Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Hễ hành nhau là nhớ tới Thị Nở

Hễ hành nhau là nhớ tới Thị Nở
April 26
07:44 2018

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

 

Chẳng rõ là sau thời hạn 24-4-2018 đã có bao nhiêu thuê bao di động bị cắt liên lạc 1 chiều theo Nghị định 49/2017 của Chính phủ? Trước đó, khi gần kề thời hạn, do bị thất thủ toàn tập và toàn diện trên quy mô toàn quốc, mấy nhà mạng hoặc lồ lộ hoặc ỡm ờ trấn an rằng họ sẽ kéo dài thời hạn bổ sung thông tin thêm một số ngày nữa. Trong khi đó, quan chức của Cục Viễn thông quả quyết không có chuyện lùi thời hạn vì đã dành trọn một năm hoàn tất thông tin mà nhà mạng không làm, tới cuối mới vắt chân lên cổ thúc thuê bao chạy. Có nghĩa là chuyện lùi thời hạn thuê bao là do nhà mạng tự làm, còn sau ngày 24-4-2018, Bộ 4T bắt đầu áp dụng các biện pháp xử phạt nhà mạng về việc vi phạm Nghị định này. Mức phạt tiền rất nặng.

Anh bạn Lương Hương ở tờ báo của Bộ 4T vừa gạch đầu dòng (không chấm đầu dòng vì nickname của chàng là Lê Gạch) về vụ bổ sung thông tin thuê bao di động. Anh viết:

“Người ta chỉ yêu cầu bổ sung thông tin chủ thuê bao di động với các trường hợp:

– Là thuê bao trả trước, và

– Chưa có thông tin chủ thuê bao, hoặc

– Thông tin chủ thuê bao không chính xác, hoặc

– Còn thiếu thông tin, và

– Chỉ những thuê bao nhận được tin nhắn đề nghị bổ sung thông tin mới phải làm.

Thuê bao trả sau hoặc trả trước nhưng đã đủ thông tin hoặc không nhận được tin nhắn yêu cầu bổ sung thì cứ thế mà xài.”

 

Điện thoại cổ. (Ảnh: Internet. Thanks.)

Ồ-mai-gớt (OMG). Nếu ngay từ đầu, các nhà mạng thông báo rõ ràng như vậy thì thiên hạ đâu có kẻ sùng sục nổi quạu, người hùng hục bổ sung.

Tôi ủng hộ việc thuê bao trả sau hay trả trước đều phải cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định. Cái này thuộc về quản lý, hầu như nước nào cũng làm, chặt lỏng thì hên xui, vừa giúp bảo đảm hoạt động của nhà mạng và quyền lợi của thuê bao, vừa góp phần cho bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn xã hội. Nếu quản lý chặt SIM trả trước, ta còn có thể trị được căn bệnh trầm kha tới mức là vấn nạn tin nhắn rác.

Nhưng tôi bảo lưu quan điểm của mình là chỉ cần cung cấp giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu) chứ không cần phải có cả ảnh chân dung của thuê bao (trừ khi nhà mạng làm giùm cơ quan an ninh chuyện thu thập ảnh chụp các công dân – dù sao cái này mà nhà mạng làm thì có vẻ ít nhạy cảm hơn ngành an ninh làm).

Vấn đề của vấn đề nằm ở chỗ nhà mạng viễn thông phải thực hiện việc bổ sung thông tin thuê bao một cách ít gây phiền hà nhất cho các khách hàng. Đặc biệt là các thuê bao đang hoạt động. Công bằng và dúng pháp luật thì lỗi chính không phải ở họ. Đằng này, vào thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư rồi, giữa kỷ nguyên Internet kết nối thế giới đồng sàng, mà nhà mạng cứ làm theo làm theo kiểu điện thoại quay số và máy điện tín á. Tệ hơn vợ thằng Đậu là cứ ngồi một chỗ bắt các thuê bao phải lê thân tới tận cửa hàng mà bổ sung thông tin. Trong thời gian đầu, chỉ có Viettel rồi VinaPhone có giải pháp bổ sung thông tin qua Internet và qua app di động, nhưng cực kỳ chập cheng (phần do lỗi ứng dụng, phần do quá tải). Sau này có khắc phục. Gần ngày hết hạn, MobiFone cho thuê bao kiểm tra bằng Internet, nhưng theo kiểu nửa vời (nói theo thuật ngữ công nghệ là “lai” hybrid hoặc một cách văn vẻ là kết hợp truyền thống và hiện đại). Nghĩa là cho kiểm tra trên mạng rồi sau đó phải xách cái gì đó tới cửa hàng bổ sung.

Công bằng mà nói, VinaPhone đáng khen nhất chứng tỏ mình là “anh cả đỏ” khi đưa ra đủ hình thức phục vụ khách hàng: bổ sung qua Web, ứng dụng di động, e-mail, cho tổ lưu động tới nơi có nhiều thuê bao tập trung, cho người tới tận nhà trong những trường hợp đặc biệt. Chốt hạ, các nhà mạng nên làm theo VinaPhone cho 500 anh em thuê bao đỡ bị hành xác.

Còn cái vụ quản lý thuê bao, cần chi cái tấm ảnh được giải thích là để “bảo đảm chính chủ” mà thực tế chỉ gây khó chịu cho cả thuê bao lẫn nhà mạng. Chỉ cần nhà mạng viết ứng dụng chạy trên Web và di động cho phép thuê bao nhập số CMND vào tra cứu là biết được có bao nhiêu số thuê bao đang được đăng ký bằng giấy tùy thân của mình. Để thuê bao đỡ sợ khi phải cung cấp số CMND, cũng có thể chỉ cần nhập số phone mà mình đang xài là thuê bao sẽ biết được số phone này đang có thêm bao nhiêu anh chị em cùng cha mẹ. Cũng nên có tùy chọn gọi điện thoại bằng chính số thuê bao đang sử dụng lên tổng đài tra cứu. Nếu phát hiện có con rơi số rớt, có cha căng chú kiết nào dùng giấy tùy thân của mình đăng ký những số máy khác, chính chủ có thể tiến hành xác nhận nhân thân và đề nghị nhà mạng trảm các số ăn theo kia.

Vậy á, thiên hạ ắt thái bình, thuê bao hoan ca nếu như nhà mạng làm bất cứ cái gì cũng nghĩ tới khách hàng trước tiên – những người đem lại huê lợi nuôi sống mình. Dịch vụ có thu tiền sòng phẳng chớ nào phải miễn phí mà làm theo kiểu ban phát hén.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới