Thị trường quạt nhộn nhịp
Nhiều hàng
Tại các siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Phan Khang,… có những mẫu quạt khá ấn tượng cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, quạt Tatung (Đài Loan) với kiểu cách thiết kế lạ mắt như phím bấm tắt/mở hình bàn chân, khi khởi động quạt người dùng có thể đứng dùng chân đè lên phím bấm khoảng 3 giây thì quạt mới chạy, giá khoảng 800 ngàn đồng. Quạt đứng loại trung bình sử dụng cho phòng ngủ của hãng KDK (Nhật) có thiết kế thêm một miếng lọc bụi ở giữa lồng quạt, tạo gió sạch và thoáng cho phòng nhỏ, giá khoảng 1,3 triệu đồng.
Riêng những loại quạt treo tường Việt Nam như Asia, Senko, Bifan,… đều có những thiết kế mang đậm tính trang trí qua chất inox, sắt sơn tĩnh điện với nhiều màu sắc. Cánh quạt thường là loại 5 cánh, nhựa trong suốt tiệp màu với lồng quạt. Một số hãng cải tiến thành cánh quạt công nghiệp, cạnh bén, nhỏ và cứng nên tạo lưu lượng gió mạnh.
Quạt đứng cũng đã có những cải tiến về chất lượng, thêm chức năng quay ngắt nhịp, nhanh/chậm theo từng đợt, chủ yếu tạo không khi thoáng, không gây ồn trong khi ngủ. Giá trị của quạt cũng được nâng tầm khi các nhà sản xuất trong nước thiết kế thêm mạch điện tử sử dụng đèn LED, điều khiển remote, chế độ hẹn giờ đến 8 tiếng.
Quạt tháp cũng có nhiều thay đổi về thiết kế. Có loại có chiều cao từ 1,2m – 1,4m với cấu trúc quạt lồng sốc đảo không khí bên trong, thiết kế khung tháp kết dính hoàn toàn. Kiểu bộ khung tháp kết dính chính nhằm khắc phục nhược điểm rung của dòng quạt đứng vì phần đỉnh tháp sẽ kết chặt với phần dưới (nơi gắn trục môtơ quay) hạn chế rung khi sử dụng liên tục. Hiện quạt đứng có nhiều nhãn hiệu: Nikko Kendo, Tifa, Tatung, Lifan, Bifan, Asia,… với giá từ 1,2 – 1,8 triệu đồng.
Quạt hơi nước với bánh xe cũng linh động hơn, công nghệ phun hơi nước cũng chuyển đổi từ loại sử dụng trục cuốn sang gắn bơm nhỏ phun hơi ẩm lên màng vải. Chẳng hạn như loại quạt của Sanyo, Midea,… được điều khiển mạch điện tử bằng nút bấm chạm. Quạt này có hệ thống đựng nước 2 ngăn với bình chứa nước bên trên và hệ thống chứa nước làm lạnh bên dưới, đảm nhiệm luôn chức năng tạo hơi lạnh khi sử dụng quạt. Khi mua các sản phẩm quạt hơi nước, khách được tặng kèm 2 bình đựng đá khô tạo hơi lạnh.
Ngoài ra còn xuất hiện loại quạt hơi nước kiểu phun sương với bình nước kết hợp với vòi phun sương đặt phía trước quạt, khi thổi tạo nên những làn sương. Quạt này có 2 loại là quạt đứng và để bàn, có xuất xứ từ Trung Quốc giá khoảng 1,2 triệu đồng.
Cải tiến theo hướng thời trang
Quạt ngoại như KDK, Panasonic, Mitsubishi, Tatung, Midea,… đều có những cải tiến về thiết kế ở phần lắp ráp, động cơ và bộ khung quạt. Ông Võ Thành Lộc, Giám đốc kinh doanh của hãng KDK tại Việt Nam, nhận xét: “Hãng KDK đã nghiên cứu hết những căn bệnh thường gặp ở quạt điện khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Chẳng hạn như tính toán thêm khớp lẫy phía sau cho nút giật/bấm, cân đối trọng lượng của quạt và đế quạt đề phòng va đập, đổ ngã,… Như vậy mỗi sản phẩm sẽ có độ bền, độ an toàn cao hơn nhằm hạn chế những rủi ro xảy ra khi sử dụng. Phần động cơ được thiết kế cải tiến, hao tổn điện ít nên chạy liên tục vẫn ổn định.”
Thông thường với các loại quạt đứng Việt Nam, thân quạt gắn liền với dây dẫn điện. Thiết kế liền khối, nên dây dẫn điện có thể nằm ở phần thân trên, đoạn tiếp giáp với ống sắt tăng/giảm chiều cao hoặc được luồng bên trong thân, nằm sát dưới đế quạt. Trong khi đó quạt của Tatung, thân quạt được nối với đế bằng mạch điện tiếp xúc, phần đế quạt được lắp đặt sẵn dây dẫn điện bên trong. Quạt đứng của KDK không có dây dẫn điện kèm theo mà được nối với đế bằng một đầu cắm nằm phía trong đế quạt.
Còn đối với quạt Việt Nam cũng có những “thêm thắt” tạo thẩm mỹ cho quạt như kết hợp tạo nên một mạch đèn LED trên cánh quạt của Asia. Khi quay, quạt sẽ tạo nên một đồng hồ báo giờ hoặc câu chữ theo yêu cầu. Quạt bàn Bifan có một chiêu mới đối với loại quạt nhỏ đặt trên giường ngủ là nếu bị ngã hoặc va đập thì sẽ tự động ngưng hoạt động, tránh hiện tượng gãy cánh quạt hoặc kẹt mền gối làm hỏng môtơ.
Quạt sạc Việt Nam thì đã có cải tiến về mạch điều khiển chuyển tiếp điện AC-DC so với những loại quạt Trung Quốc trước đây. Ngoài hệ thống tự động ngưng sạc khi đầy bình ắc quy, còn có chức năng tự động chuyển đổi điện mà không cần can thiệp.
Viễn Du
Quạt nào cũng bệnh
Với những loại quạt đứng, kiểu mới có hệ thống mạch điều khiển bằng remote hoặc chức năng chạy ngắt nhịp, nguy cơ bị hư khá cao do mạch điều khiển bị ẩm hoặc quá nóng, đặc biệt IC điều khiển bên trong bị hư hỏng, không thể sửa chữa bên ngoài vì mỗi nhà sản xuất quạt luôn dấu hoặc xóa kí hiệu IC trên quạt để tránh bị làm nhái. Trong trường hợp đó chỉ có cách bảo hành hoặc sửa chữa tại nhà sản xuất.
Còn ở các loại quạt cơ thông dụng như quạt bàn, quạt treo tường, quạt tháp…, bệnh cố hữu vẫn là hư bạc hoặc hư xoay. Hư bạc là do quạt hoạt động nhiều môtơ bị nóng dẫn đến dầu bên trong bạc đạn bị khô kéo theo tốc độ quay bị ảnh hưởng, moto phải tăng công suất hoạt động, lâu ngày có thể dẫn đến cháy. Còn hư xoay là do khớp trục xoay của quạt sử dụng các loại bánh răng bằng nhựa nên tuổi thọ chỉ có giới hạn một thời gian sử dụng khoảng 1 năm. Quá thời hạn trên, quạt khi xoay sẽ kêu hoặc đứng yên.
Đặc biệt với những loại quạt tháp, do thiết kế lồng sốc nhiều tầng và môtơ thường đặt bên dưới nên càng dễ hư bạc do áp lực nặng, môtơ luôn quay nhiều hơn so với những loại quạt bàn thông thường nên dễ làm bạc đạn bị khô dầu, dấu hiệu nhận biết là quạt sẽ khởi động từ từ, cánh quạt rít và kêu to khi bắt đầu hoạt động. Trường hợp nặng hơn quạt sẽ không còn quay nhưng môtơ vẫn ra sức kéo dẫn đến cháy.
Tùy theo từng trường hợp, thợ sửa quạt sẽ thêm dầu vào quạt hoặc thay bộ môtơ khác, giá từ 25.000 – 100.000 đồng. Còn hư khớp xoay, thợ sẽ thay bộ khớp khác vào giá cũng khoảng 30.000 đồng.
Lưu ý khi dùng quạt sạc
Quạt sạc sử dụng bình ắc quy từ 6 – 12V. Căn bệnh thường gặp ở quạt sạc là hỏng mạch điều khiển và bị chai bình ắc quy sau khoảng 6 tháng sử dụng. Đối với bình ắc quy, người tiêu dùng thường có thói quen sử dụng quạt sạc theo kỳ cúp điện, hết cúp điện ít khi sử dụng, quên sạc điện cho quạt. Để bình ắc quy của quạt lâu chai, lần đầu tiên sử dụng phải sạc trong 15 tiếng. Sau đó, trong quá trình sử dụng, khi hết điện, sạc trong 4-5 tiếng, trong khi sạc phải tắt hết các chức năng. Khi không sử dụng, cứ 3 tháng sạc một lần trong khoảng thời gian từ 8-10 tiếng.
Sử dụng quạt hơi nước đúng cách
Trước khi dùng, kiểm tra hộc nước đã đúng mức quy định hay chưa. Khi sử dụng quạt không nên di chuyển mạnh vì có thể làm đổ nước gây chạm mạch điện. Không nên để vật nặng lên máy hoặc để vật che chắn trước máy trong vòng 1 mét.