Quạt gió dễ mua, dễ dùng…
“Nội” hay “ngoại”?
Trên thị trường cũng như tại các siêu thị điện máy đều xuất hiện hai dòng sản phẩm quạt có xuất xứ nguyên chiếc từ nước ngoài hoặc là hàng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Mỗi loại đều có ưu và nhược điểm khác nhau.
Hàng nhập khẩu nước ngoài thường được mang những thương hiệu lớn trong ngành điện tử – điện gia dụng, như: Panasonic, Mitsubishi, Sanyo, National, Phillips,… Những sản phẩm này có giá từ 1 triệu – 2 triệu đồng. Nhằm phục vụ khách hàng ở phân khúc cao cấp nên dòng quạt “ngoại” có nhiều ưu điểm trong thiết kế như: lồng quạt bằng inox hoặc thép dày, điều khiển bằng mạch điện trực tiếp trên bảng điều khiển, đế nặng tạo thế vững chãi, tăng giảm chiều cao quạt bằng lò xo nén hiện đại… Độ bền của các loại quạt ngoại nhập này rất tốt, khi vận hành thường không gây ra tiếng ồn, chạy rất êm và tạo ra luồng gió ổn định, mạnh mẽ. Tuy nhiên, giá thành cao, ít nơi bán và thiếu linh kiện khi sửa chữa là những nhược điểm của các loại quạt “ngoại”.
Hàng quạt “nội” hiện có nhiều thương hiệu trên thị trường. Có những sản phẩm “thuần Việt” như: Asia, Bifan, Sakyo, Winner,… Có những sản phẩm của các nhà sản xuất nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam như: Media, Tatung,… Về kiểu dáng, có các dòng quạt để bàn, treo tường,. quạt đứng. Về công nghệ điều khiển, hiện thị trường cũng khá đa dạng, bên cạnh điều khiển bằng tay, có nhiều loại điều khiển bằng remote. Quạt do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hiện nay chiếm lĩnh đa phần sản phẩm quạt truyền thống. Nhờ ưu thế về giá cả, chất lượng cải thiện và chế độ hậu mãi, các sản phẩm này được đông đảo người tiêu dùng chấp nhận. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các sản phẩm quạt “nội” thường gây ra tiếng ồn do mô-tơ xuống cấp nhanh chóng, khi hoạt động quạt hay bị rung giật mạnh, kêu “ken két” khi sử dụng tính năng đảo chiều. Khi chủ nhân cần tháo quạt để vệ sinh thường gây ra hư hỏng nhiều nơi như các nút chặn cánh quạt, lồng quạt do các bộ phận của quạt được làm bằng nhựa chất lượng thấp, chân đế của quạt “nội” cũng không được thiết kế một cách vững chắc và có đủ độ nặng cần thiết nên thường lắc khi hoạt động.
Ngoài ra, thị trường còn có rất nhiều loại quạt điện có xuất xứ từ Trung Quốc với giá thành rẻ hơn hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Với dòng sản phẩm này, khách hàng không nên mua vì chất lượng thấp, chế độ hậu mãi không tốt, chưa thể so sánh với hàng “nội” về nhiều mặt.
Chọn quạt cánh hay quạt tháp?
Nhiều nhất và phổ biến nhất hiện nay vẫn là loại quạt cánh truyền thống. Ưu điểm của loại quạt này là có thể tạo một lưu lượng khí lớn, giúp làm mát có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng do có tốc độ lưu chuyển dòng khí nhanh nên loại quạt này rất mau bám bụi. Ngoài ra, do thiết kế “thô”, trong quá trình vận hành âm thanh lớn, khiến nhiều người dùng khó chịu. Một chi tiết khác cũng được nhiều người dùng quan tâm là các rủi ro có thể phát sinh từ chiếc quạt điện này, đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ nhỏ. Tốc độ quay của quạt khá cao, phần lồng bảo vệ bên ngoài cánh quạt lại thưa, trẻ có thể cho tay vào bên trong lồng bảo vệ nên khá nguy hiểm.
Ngược lại, loại quạt tháp sử dụng cách quạt lồng tương tự như cánh quạt trong máy lạnh, hoạt động khá êm. Hiện nay, dòng quạt này đã được sản xuất trong nước như: Asia, Bifan,… bên cạnh những thương hiệu nước ngoài (được sản xuất ở Trung Quốc) như: Nikko Kendo, Korea King, Coex… Giá của dòng sản phẩm này dao động từ 800.000đ – 2 triệu đồng tùy theo tên tuổi nhà sản xuất, thiết kế và những tính năng kèm theo. Thiết kế này giúp nhà sản xuất thu gọn kích thước quạt, chỉ cần tăng chiều cao để có lưu lượng gió đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Thiết kế của loại quạt này đẹp, giảm các nguy hại có thể xảy ra cho trẻ. Nhưng quạt tháp vẫn không hoàn toàn vượt trội so với quạt truyền thống. Quạt truyền thống có kết cấu đơn giản, dễ tháo lắp, người dùng có thể mở và làm vệ sinh dễ dàng, nhanh chóng. Trong khi đó, với quạt tháp, việc tháo lắp khá phức tạp và khó sửa chữa. Khả năng làm mát của quạt tháp hoàn toàn không thể cạnh tranh với quạt truyền thống. Ngoài cường độ gió, cả độ phủ rộng của quạt tháp cũng không sánh bằng quạt truyền thống bởi phần cửa sổ gió của quạt tháp khá nhỏ.
Quạt không cánh
Gần đây trên thị trường đã xuất hiện dòng quạt không cánh. Về lý thuyết, dòng quạt này dùng moteur hút gió, sau đó thổi theo vòng nhựa hình tròn để đem gió đến cho người sử dụng. Sử dụng loại quạt này khá an toàn, nhất là những gia đình cho trẻ con. Tuy nhiên, lượng gió khá yếu nên được dùng trong phòng ngủ hoặc những nơi trẻ thường xuyên sinh hoạt.
Hiện trên thị trường, quạt không cánh có nhiều thương hiệu, chủ yếu là sản xuất ở nước ngoài, như: Dyson, Kangaroo… với giá từ 2 – 2,3 triệu đồng.
Ngân Phượng – Hoàng Vy