Không thể phủ nhận rằng, Atom là một trong những con chip thành công nhất của Intel. Nó ra đời giữa lúc người ta đang nóng sốt lên với xu hướng di động, trong khi PDA thì quá nhỏ và yếu, còn notebook thì vẫn chưa nhỏ gọn như mong muốn. Và với bộ vi xử lý Atom ít hao điện, nhỏ gọn, tích hợp nhiều tệp lệnh như CPU của laptop, các nhà sản xuất đã đua nhau tung ra thị trường những chiếc máy tính xách tay nhỏ xíu, màn hình từ 7 tới 10 inch, giá nhỉnh hơn phân nửa giá laptop một chút, gọi là Netbook. Nó cũng được đưa vào những chiếc máy tính để bàn kích thước mini, gọi là Nettop.

" />
Thứ Bảy ngày 12 tháng 10 năm 2024

Tech MediaOnline

IDF 2010: Bắt đầu một thế hệ Intel Atom hoàn toàn mới

November 20
00:00 2010

Intel không hề lường được sức thu hút quá mạnh mẽ của chip Atom. Vào thời gian đầu, sau khi Atom ra đời hồi tháng 3-2008 (ban đầu là con Z510, tên mã Silverthorne công nghệ 45nm cho các thiết bị MID/UMPC; tới tháng 6-2008 mới bắt đầu có dòng Diamondville gồm N270 cho Netbook và Atom 230 lõi đơn/Atom 330 lõi kép cho Nettop), Intel đã bị “cháy” hàng, sản xuất không đủ cho nhu cầu. Vào cuối năm 2008, có tới 17 triệu Netbook chạy Atom đã được xuất xưởng trên thế giới. Theo DisplaySearch, con số này tăng lên hơn gấp đôi vào cuối năm 2009. Hồi hạ tuần tháng 8-2010, ông Erik Reid, Giám đốc Marketing Nhóm nền tảng di động của Intel, cho biết: “Trong lịch sử non trẻ của mình, thị trường Netbook đang trải nghiệm một sự tăng trưởng ấn tượng. Tính tới nay, chúng tôi đã xuất xưởng khoảng 70 triệu chip Intel Atom dành cho Netbook.” Một phần do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, thay vì mua notebook, người tiêu dùng chọn mua Netbook rẻ tiền hơn.

 


Nhưng sau đó không lâu, Intel đã phải chịu áp lực với con chip Atom này. Từ mục đích ban đầu (được Intel công bố hồi giữa tháng 10-2007) là phát triển một con chip cho các thiết bị thuộc dạng OLPC (dự án One Laptop per Child, một máy tính cho mỗi trẻ em), rồi chủ yếu dành cho dòng máy tính truy cập Internet, Atom đã trở nên quá tải với nhu cầu của người dùng. Thực tế, tâm lý tiêu dùng của số đông đó là hễ là máy tính, dù lớn hay nhỏ, cũng phải phục vụ được mọi nhu cầu của người dùng trên máy tính. Họ không chỉ muốn dùng máy tính Atom để lướt Web, check mail, thực hiện các tác vụ văn phòng, mà còn muốn dùng nó để biên tập phim ảnh, xem phim,… Hậu quả là Atom bị coi là dòng CPU quá yếu. Dân thử nghiệm tính rằng sức mạnh của Atom thế hệ đầu tiên (đơn cử là con N270) chỉ bằng phân nửa CPU Pentium M cùng tốc độ. Vấn đề là CPU lõi đơn này chỉ được trang bị có 521KB L2 Cache và có bus FSB chỉ 533MHz, còn tốc độ chỉ có 1,6GHz (nhờ có công nghệ HT nên có thêm 1 CPU luận lý). Mãi tới tháng 2-2009, Atom mới được nâng cấp với con N280 có tốc độ 1,67GHz và FSB 667MHz.
Atom đã chuyển sang một chặng mới khi cuối tháng 12-2009, Intel tung ra thế hệ Atom thứ hai có tên mã Pineview, mở đầu là N450 (lõi đơn Netbook) và D510 (lõi kép Nettop). Tuy vẫn không tăng tốc độ và dung lượng Cache, cũng như vẫn với công nghệ 45nm, nhưng dòng Atom này được sản xuất theo công nghệ mới nhất của dòng Intel Core i Series thế hệ 2. So với N280, con N450 nhỏ hơn 60% và tiêu thụ điện năng ít hơn 20%, nhưng nó có số transistor nhiều hơn (123 triệu so với 47 triệu). Điều đặc biệt hơn cả là nó không còn sử dụng FSB mà dùng DMI nhờ tích hợp cả bộ điều khiển bộ nhớ và GPU vào ngay trên die vi xử lý. Đồ họa tích hợp Intel GMA 3150 mới có xung nhịp 200MHz trên N450 và 400MHz trên D510 có khả năng hỗ trợ video HD 720p, nhưng chỉ chủ yếu cho nội dung HD trên Internet chứ không phải để chơi game hay làm các công việc đồ họa nặng. Ngay khi được công bố hôm 21-12-2009, N450 đã được sử dụng cho khoảng 80 mẫu Netbook mới.
Và bước sang năm 2010, dòng Atom đã thật sự lột xác, mạnh hơn với con N455 tốc độ 1,67GHz (Netbook) và D425 lõi đơn /D525 lõi kép tốc độ 1,83GHz (Nettop) ra đời hồi quý 2-2010 khi hỗ trợ bộ nhớ DDR2-800 và DDR3-800. Lúc này, Netbook cũng đã có thêm N475 có tốc độ được nâng lên 1,83GHz. Tới quý 3-2010, con Atom 2 nhân đầu tiên cho Netbook là N550 ra đời, có tốc độ 1,5GHz, nhờ hỗ trợ HT nên có tới 4 CPU cùng chạy, và có L2 Cache 1MB (512KB cho mỗi nhân).


Tại Diễn đàn Nhà phát triển Intel (IDF) 2010 ở San Francisco (Mỹ) mới đây, Intel đã cho thấy đã tới thời mà các CPU Intel nhảy ra khỏi thùng máy tính để có mặt khắp nơi, trong các thiết bị phi PC. CPU Atom, đặc biệt là dòng nhúng (Embedded) và CE sẽ được ứng dụng sâu rộng hơn trên các hệ thống trên chíp SoC (System-on-Chip). Nói nôm na, SoC giống như toàn bộ một chiếc máy tính được thu gọn và tích hợp trên một con chip silicon. Nhờ vậy, khả năng điện toán hóa sẽ được mở rộng hơn, tới mọi ngóc ngách của cuộc sống. Các chip Intel sẽ có mặt trên xe hơi, trong tivi, tủ lạnh, cây xăng, máy bán hàng, dây chuyền sản xuất,… Ông Paul Otellini, Tổng giám đốc điều hành Intel, nói rằng: “Điện toán đã trở nên một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tầm nhìn của chúng tôi là hình thành một sự liên tục của các trải nghiệm điện toán cá nhân giúp cung cấp sự nhất quán và tương kết với nhau giữa tất cả các thiết bị kết nối Internet ở nhà, văn phòng, trên xe hơi hay ngay trong túi bạn”.
Nhiệm vụ trọng đại đó được trao cho Atom, nhưng Atom sẽ không phải chiến đấu một mình. Với cách tiếp cận mới về tương lai điện toán, Intel cung cấp một giải pháp toàn diện, từ chip tới các nền tảng và ứng dụng. Để tăng thêm khả năng cho Atom, Intel đã mở kho ứng dụng trực tuyến Intel AppUp, hợp tác với Nokia để cho ra hệ điều hành di động MeeGo trên nhân mã nguồn mở,…
Tại IDF 2010 San Francisco, Intel đã chính thức công bố dòng vi xử lý Atom E600 Series (tên mã Tunnel Creek). Đây là CPU SoC dành cho các thiết bị và ứng dụng nhúng. Nó có xung tốc độ từ 600MHz tới 1,6GHz, L2 Cache 512KB, được tích hợp GPU có tốc độ 320MHz hay 400MHz, hỗ trợ bộ nhớ DDR2-800, và có mức tiêu thụ điện TDP chỉ 2,7-3,9 watt.
Nhưng thu hút sự chú ý nhất tại IDF này là các thiết bị điện tử gia dụng như Internet TV, set-top-box, DVR,… được trang bị CPU Atom CE4100 Series. Và sắp tới đây là Atom CE4200 Series SoC (tên mã Groveland) được tối ưu hóa cho các Smart TV với việc tăng cường khả năng giải mã H.264 cho hiển thị video HD hoàn hảo hơn và hỗ trợ 3D cũng như công nghệ “sync-and-go” cho các thiết bị di động. Đặc biệt, Atom CE4200 được tích hợp các công nghệ tiết kiệm điện tiên tiến, có thể tắt bớt những thành phần không sử dụng tới trên con chip.
Đầu năm 2011, Intel sẽ cho ra đời nền tảng Atom mói gọi là Oak Trail được tối ưu hóa cho các máy tính bảng và các Netbook thời trang nhỏ gọn, có mức độ tiêu thụ điện năng giảm tới 50% và khả năng xem video HD hoàn chỉnh, tương thích trên nhiều hệ điều hành khác nhau, bao gồm Android, MeeGo và Windows 7. Cũng sẽ có cả dòng Atom có thể cấu hình (configurable) có tên mã Stellarton.
Intel đã xác định 3 dòng CPU của mình cho 3 mảng điện toán: Atom (thiết bị di động, máy tính đại trà và thiết bị phi PC), Core (máy tính cá nhân), và Xeon (máy trạm, máy chủ). Riêng Atom sẽ là một kiến trúc cho đa phân khúc: D Series (entry desktop), N Series (Netbook), Z Series (handheld, tablet), CE Series (điện tử tiêu dùng) và E Series (thiết bị nhúng).

PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Từ IDF 2010 San Francisco)

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới