Ổ cứng là một thiết bị rất quan trọng trong hệ thống máy tính bởi chúng chứa dữ liệu. Những thiết bị khác trong hệ thống máy tính khi trục trặc có thể sửa chữa hoặc thay thế được, nhưng một khi ổ đĩa cứng gặp sự cố, dữ liệu có lấy được hay không là chuyện đau đầu của chủ chiếc máy tính đó.

" />
Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Chọn một ổ lớn hay nhiều ổ nhỏ?

December 05
00:00 2010

Chiếc ổ cứng đầu tiên trên thế giới có tên là RAMAC do IBM phát minh năm 1995, nặng đúng 1 tấn, nhưng chỉ lưu được 5MB dữ liệu. Nhưng bây giờ, với một ổ cứng đường kính 3,5 inch, chúng ta cũng có thể lưu được vài triệu MB. Giới công nghệ tiếp tục chứng minh, họ vẫn luôn tìm ra cách để mở rộng không gian “chứa” của ổ cứng, đồng thời giảm kích thước của chúng lại. Các hãng sản xuất ổ cứng trên thế giới như: Hitachi, Segate, Samsung, Western Digital,… đều lần lượt cho ra đời các sản phẩm lưu trữ “hàng ngàn ghit” của mình với nhiều công nghệ riêng theo từng hãng. Những khách hàng hay dùng hình ảnh có độ phân giải cao, nhạc lossless, hình ảnh, game, ứng dụng 3D thì ổ cứng phải vài TB mới đủ dùng. Hiện nay, câu hỏi: chọn ổ cứng có dung lượng 2TB hay là 4 ổ cứng mỗi ổ có dung lượng 500GB vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong bài viết này, STS thử phân tích nhược và ưu của mỗi quan niệm.

Chọn duy nhất 1 ổ cứng có dung lượng lớn

Ưu điểm:

Tiết kiệm được không gian lắp đặt ổ cứng trong thùng máy, giúp máy thoáng mát dễ dàng thoát nhiệt. Một ổ cứng sẽ tỏa ra ít nhiệt lượng hơn là nhiều ổ cứng cùng hoạt động. Tiết kiệm được số cổng kết nối với mainboard (SATA, ATA,…) và cáp nguồn. Có thể tận dụng các cổng kết nối còn lại cho các thiết bị khác như: ổ DVD-RW, ổ Blu-ray,… Dùng ổ cứng có dung lượng lớn sẽ tiết giảm điện năng vì ổ cứng là một trong những linh kiện ngốn điện khá nhiều của chiếc máy tính.
Nếu là ổ cứng di động thì dùng một ổ sẽ thuận tiện hơn cho việc di chuyển hay lắp vào những box HDD hoặc những đầu xem phim HD. Giá thành của một ổ có dung lượng lớn (so sánh với tổng dung lượng của những ổ cứng có dung lượng nhỏ) sẽ rẻ hơn rất nhiều. Samsung 1,5TB có giá là 1,8 triệu đồng, trong khi đó mua ổ 1TB là 1,5 triệu đồng cộng với ổ 500GB là 950.000 đồng. Như vậy, mua một ổ dung lượng lớn sẽ tiết kiệm 650.000đ.

 

Nhược điểm:
Với ổ cứng có dung lượng lớn, tốc độ đọc/ghi thường không cao. Dù có chia ổ cứng ra làm nhiều phần (partition) thì thực tế ổ cứng cũng chỉ có một bộ phận đọc/ghi duy nhất. Vì vậy, khi thực hiện sao chép các nội dung số có dung lượng lớn như: phim HD, game, nhạc,… “kim” của ổ cứng sẽ phải vừa đọc, vừa ghi thay đổi vị trí liên tục nên sẽ có tốc độ không cao như việc sao chép trên nhiều ổ đĩa cứng khác nhau.
Dữ liệu có thể bị mất toàn bộ nếu như ổ cứng duy nhất bị hư hỏng hoặc đánh mất. Nhưng việc khôi phục dữ liệu này tốn khá nhiều tiền bạc, thời gian và cũng có phần “hên xui”. Khi mất dữ liệu hoặc ổ cứng bị hư hỏng vật lý, không nên khởi động hay chép thêm dữ liệu mới “đè” lên, vì như vậy sẽ rất khó nếu cần phục hồi lại dữ liệu cũ.
Một số mainboard của những máy tính đời cũ sẽ không hỗ trợ các ổ cứng có dung lượng “khủng”. Chúng sẽ chỉ nhận được ở mức giới hạn. Một vài thiết bị kỹ thật số như: tivi LCD, HD box, máy chơi game,… sẽ không thể hỗ trợ ổ cứng có dung lượng quá lớn khi cắm vào chúng.
Nếu như ít tiếp xúc với kho dữ liệu như: phim HD, Blu-ray hoặc nhạc số, hình ảnh độ phân giải cao,… thì việc chọn một ổ cứng có dung lượng quá lớn sẽ tiêu phí tiền bạc.

Chọn nhiều ổ cứng có dung lượng nhỏ

Ưu điểm:
Dễ dàng trong việc chọn nội dung của ổ cứng cần mang đi trao đổi dữ liệu (đối với các ổ cứng di động). Tạo an toàn cho dữ liệu quý giá bằng việc chạy backup dữ liệu giữa các ổ cứng thường xuyên và tự động. Nếu hư ổ này, thì dữ liệu vẫn còn trên ổ kia.
Trường hợp hư hỏng vật lý thường chỉ xảy ra với một ổ chứ ít khi cùng một lúc nhiều ổ cứng đều hư. Chính “chân lý” này giúp tránh được việc mất
hoàn toàn dữ liệu, ổ cứng nào hư thì chỉ sẽ mất dữ liệu trên ổ đó. Tốc độ đọc/ghi và sao chép dữ liệu giữa các ổ cứng sẽ rất nhanh, do ổ “nguồn” chỉ cần làm công việc “đọc” còn ổ “đích” chỉ làm nhiệm vụ “ghi”. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể tốc độ làm việc cho toàn hệ thống máy tính của bạn. Các thiết bị kỹ thật số như: tivi LCD, HD Box, máy chơi game,… thường sẽ hỗ trợ những ổ cứng có dung lượng vừa phải khi cắm vào chúng.
Có thể cài nhiều hệ điều hành khác nhau và chọn thứ tự khởi động khác nhau cho từng ổ cứng để làm việc. Việc cài nhiều hệ điều hành này diễn ra an toàn và dữ liệu không bị “dẫm” lên nhau dẫn đến lỗi hệ thống như việc sử dụng một ổ cứng duy nhất.
Có thể nâng cao tốc độ làm việc của ổ cứng và hệ thống lên nhiều lần nhờ sử dụng cách chạy nhiều ổ cứng theo dạng RAID. Trong đó, RAID 0 (Striped) sử dụng từ hai ổ cứng trở lên nhằm tăng tốc độ thực thi thông qua tiến trình đọc ghi xen kẽ. Chế độ này không cho phép khôi phục dữ liệu khi một ổ cứng bị hỏng. RAID 1 (Mirrored) sử dụng từ hai ổ đĩa trở lên nhằm tăng khả năng chịu lỗi (fault tolerant) của hệ thống nhờ tiến trình ghi cùng một khối dữ liệu lên tất cả các ổ đĩa. Chế độ này cho phép dữ liệu không bị mất khi ổ cứng bị hư. RAID 5 sử dụng từ ba ổ đĩa trở lên, cách thức hoạt động tương tự như RAID 0, nhưng có thêm cơ chế “parity” để bảo đảm độ an toàn cho dữ liệu. Và cuối cùng RAID 10 là sự kết hợp những yếu tố tốt nhất của RAID 0 và 1, nhưng yêu cầu sử dụng đến 4 ổ cứng.


Nhược điểm:
Dùng nhiều ổ cứng sẽ gây nên tình trạng chiếm quá nhiều không gian lắp đặt ổ cứng trong thùng máy, rắc rối “dây nhợ”, làm máy tính khó thoát nhiệt. Nhiều ổ cứng cùng hoạt động sẽ tỏa ra nhiều nhiệt lượng hơn là một ổ cứng duy nhất. Các thùng máy loại nhỏ thường sẽ không hỗ trợ đủ “khoang” để gắn nhiều ổ cứng. Nhiều ổ cứng sẽ chiếm nhiều cổng kết nối với mainboard (SATA, ATA…) và cáp nguồn. Sẽ còn rất ít hoặc hết các cổng kết nối cho các thiết bị khác như: ổ DVD-RW/Bluray,… Nhiều ổ cứng còn làm tiêu tốn khá nhiều điện năng. Việc sử dụng nhiều ổ cứng sẽ còn phải cần đến một bộ nguồn máy tính có công suất “thực” lớn và ổn định. Giá của những bộ nguồn này khá cao.
Các box xem phim HD thường chỉ gồm 1 khoang chứa ổ cứng 3,5 inch, vì vậy dùng nhiều ổ cứng có dung lượng nhỏ sẽ không thể “nhét” hết tất cả chúng vào box HD được. Tương tự, các máy chơi game như PS3 hay Xbox360… chỉ chấp nhận một ổ cứng.

1. Những chú ý khi dùng ổ cứng
Nhiều người sử dụng hay gọi là ổ cứng C, ổ cứng D… nhưng thực chất chúng thường chỉ là các phân vùng (partition) trong ổ đĩa cứng để tiện cho việc phân chia khu vực lưu trữ dữ liệu theo các mục đích riêng. Đây chỉ là cách hiểu theo kiểu “luận lý”, về “vật lý” thì chúng là một khối ổ cứng duy nhất.


Một số người sử dụng làm mát ổ đĩa cứng bằng cách gắn các quạt làm mát thổi trực tiếp vào bo mạch của chúng (thổi từ dưới lên, có một số nơi lại bán sẵn các vỉ làm mát kiểu này). Điều này hoàn toàn không cần thiết bởi bo mạch của ổ đĩa thường không tiêu thụ công suất quá lớn khiến các linh kiện của chúng nóng lên và bo mạch được làm mát không thể hấp thụ nhiệt từ các đĩa từ, động cơ của ổ đĩa cứng. Mặt khác, thao tác trên sẽ làm cho bo mạch chứa nhiều bụi sau một thời gian làm việc, chúng có thể trở thành môi trường dẫn điện nếu thời tiết trở nên ẩm thấp. Cách tốt nhất để tản nhiệt ổ đĩa cứng là thổi không khí từ phía trên hoặc phía ngang. Một số vỏ máy tính đã thiết kế quạt làm mát thổi song song với ổ đĩa cứng lấy gió từ phía mặt trước của thùng máy.
Trong quá trình làm việc, nếu đọc và ghi dữ liệu tại một vị trí nào đó không thành công trong vài lần, hệ điều hành sẽ đánh dấu “khối hư hỏng” (bad sector) nhằm tránh sự ghi dữ liệu tiếp theo vào vị trí này.

2. Cách sử dụng và bảo quản ổ cứng
Hãy hạn chế số lần cầm, nắm, tháo lắp cũng như vận chuyển ổ cứng loại gắn trong, loại gắn ngoài cũng phải “nhẹ nhàng”. Bảo vệ ổ cứng bằng dụng cụ chống tĩnh điện, tránh mồ hôi tay khi chạm vào mạch, cũng như dùng vỏ đựng chuyên dụng mỗi khi vận chuyển.
Tuy có vẻ ngoài “chắc chắn”, nhưng ổ cứng lại “mỏng manh dễ vỡ”. Không nên chồng các ổ cứng lên nhau. Trước khi tháo ổ cứng, hãy để máy ở trạng thái tắt ít nhất 45 giây, để đầu đọc “hạ cánh an toàn”. Tránh làm rơi, va chạm mạnh với ổ cứng. Đừng nên lắc ổ cứng, cách cầm đúng là cầm vào hai bên hông của ổ cứng. Không đặt ổ cứng nghiêng khi lắp vào thùng máy. Đối với loại gắn ngoài, cũng phải để ngay ngắn khi sao chép dữ liệu.
Không nên tháo ổ cứng khi chúng đang hoạt động. Đối với loại gắn ngoài, phải dùng tính năng “Safe” có trong hệ điều hành rồi hãy tháo cáp. Không nên lạm dụng chức năng “Format” và “Fdisk” quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của ổ cứng. Sử dụng chức năng chống phân mảnh (defragmenter) định kỳ để giúp ổ cứng “khỏe” hơn khi vận hành. Tránh mất điện đột ngột.
Sau khi tắt máy, nếu muốn khởi động lại, phải chờ ít nhất 30 giây để ổ cứng thoát hẳn khỏi phiên làm việc trước.
Khi sắp xảy ra hư hỏng, ổ cứng thường có tiếng động lách cách kim loại khi làm việc, máy hay bị treo, BIOS không nhận phần cứng,… Đối với trường hợp này, phải tắt máy ngay, không được chép thêm bất cứ dữ liệu nào vào ổ cứng nữa và mang đi đúng nơi “cấp cứu”.

Thanh Bình – Trường Lưu

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới