Thứ Ba ngày 16 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Nhà trường chung sống cùng… mạng xã hội

Nhà trường chung sống cùng… mạng xã hội
November 22
09:56 2015

 

Với đặc thù của một dịch vụ tương tác trực tiếp với con người, nhà trường càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi các mạng truyền thông xã hội. Một mặt họ có thể khai thác các thế mạnh đặc trưng của mạng xã hội phục vụ cho hoạt động dạy và học của mình; mặt khác phải sẵn sàng để xử lý những khủng hoảng truyền thông là mặt trái của các mạng xã hội.

social-network-01

MỐI QUAN HỆ CHẶT HƠN VÀ SỰ TƯƠNG TÁC CAO HƠN

Sau những năm tiến hành tin học hóa nhà trường, giờ đây hầu như các trường học đều đã được kết nối Internet, có hệ thống mạng nội bộ và có cơ sở vật chất công nghệ thông tin cho tới thiết bị đầu cuối. Dựa trên nền tảng cơ bản đó, chỉ cần ứng dụng thêm các giải pháp và bổ sung những thành phần còn thiếu, nhà trường dễ dàng được nâng cấp thành nhà trường điện tử, số hóa và tương tác hóa các mối quan hệ giữa nhà trường và các thành viên của mình (bao gồm thầy cô, học sinh và phụ huynh học sinh), cũng như giữa các thành viên với nhau.

Công nghệ đã giúp cho hoạt động dạy và học hữu hiệu hơn, vui hơn và dĩ nhiên tất cả cùng hưởng lợi. Mọi sự đã có thay đổi về chất. Mối quan hệ giữa phụ huynh và thầy cô, đặc biệt là với giáo viên chủ nhiệm chặt chẽ và nhanh chóng hơn. Mọi liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh giờ thông qua tin nhắn trên điện thoại và email. Mỗi phụ huynh cũng được cấp một tài khoản để có thể truy xuất vào website của trường để nắm bắt chi tiết tình hình học tập của con em thông qua sổ điểm điện tử. Với cách làm này, học sinh không còn có thể giấu diếm điểm xấu của mình cũng như được giải thoát khỏi gánh nặng tâm lý mỗi khi phải chuyển giấy mời phụ huynh về nhà hay hàng tháng đưa sổ điểm cho phụ huynh đọc và ký xác nhận. Giáo viên cũng có thể thông báo cho phụ huynh những điều cần thiết, cũng như tiếp nhận những ý kiến của phụ huynh mà không cần gặp trực tiếp hay thông qua kẻ trung gian đầy hên xui là học sinh. Bây giờ, phụ huynh không còn phải suy nghĩ tìm lý do mà trốn họp phụ huynh hay né giáo viên chủ nhiệm của con em mình.

Khi mạng xã hội phổ cập, người người lên mạng, nhà nhà có mạng, sự tương tác trong giáo dục càng sâu rộng hơn. Ở nước ngoài, nhà trường hay lớp học mở những trang fanpage riêng trên mạng truyền thông xã hội như Facebook, hình thành tài khoản trên các mạng xã hội tin nhắn như Twitter,… để tăng tính tương tác với học sinh và phụ huynh. Chẳng hạn đều đặn hàng tuần, thông qua Facebook, Twitter, hiệu trưởng post một điều nhắn nhủ hay thông điệp nào đó thì có giá trị truyền đạt cao hơn bội lần những bài giảng thuyết dưới cờ.

Có rất nhiều thầy cô và học sinh có trang cá nhân trên mạng Facebook. Đó là nơi họ tương tác với nhau, tâm sự và trao đổi với nhau, vừa thắt chặt các mối quan hệ, vừa giúp các bên hiểu nhau hơn. Có những trang như Chúng Tôi Là Giáo Viên được lập ra làm nơi các giáo viên trao đổi với nhau công việc giảng dạy, bàn luận với nhau cách xử trí với nhiều trường hợp cụ thể xảy ra trong trường, trong lớp,… Thật là ích lợi.

Trong giáo dục, mối quan hệ giữa nhà trường và các thành viên càng gắn bó bao nhiêu, kết quả dạy và học càng cao hơn bấy nhiêu.

social-network-02

NHỮNG SỰ CỐ TỪ MẠNG XÃ HỘI

Gần đây, truyền thông mạng nóng lên với trường hợp một nữ sinh lớp 12 ở Hà Đông bị nhà trường đuổi học 10 ngày vì hồi giữa tháng 10-2015 cô bé post lên trang Facebook của mình một status có nội dung ám chỉ cô giáo chủ nhiệm bất công đã xử ép mình do cô bé không chịu đi học thêm môn Văn do cô giáo dạy. Ngay sau khi phát hiện, nhà trường đã bắt nữ sinh này viết tường trình và một tuần sau công bố kỷ luật cô bé ngay trong buổi chào cờ hàng tuần của trường. Cô nữ sinh đã nhận lỗi và đã xin lỗi, nhưng sau đó bị sốc tâm lý phải nhập viện, thậm chí có ý định nhảy lầu tự sát trong trường. Phụ huynh đã quyết định xin cho con mình được chuyển trường khác – họ sợ con gái bị ảnh hưởng trong năm học cuối cấp phải qua các kỳ thi cử căng thẳng.

Trước đó vào đầu năm học (tháng 9-2015), cộng đồng mạng lại dậy sóng trước việc một trường tiểu học tư tại TP.HCM đã cho thôi học một học sinh lớp 2 xuất phát từ việc mẹ cùa bé lên Facebook chê mẫu đồng phục của trường có chiếc cà vạt xấu quá.

Thật tình thì chuyện nhà trường và thầy cô bị “lên mạng” chẳng phải là chuyện cá biệt trong thời mạng xã hội. Ngành nghề nào cũng vậy thôi. Nhan nhản trên mạng là những vụ nhân viên nói hành nói tỏi sếp các cấp của mình. Với rất nhiều người, mạng xã hội bị coi là cái thùng rác để họ xả xú-páp, xì stress,… Vui buồn gì cũng được chia sẻ, nhiều khi vô tội vạ bất kể hậu quả, trên mạng. Vì thế chẳng có gì phải ngạc nhiên trước chuyện hễ có gì khó chịu trong bụng là người ta lập tức thải ra trên mạng. Mà tình trạng này thì xảy ra trên toàn cõi mạng – nghĩa là cả toàn cầu.

Với đặc thù của mình, mạng xã hội giống như một con dao hai lưỡi. Bạn có thể lên mạng “ném đá” người khác thì chính bạn cũng có nguy cơ bị người khác cho ăn cả một thúng “trứng có mùi”.

Như vậy, trong thời mạng xã hội, nhà trường cũng phải chấp nhận chịu sự giám sát của cộng đồng xã hội. Tình hình càng thêm nghiêm trọng trước trào lưu “nhà báo công dân”, ai cũng có thể kiếm tin và tung lên mạng. Và cần phải hiểu đó là chuyện bình thường, chớ nên hốt hoảng để phạm sai lầm. Nó có ưu điểm là bắt buộc tất cả phải có ý thức giữ gìn cái ăn nết ở. Dễ ngươi là có nguy cơ bị tung lên mạng thôi.

Tất nhiên, ai muốn làm gì, nói gì trên mạng xã hội thì không thể cấm được người ta. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta không phải chịu trách nhiệm và phải trả giá cho các hành vi sai trái của mình trên mạng. Nước nào cũng có đầy đủ các loại luật lệ. Nhà chức trách sở tại không thể xử mạng xã hội toàn cầu, nhưng hoàn toàn có quyền xử phạt các công dân của mình dùng mạng xã hội làm chuyện xấu, chuyện phạm pháp. Những người dùng mạng xã hội để xúc phạm người khác nếu không bị báo cáo để mạng xử lý theo nội quy của từng mạng thì cứ chiếu theo luật pháp nước sở tại để phạm vào tội gì sẽ bị nhà chức trách trừng phạt theo tội đó.

Chính nhờ hiểu thấu điều này mà hầu hết các nước không bận tâm tới chuyện không tưởng là cấm hay chặn các mạng xã hội – thực chất chỉ là một loại phương tiện thời công nghệ. Thay vào đó, họ tập trung hoàn chỉnh hệ thống luật pháp để có thể đủ sức chế tài đối với những đối tượng nào lợi dụng mạng xã hội để làm chuyện xấu, phạm tội. Đồng thời mọi người cũng có ý thức để cẩn trọng hơn khi lên mạng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Bài đã in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 15-11-2015

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

151115-baibao-phapluattp-01_resize

151115-baibao-phapluattp-02_resize