Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Grab mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á

Grab mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á
March 27
07:42 2018

 

Trong thông cáo báo chí phát tại Singapore và San Francisco (Mỹ) ngày 26-3-2018, Grab chính thức thông báo vừa mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực này. Grab cho biết sẽ tích hợp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức hiện có của Grab. Với việc sáp nhập hoạt động kinh doanh, Grab sẽ tiếp tục phát triển thành nền tảng di động O2O (Online-to-Offline) số 1 Đông Nam Á và là một nền tảng quan trọng trong lĩnh vực giao nhận thức ăn.

Grab hiện đang cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho cuộc sống của người dân Đông Nam Á: di chuyển an toàn và tiết kiệm, giao nhận hàng hóa và thức ăn, thanh toán điện tử và các dịch vụ tài chính.

Grab khẳng định mình sẽ tiếp tục củng cố vị trí hàng đầu với vai trò là nền tảng hiệu quả nhất khu vực Đông Nam Á sau khi tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Là một phần của thỏa thuận thu mua, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab; CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.

Ông Anthony Tan, nhà đồng sáng lập và CEO tập đoàn Grab, chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi một công ty khởi nguồn từ Đông Nam Á đã phát triển thành một trong những nền tảng lớn nhất, với hàng triệu khách hàng sử dụng mỗi ngày và mang đến cơ hội thu nhập cho hơn 5 triệu người dân. Việc sáp nhập ngày hôm nay đánh dấu khởi đầu của một kỷ nguyên mới, khi chúng tôi trở thành công ty đi đầu về nền tảng công nghệ và hiệu quả chi phí trong khu vực. Cùng với Uber, chúng tôi sẽ có thêm ưu thế để tiếp tục thực hiện cam kết phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Niềm tin và sự ủng hộ của họ cho một thương hiệu kết nối di chuyển sẽ giúp chúng tôi bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo: góp phần cải thiện cuộc sống của người dân thông qua thực phẩm, các giải pháp thanh toán và dịch vụ tài chính.”

Trong khi đó, ông Dara Khosrowshahi, CEO của Uber, cho biết. “Thỏa thuận này là minh chứng cho sự tăng trưởng vượt bậc của Uber tại khu vực Đông Nam Á trong 5 năm vừa qua. Thoả thuận này cũng sẽ giúp chúng tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa để phát triển và tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm dịch vụ và công nghệ để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng trên toàn thế giới. Chúng tôi rất vinh dự được đồng hành cùng Anthony cũng như toàn thể đội ngũ nhân viên Grab, và rất hào hứng với tương lai của Grab tại Đông Nam Á.”

Bà Tan Hooi Ling, Đồng sáng lập của Grab, cho biết: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng mở rộng dịch vụ GrabFood đến toàn bộ quốc gia Đông Nam Á vào quý tới. Chúng tôi sẽ tạo ra nhiều tiện ích hơn cho hệ sinh thái bao gồm khách hàng, đối tác tài xế, đại lý – giờ đây thêm các đối tác kinh doanh và giao nhận. GrabFood cũng sẽ là động lực để khuyến khích mọi người sử dụng ví điện tử GrabPay nhiều hơn và hỗ trợ thúc đẩy nền tảng các dịch vụ tài chính đang phát triển nhanh chóng của chúng tôi.”

Kỷ nguyên phát triển mới của Grab: Trở thành nền tảng ứng dụng O2O hàng đầu Đông Nam Á

  • Giao nhận thức ăn: Sau khi sáp nhập hoạt động kinh doanh của Uber Eats, Grab sẽ nhanh chóng mở rộng dịch vụ GrabFood hiện có tại Indonesia và Thái Lan đến thêm 2 quốc gia nữa là Singapore và Malaysia. GrabFood sẽ có mặt tại tất cả quốc gia Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2018.
  • Kết nối di chuyển: Grab sẽ tiếp tục phát triển dịch vụ chủ lực của mình là kết nối di chuyển để mang đến thêm nhiều dịch vụ phù hợp với từng địa phương và nhiều giải pháp di động mới, thông qua hợp tác với các đối tác vận tải và các nhà sản xuất ô tô. Grab cũng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các nhà điều hành giao thông công cộng để kết nối các dịch vụ giao thông công cộng với nhau, đồng thời tạo ra trải nghiệm di chuyển đa phương thức được tích hợp và liền mạch. Dịch vụ GrabCycle vừa được triển khai nhằm chia sẻ xe đạp và phương tiện di chuyển cá nhân, cùng với GrabShuttle Plus để đặt xe buýt trên các tuyến đường cố định, là những thử nghiệm để hiện thực hóa tầm nhìn này.
  • Thanh toán và các dịch vụ tài chính: Grab sẽ tiếp tục nâng cao và mở rộng các dịch vụ trong nền tảng Grab Financial, bao gồm thanh toán điện tử, tài chính vi mô, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác, cho hàng triệu khách hàng chưa có tài khoản hoặc chưa được tiếp cận với ngân hàng, các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực. Ví điện tử GrabPay sẽ có mặt tại tất cả quốc gia Đông Nam Á trước cuối năm nay.

Để giảm thiểu những gián đoạn có thể xảy ra, Grab và Uber đang làm việc chặt chẽ với nhau để nhanh chóng tích hợp đối tác tài xế Uber, khách hàng Uber Eats, đối tác kinh doanh và giao nhận của Uber vào nền tảng ứng dụng Grab. Ứng dụng Uber tại Đông Nam Á sẽ tiếp tục hoạt động trong 2 tuần tới (đến ngày 8-4-2018) để bảo đảm hoạt động bình thường, ổn định cho các đối tác tài xế Uber. Đối tác tài xế Uber cũng có thể đăng ký trực tuyến để tham gia vào nền tảng ứng dụng Grab tại Website của Grab. Uber Eats sẽ tiếp tục hoạt động đến cuối tháng 5-2018, sau đó các đối tác giao nhận và nhà hàng của Uber sẽ chuyển qua nền tảng GrabFood.

Grab là một trong những nền tảng di động O2O được sử dụng thường xuyên nhất trong khu vực Đông Nam Á, với hơn 5 triệu người đang sử dụng ứng dụng Grab trong cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, ứng dụng Grab đã được tải xuống trên 90 triệu thiết bị di động, cho phép người dùng tiếp cận vào mạng lưới giao thông đường bộ và đại lý lớn nhất khu vực với hơn 5 triệu đối tác tài xế và đại lý. Grab hiện đang cung cấp các dịch vụ xe tư nhân, xe máy hai bánh, xe taxi và dịch vụ đi chung xe ở khắp 8 quốc gia và 195 thành phố ở Đông Nam Á, bên cạnh dịch vụ giao nhận hàng hóa và thực phẩm. Grab Financial giúp tăng khả năng tiếp cận đến các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho hàng triệu khách hàng của Grab khắp Đông Nam Á, đồng thời kết nối những người chưa có tài khoản hoặc chưa được tiếp cận với ngân hàng với các dịch vụ tài chính.

Grab là một công ty khởi nghiệp từ Malaysia ra đời tháng 6-2012 và sử dụng công ty công ty ở Singapore để cung cấp dịch vụ đi lại và giao nhận hàng hóa thông qua ứng dụng di động ở các nước Đông Nam Á.

Từ tháng 4-2014 đến nay, Grab vẫn tiếp tục nhận được các nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư nhiều nước. Hiện nay SoftBank Group (Nhật Bản) là nhà đầu tư lớn nhất của Grab. Tháng 12-2014, Grab nhận được khoản đầu từ series D 250 triệu USD từ SoftBank Corp (nay là SoftBank Group) – đây là khoản đầu tư lớn nhất xưa nay vào một công ty Internet ở Đông Nam Á. Tháng 9-2016, Grab nhận được thêm 750 triệu USD vốn đầu tư series F từ Softbank, Didi, và Honda. Tháng 8-2017, Grab có thêm 2,5 tỷ USD đầu tư series G từ Softbank, Didi, và Toyota. Vào thời điểm tháng 3-2018, Grab có giá trị 6 tỷ USD.

Trong khi đó, Uber, công ty công nghệ tương tự Grab ra đời ở Mỹ vào năm 2009, cũng nhận những khoản đầu tư lớn từ SoftBank, Toyota, Didi. Hiện nay, giá trị tài chính của Uber là 68 tỷ USD. Do có cùng những nhà đầu tư lớn, việc Grab và Uber sáp nhập vào nhau ở Đông Nam Á nằm trong chiến lược kinh doanh chung.

Grab chính thức có mặt tại Việt Nam vào ngày 27-2-2014, với ứng dụng GrabTaxi. Sau đó có thêm GrabBike, GrabCar, GrabExpress,… Hiện nay Grab đã thành lập Công ty TNHH GrabTaxi ở Việt Nam có trụ sở tại Q.10 (TP.HCM), do ông Lim Yen Hock làm giám đốc.

MEDIA ONLINE

+ Nguồn: Grab và Internet.

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới