Câu chuyện thị trường: Bao giờ cho đến 3D?
1. Công nghệ dựng hình 3D giúp những hình ảnh khi hiển thị sẽ tạo ra cảm giác “nổi” và có chiều sâu hơn so với công nghệ 2D truyền thống. Nó tạo ra một hiệu ứng giả lập về chiều không gian thứ ba là chiều sâu, ngoài giới hạn của chiều cao và chiều rộng thường thấy ở hình ảnh 2D. Với tiềm năng của mình, công nghệ 3D đang được nhiều người kỳ vọng sẽ là công nghệ thay thế cho công nghệ 2D “lạc hậu”, nhưng thực tế có thể lại không như vậy.
Trong tương lai không xa, các hãng truyền hình sẽ có những kênh phim 3D. Bất luận lý do gì, 3D sẽ là xu hướng công nghệ trong tương lai. Còn bây giờ thì sao? Không quá khó để trả lời rằng, 3D chỉ để “diễn” hơn là để xem đại trà. Không phải vì không có thiết bị xem (tivi 3D – PV) vì muốn xem 3D đã có những màn hình máy tính để tự xem hoặc rủ thêm vài người cùng xem, mà là người sử dụng chưa quen thay thế hình ảnh 2D truyền thống bằng 3D “tân thời”.
2. Các hãng sản xuất tivi 3D như: Sony, Samsung, LG,… cho phép chiếc tivi tự động chuyển đổi hình ảnh từ 2D sang 3D bằng một nút bấm, nhưng có dùng rồi mới thấy… “thật là chán” như lời của bà Thu (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) khi nói về chiếc tivi 3D 52 inch với giá “đời đầu” nghe nói gần 60 “chai”. Cho dù có hiện đại đến mức nào, việc “convert” (chuyển đổi) hình ảnh từ 2D sang 3D chỉ đạt được 60-70% về độ “nổi”, độ “sâu” so với nguồn 3D đầu vào. Đã không xem thì thôi, nếu xem 3D “nửa vời” đó, thà rằng xem 2D còn sướng hơn nhiều lần, cũng chính bà Thu nhận định.
Còn muốn thưởng thức 3D “trọn gói”, người xem cần sắm thêm: đầu Bluray 3D (hoặc máy chiếu 3D), nguồn phim chuẩn 3D, loa hỗ trợ âm thanh 3D, tất nhiên là phải kính 3D “xịn”. Không tính đến tivi 3D, chi phí đầu tư cho những phụ kiện 3D phải tốn khoảng 50 triệu đồng (chỉ là hàng tầm trung).
Các thiết bị số khác như: máy tính, Tablet PC, điện thoại, máy chụp hình, máy chiếu,… vẫn sẽ đi theo công nghệ hình ảnh truyền thống là 2D. Nếu có (thật sự là đã có những phiên bản 3D, nhưng chỉ để trình diễn về công nghệ hơn là giá trị thương mại) cũng cần có thời gian hàng chục năm nữa mới trở thành hàng hóa đại trà.
Dù cố gắng quảng bá, nhưng cho đến nay, trong các nhà sản xuất tivi 3D chỉ có Samsung là đưa ra nhiều mẫu mã. Còn các hãng khác, ngay cả Sony, cũng chỉ nói, chưa thấy sản phẩm của họ xuất hiện. Dễ nhận ra rằng, họ chưa tin vào sản phẩm của mình có thể tồn tại và phát triển tại thị trường toàn cầu, nói gì đến thị trường Việt Nam. LG ra mắt những chiếc tivi 3D khá ấn tượng, nhưng cho đến nay, tìm được chiếc tivi 3D của LG không phải là dễ.
“Sân si” với nhóm hàng tivi 3D là TCL. Đầu năm 2010, hãng điện tử khá hùng mạnh của Trung Quốc “nhanh nhẩu” giới thiệu chiếc tivi 3D kích thước 42 inch không cần đeo kính. “Bí mật” của chiếc tivi 3D này là nhờ nhà sản xuất đã tích hợp vào phía trước TV một lớp kính lọc phân cực tương tự như khi ta đeo kính 3D, tạo cho mắt trái và phải những điểm ảnh riêng biệt.
Bà con rần rần kéo nhau đi xem. Rõ ràng, so với những chiếc tivi 3D có đeo kính mới xem hình 3D thì công nghệ 3D của TCL có sức thuyết phục cao hơn. Nhưng chỉ cần nghe đến giá, người giàu chân chính cũng đã “ngất xỉu” – 300 triệu đồng, huống gì dân lao động tầm trung với thu nhập khoảng chừng 10 triệu đồng/tháng! Nhưng cho dù có bỏ số tiền “khủng” như vậy, gần 1 năm rồi vẫn chưa thấy ở đâu có bán chiếc tivi 3D này. Không diễn là gì!
Panasonic, Philips, Hitachi,… “nghe nói” cũng đã có tivi 3D trên thị trường, nhưng cũng chỉ là nghe nhiều hơn là tìm thấy hàng. Thỉnh thoảng mới có hàng trưng bày, nhưng cũng chỉ vài chiếc gọi là. Một nhà bán lẻ hàng điện máy vào diện lớn tại TP.HCM chia sẻ: “Mặt hàng đó có giá cao như vậy nên không dám nhập về nhiều. Bán hết mới dám lấy hàng. Cũng có ngày bán được một vài chiếc, nhưng vài tháng mới có người mua. Cần hàng thì đặt, chúng tôi mới dám lấy hàng về”.
Sau những ngày hồ hỡi khi xem phim 3D, thị trường và cả giới truyền thông dường như không còn xúc cảm về thị trường tivi 3D. Các hãng sản xuất cũng vắng bóng trên thị trường từ dạo “giới thiệu sản phẩm”. Cũng dễ hiểu, công nghệ hình ảnh 3D là công nghệ của tương lai. Còn tương lai là bao giờ thì chẳng ai có thể nói được vì nó là bài toán chiến lược của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhà sản xuất có quyền năng tạo ra xu hướng tiêu dùng của cộng đồng bằng chính sản phẩm của mình. Có thể vào lúc này họ chưa tự tin vào quyền năng đó. Còn người tiêu dùng, có quyền chọn sản phẩm để sở hữu, hưởng thụ, nhưng không có sản phẩm để họ phát huy cái quyền đó thì làm sao tạo nên thị trường. Thật là nan giải!
Có thể khẳng định rằng, trong vài chục năm nữa, tại thị trường Việt Nam, sản phẩm và công nghệ 3D chưa thể thay thế hoàn toàn cho công nghệ hình ảnh 2D. Xét về giá trị nào đó, 3D chỉ thêm “hương sắc” cho công nghệ 2D. Nếu cố gắng lắm, 3D sẽ cùng tiến với 2D, nhưng cũng cách 2D vài chục bước chân. Chưa thể gọi là song hành được.
Người Quan Sát