cấp. Trước hết, chúng tôi đề cao giá trị thẩm mỹ được hoàn hiện trong từng thiết kế. Bên cạnh đó, đột phá công nghệ được chú trọng giúp khách hàng tận hưởng “vẻ đẹp công nghệ” một cách trọn vẹn nhất. Đó là kết quả của một quá trình nghiên cứu không ngừng nghỉ, hướng đến cộng đồng, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Và trên hết, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành lâu dài cùng người dùng Việt để mang đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng nhất.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: PHẠM ANH PHÚ và từ Internet.

Bài đã đăng trên báo Người Lao Động Xuân Kỷ Hợi 2019.

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới