Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

HCA giao lưu khởi nghiệp trên nền tảng CNTT-Viễn thông tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Đại học Công nghệ TP.HCM

HCA giao lưu khởi nghiệp trên nền tảng CNTT-Viễn thông tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Đại học Công nghệ TP.HCM
October 18
21:59 2017

Trong 2 ngày 13 và 14-10-2017, gần 1.000 sinh viên CNTT trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và Đại học Công nghệ TP.HCM đã tham gia giao lưu “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT-Viễn thông” do Hội Tin học TP.HCM (HCA) tổ chức.

Các bạn trẻ đã lắng nghe và trao đổi với các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp về các chủ đề: kinh nghiệm khởi nghiệp; hiện thực hóa sự nghiệp; khởi nghiệp ở Việt Nam, ngành nghề nào thích hợp; vai trò của mentor trong các dự án khởi nghiệp; phương pháp tự học và khuyến khích tự học trong sinh viên; khởi nghiệp thế nào cho đúng?

Ông Nguyễn Khắc Thanh

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Hiện tại các dự án khởi nghiệp tiềm năng có thể được hỗ trợ tối đa lên đến 2 tỷ đồng trong Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 của Sở với tên gọi SpeedUp 2017. Vừa qua, chương trình đã hỗ trợ 11,75 tỷ đồng cho 14 start-up trên cả nước, trong đó có 8 dự án thuộc lĩnh vực CNTT.”

Tại TP.HCM, căn cứ trên Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP.HCM của UBND TP, Sở KHCN đã thành lập Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) của TP.HCM giai đoạn 2017-2020.

Ông Vũ Anh Tuấn

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư Ký HCA, Phó Chủ tịch Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM chia sẻ: “Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ trong ngành CNTT-TT mà còn ở nhiều lĩnh vực khác đều có thể tận dụng khai thác tối đa lợi ích từ CNTT-VT, giúp nghiên cứu và triển khai hoàn thiện các ý tưởng ra thị trường nhanh nhất. Ngoài ra, các doanh nghiệp CNTT-VT trong hệ sinh thái sẽ “đỡ đầu” cho các nhóm start-up phù hợp ngay từ khi ý tưởng đó được thẩm định và đánh giá là khả thi cũng như tìm kiếm thêm những hỗ trợ khác như mentor, đào tạo, nhà đầu tư…. giúp các nhóm khởi nghiệp có thêm nhiều cơ hội thành công.”

Tính đến tháng 4-2017, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đã lên tới 18.000 đơn vị, trong đó CNTT là nền tảng và cũng là lĩnh vực được nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ lựa chọn khởi nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, 80% doanh nghiệp không tồn tại quá 2 năm, chỉ khoảng 3% doanh nghiệp khởi nghiệp thành công thực sự.

Ông Huỳnh Kim Tước

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Saigon Innovation Hub – SIHUB) nói rằng: “Sinh viên có ý tưởng và dự án khởi nghiệp nhưng lo ngại về các thủ tục pháp lý thì tại Saigon Innovation Hub – SIHUB chúng tôi thiết lập chế độ một cửa, nghĩa là các bạn khi đã có ý tưởng và kế hoạch khả thi để start-up, các bạn không cần lo ngại về thủ tục hành chính, sẽ có người hướng dẫn các bạn và hỗ trợ các nội dung lập tài chính.”

Theo nghiên cứu của Trung tâm kinh tế và Giáo dục tài chính, Đại học Illinois (Mỹ), có một số yếu tố mà các doanh nhân thành công nhất định phải có, đó là: khả năng lập kế hoạch, kỹ năng truyền đạt, kỹ năng marketing, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản trị cơ bản, kỹ năng lãnh đạo…

Bà Văn Thị Bích Ty

Bà Văn Thị Bích Ty, Trưởng ban Truyền thông Hội Tin học TP.HCM, cho biết: “Khối ngành tự nhiên có tỷ lệ khởi nghiệp thấp hơn các khối ngành khác. Sinh viên các ngành tự nhiên thường chưa biết cách xây dựng thói quen làm việc nhóm, khả năng chia sẻ truyền đạt ý tưởng chưa tốt, thiếu khả năng lập kế hoạch tài chính – nhân sự… cũng thiếu”. Phương pháp tự học và khuyến khích tự học trong sinh viên là một trong những vấn đề rất được sinh viên quan tâm qua bài trình bày của bà.

Ông Phí Anh Tuấn

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ Tịch Hội Tin Học TPHCM, Tổng Giám Đốc Công ty tư vấn CNTT P.A.T, trình bày quan điểm: “Sinh viên không chỉ phấn đấu lúc đi làm mà cần phải phấn đấu từ quá trình học tại trường. Nếu thất bại thì phải tiếp tục phấn đấu, khắc phục khuyết điểm; 1 tháng, 2 tháng hay 1 năm sau bắt đầu lại. Quan trọng là tinh thần cầu tiến, biết giữ uy tín và tích cực lạc quan.”

Trong khuôn khổ các buổi giao lưu, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng trao đổi về thực tế nhu cầu nhân lực, các ngành nghề nổi bật hiện nay, kỹ năng mềm… để SV tự hoàn thiện mình, định hướng và có thể tìm kiếm một môi trường để thực tập, học hỏi hay các vườn ươm phù hợp…

Chương trình sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn sinh viên các trường: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Việt Đức, ĐH Hutech, ĐH Quốc tế Miền đông, Đại học Quốc tế TP.HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM từ nay đến hết tháng 11-2017.

MEDIA ONLINE

+ Ảnh do HCA cung cấp.

TẠI ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ TP.HCM (HUTECH)

Ông Lương Duy Phương, Giám đốc Trung tâm điều hành mạng FPT Telecom.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM

PGS. TS. Võ Đình Bảy, Trưởng khoa Khoa Công nghệ – Thông tin HUTECH.

Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng HUTECH.

TẠI ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP.HCM

 

Ông Lê Trọng Đức, Giám đốc Sáng tạo mảng Dịch vụ Trực tuyến, Giám đốc Dự án Vườn ươm Khởi nghiệp FPT Telecom.

Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF).

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư Ký HCA, Phó Chủ tịch Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM

Thạc sĩ Lê Văn Vinh, Phó Trưởng khoa Công nghệ Phần mềm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật.

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới