Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Người nghèo cũng có Net

June 15
15:34 2015

Ethernets

 

(STS:15.06.2015) Xin nói ngay là chuyện này xảy ra ở Mỹ. Số là ngày 28-5-2015, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FC) đã công bố các kế hoạch trợ giá truy cập Internet tốc độ cao cho các gia đình có thu nhập thấp. Cơ quan quản lý viễn thông cao nhất của Mỹ này giải thích rằng kết nối Internet băng rộng (broadband) là nhu cầu thiết thân cho những người đang cố gắng nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Chủ tịch FC Tom Wheeler đã đưa ra dự án này để nâng cấp chương trình Lifeline vốn có mục tiêu cung cấp dịch vụ điện thoại giá rẻ có kèm theo truy cập Internet. Ông nhấn mạnh: “Việc có thể truy cập Internet tốc độ nhanh là rất thiết thực trong việc tìm kiếm công ăn việc làm. Hơn 80% những cơ hội làm việc mà các công ty thuộc danh sách Fortune 500 đưa ra là online.” Theo ông, người Mỹ cần Internet băng rộng để giữ việc làm khi các công ty đang ngày càng thêm yêu cầu các ứng viên tìm việc làm phải có những kỹ năng sử dụng kỹ thuật số cơ bản (nghĩa là không bị “mù kỹ thuật số”). Ngoài ra, một khi có được kết nối Internet tốc độ cao, người ta có thể được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và trẻ em có thể làm bài tập ở nhà thuận tiện hơn.

Chủ tịch FC đưa ra thông tin hiện nay có gần 30% người Mỹ, hầu hết là ở các gia đình thu nhập thấp, vẫn chưa có điều kiện để tiếp cận với dịch vụ Internet băng rộng. Cụ thể là hơn 95% số gia đình có thu nhập hàng năm hơn 150.000 USD đã có được Internet băng rộng tại nhà, trong khi tỷ lệ này chỉ có 48% đối với những gia đình có thu nhập dưới 25.000 USD.

Theo số liệu của FC, gần một nửa số người Mỹ có thu nhập thấp đã phải hủy bỏ hay tạm ngừng sử dụng các dịch vụ smartphone vì gánh nặng tài chính.

Chỉ có điều, người nghèo ở Mỹ chớ nên mừng vội. Giới bình luận cho rằng sáng kiến Internet băng rộng có thể đương đầu với những cản trở, đặc biệt là với một số nghị sĩ từng chống đối chương trình điện thoại cho người nghèo (gọi là Obamaphone) do Tổng thống Barack Obama hiện nay đưa ra. Ngay cả hồi năm 1985, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, một số nghị sĩ cũng phản đối chương trình tương tự.

Hồi đầu năm nay, Thượng nghị sĩ David Vitter (bang Louisiana) đã gọi chương trình Lifeline là “một trong những chương trình liên bang thối nát nhất mà ông từng biết gần đây”. Không chỉ nói cho sướng miệng, ông nghị này còn kêu gọi mọi người có những nỗ lực mạnh tay hơn để ngăn chặn tình trạng gian lận và chấm mút trong chương trình điện thoại cho người nghèo này.

Bà Kristine DeBry thuộc tổ chức tư vấn Public Knowledge nói mình ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến Internet băng rộng cho người nghèo này. Bởi lẽ ngày nay “người ta đang ngày càng thêm phụ thuộc vào mạng Internet để kiếm việc làm, để được tiếp cận với giáo dục, tin tức, các dịch vụ, liên lạc và mọi thứ dưới ánh mặt trời”.

Thật ra, “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu” (xin lỗi nhà thơ Đỗ Trung Quân), Internet trong thời đại Internet không chỉ là một nhu cầu thiết thân mà còn phải là một quyền được hưởng của mọi người, bất kể giàu hay nghèo. Thì bạn ngó quanh mình coi, già trẻ, trai gái, giàu nghèo, ai cũng đang bị kết dính lại với mạng Internet. Trước khi bước vào kỷ nguyên Internet cho vạn vật (Internet of Things), thế giới cần phải có được Internet cho mọi người.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 15-6-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên tạp chí e-CHIP M!

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới