Trước những diễn biến bất thường của nền kinh tế, năm 2011, thị trường ngành hàng điện máy, công nghệ thông tin đang đứng trước thực tế là sức mua giảm mạnh vì người tiêu dùng sẽ “thắt chặt” hầu bao. Khi sức mua yếu, nhà phân phối sẽ nhập ít hàng. Điều đó có nghĩa nhiều nhóm hàng như máy tính xách tay, các thiết bị ngoại vi như: máy in, máy chiếu,… sẽ thiếu hàng vì nhà phân phối và nhà bán lẻ đã thận trọng hơn. Dự báo trên hoàn toàn có cơ sở.

" />
Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Một vòng thị trường: Năm nay, hàng điện máy, công nghệ thông tin có thiếu hàng?

April 05
00:00 2011

Nhiều nhà phân phối cho biết, kế hoạch đã được xác lập nhưng trước diễn biến thực tế của thị trường năm nay, họ sẽ “không chú ý đến doanh số và số lượng mà các hãng sản xuất “yêu cầu” phải đạt được mà phải thận trọng với số lượng hàng cần đặt, bán hết tới đâu nhập tới đó”

Từ bài học năm 2010
Năm 2009 là năm được giới nghiên cứu thị trường, kinh doanh đánh giá là “năm thành công” của thị trường kinh doanh nhóm hàng CNTT cho dù chính sách thay đổi, thuế VAT của các mặt hàng này tăng từ 5% (được ưu đãi về thuế nhập khẩu) trở lại với mốc 10%. Dự báo về thị trường ngành hàng này trong năm 2010, các hãng nghiên cứu thị trường nổi tiếng và uy tín trên thế giới như: IDC, GfK cho rằng mức tăng trưởng nhóm hàng này tại thị trường Việt Nam khoảng 25%. Tỷ lệ tăng trưởng này, cộng với tỷ lệ mà các hãng sản xuất “xê dịch” để tăng lợi nhuận đã làm nhiều nhà phân phối trong nước “hoan hỷ” nhập đủ doanh số và số lượng như đã cam kết để được hưởng tỷ lệ thưởng theo doanh số, không bị cắt vai trò phân phối… Nhà bán lẻ cũng trong tình cảnh như vậy. Nhiều nhà bán lẻ ôm hàng để đánh cú đậm nhưng thực tế lại khác. Bán không được, buộc họ phải dùng khoản lãi để làm chương trình khuyến mãi…
Với tốc độ bán hàng khá lớn trong quý 1, từ tháng 3 cho đến tháng 5, một mặt giữ uy tín với nhà sản xuất, mặt khác vì mục tiêu lợi nhuận cũng như tin vào dự báo thị trường mà nhiều nhà phân phối đã quyết định nhập hàng (chủ yếu là nhóm hàng MTXT) với số lượng lớn. Theo nhiều nhà phân phối cho biết, từ khi chính thức ký vào đơn đặt hàng cho đến khi hàng về kho, thời gian mất từ 4 – 6 tuần. Nhưng khi hàng về tới kho của nhà phân phối cũng là lúc thị trường trong nước bị tác động của tỷ giá đã làm sức mua giảm sút đáng kể. “Vào thời điểm tháng 5 năm ngoái, dù các nhà phân phối kết hợp với các nhà bán lẻ đẩy nhiều chương trình khuyến mãi, nhưng thị trường vẫn không có tín hiệu tích cực. Hàng bán ra rất thấp đã làm tỷ lệ hàng tồn kho tăng”, giám đốc một công ty phân phối vào hàng lớn của Việt Nam chia sẻ câu chuyện kinh doanh năm ngoái. Đến cuối tháng 8-2010, được sự hỗ trợ của các hãng sản xuất, các nhà phân phối đã mạnh tay giảm giá để mong bán được hàng, cắt lỗ. Nhưng dù có cố gắng thế nào, cuối năm 2010, nhiều lô hàng, nhất là MTXT vẫn còn nằm im trong kho các nhà phân phối.
Theo nguồn tin từ nhiều nhà phân phối, kế hoạch năm 2010 của nhiều nhà phân phối trong đó có cả những nhà phân phối lớn không thể thực hiện được. “Tôi không thể tiết lộ danh tính, nhưng trước những biến động xấu của thị trường năm 2010 đã làm nhiều nhà phân phối phá sản. Nhiều người đã quyết định chia tay với nghề phân phối vì cho rằng lĩnh vực này quá nguy hiểm”, nguồn tin này nói.

Một lần đạp vỏ dưa…
Không thể không nhắc tới chuyện nhiều nhà phân phối vì “quá tham” lợi nhuận đã dẫn đến nhận định thị trường sai, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Giới phân phối không thể không biết một nhà phân phối có máu mặt đã quyết định “cắt lô” 1.500 chiếc MTXT, để vừa được giá rẻ, mức thưởng cao vừa độc quyền cạnh tranh khi tin vào hệ thống bán lẻ của mình từ Bắc chí Nam, nhưng cuối cùng đã lỗ nặng lô hàng này vì không đẩy được hàng như đã toan tính.
Năm nay, ngay từ đầu năm, các nhà phân phối đã nhìn ra sức mua yếu. Điều đó có nghĩa, doanh số và lợi nhuận sẽ thấp hơn so với kế hoạch kinh doanh ngành hàng đã xây dựng hồi cuối năm ngoái. Không chỉ thận trọng hơn, phân tích, đánh giá thị trường kỹ trước khi ra các quyết định nhập hàng mà trước tình hình thực tế đã làm nhiều nhà phân phối phải tìm nhiều cách xoay trở để tồn tại.
Nhiều nhà phân phối cho biết, kế hoạch đã được xác lập nhưng trước diễn biến thực tế của thị trường năm nay, họ sẽ “không chú ý đến doanh số và số lượng mà các hãng sản xuất “yêu cầu” phải đạt được mà phải thận trọng với số lượng hàng cần đặt, bán hết tới đâu nhập tới đó”. “Năm nay sẽ thẳng thắn đàm phán với hãng về lượng và giá được tính theo từng lô hàng”, ông Lương Lễ Trân, Giám đốc Chi nhánh CMS tại TP.HCM nói với phóng viên. Bà Võ Thị Hoàng Quân, Tổng giám đốc FPT Phân phối, cho biết thêm, năm nay sẽ tập trung nhiều hơn vào việc quản lý, kiểm soát các chỉ tiêu tài chính như ngày hàng tồn, ngày công nợ (công nợ cho đại lý và công nợ với hãng), vòng quay của vốn,… “Năm nay là năm khó nên kế hoạch đặt hàng, bán hàng, thu hồi nợ được rà soát chặt chẽ theo ngày để nhanh chóng đưa ra các chính sách giá, chương trình tiếp thị phù hợp với biến động của thị trường. Cũng trong năm nay sẽ tập trung vào việc phát triển kênh đại lý”, bà Quân nói.
“Dù thị trường tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu nhưng với năm 2011, chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn về thị trường các tỉnh: giới thiệu những mặt hàng mới của thương hiệu lớn có mức giá phù hợp, mở rộng kênh đại lý”, Giám đốc DigiWorld Đoàn Hồng Việt cho biết. Cũng theo ông Việt, “kiểm soát chặt tỷ lệ hàng tồn” cũng là một giải pháp quan trọng.

Hãng thích “chơi” với nhà bán lẻ
Hiện tại thị trường Việt Nam trong nhóm hàng điện máy và công nghệ thông tin, tùy theo quy mô của nhà bán lẻ, nhiều nhà sản xuất như: Nokia, Samsung, Sony, Panasonic,… đã làm việc trực tiếp với hệ thống bán lẻ thay vì qua kênh phân phối như trước đây. Tất nhiên, tùy theo nhóm hàng mà các hãng chọn cách tiếp cận với nhà bán lẻ hay là thông qua kênh phân phối. Việc các nhà sản xuất dài tay nắm các kênh bán lẻ lớn sẽ làm giá cả sản phẩm sẽ rẻ hơn trước từ 5 – 10% vì không còn phải “gánh” khoản chênh giá mà nhà phân phối được hưởng như trước. Động thái này đã ít nhiều làm các nhà phân phối, xét trên tổng thể gặp ít nhiều khó khăn cho dù họ đã được hãng sản xuất bù một số quyền lợi khác.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia phân tích thị trường, việc các hãng “làm ăn trực tiếp” với các nhà bán lẻ chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng của các nhà sản xuất. Trước hết, số lượng các hệ thống bán lẻ lớn trên thị trường Việt Nam còn quá ít, doanh số chưa thể khống chế thị trường. Mặt khác, về phía các nhà bán lẻ cũng không muốn chịu nhiều áp
lực lớn về rủi ro tài chính như: nếu nhập nguyên lô hàng lớn, thời gian hàng tồn kho dài, còn ngày công nợ ngắn. Vì những yếu tố trên, các nhà bán lẻ vẫn ưu tiên nhập hàng từ các nhà phân phối. “Nhà bán lẻ chỉ mua trực tiếp từ hãng những đơn hàng số lượng vừa đủ với điều kiện giá phải rẻ nhiều so với mua hàng từ nhà phân phối”, bà Võ Hoàng Quân chia sẻ.
Nói thêm về mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và kênh bán lẻ tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam (Savina) nói: “Không hề có chuyện ép nhà phân phối phải đáp ứng đủ doanh số do hãng đặt ra. Mối quan hệ giữa hãng và nhà phân phối theo nguyên tắc bình đẳng. Bán được mức nào thì được hỗ trợ tỷ lệ thưởng, chi phí tiếp thị,… mức nào sẽ không được hỗ trợ. Những điều kiện đó đã được hai bên đồng ý”.

 

Chí Tân

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới