Vàng lên giá, Đô la Mỹ cũng lên giá theo Tất yếu sẽ kéo theo giá những mặt hàng nhập khẩu sẽ lên giá. Nhóm hàng công nghệ số – điện tử đang có mặt tại thị trường Việt Nam gần như nhập khẩu tuyệt đối sẽ không nằm ngoài những biến động của hai đơn vị thanh toán quan trọng hiện nay trên toàn cầu. Sức mua đang yếu, Giá cả tăng Đã làm chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang trên đường phá sản.

" />
Thứ Năm ngày 12 tháng 9 năm 2024

Tech MediaOnline

Lấm lét với vàng, hàng điện máy công nghệ thông tin cuối năm khốn khó

November 05
00:00 2010

Vàng tăng – đô la tăng…
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng điện máy, công nghệ thông tin… trong tuần qua bỗng dưng trở nên thẫn thờ khi nhìn giá vàng trên thị trường tăng từng ngày. Không chỉ vì nó tác động đến giá cả mặt hàng mà họ đang kinh doanh mà còn nhìn tiếc nuối món lợi nhuận trôi qua trước mặt. Phần lợi nhuận đó, nếu áp vào mặt hàng mà họ đang kinh doanh là sự vất vả, nghĩ lắm trò nhiều chiêu mới đạt được. Một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng điện máy nửa đùa nửa thật: “Trong thời buổi kinh doanh ế ẩm như hiện nay, để có được lợi nhuận 5%/tuần là một điều không tưởng. Vậy mà vàng đã làm được điều đó trong tuần qua. Nói thật, nếu biết vậy, chấp nhận vắng khách để dành số tiền gần 2 tỷ đồng (vừa nhập hàng) đi buôn vàng còn ngon ăn hơn”. Một chuyên gia về hàng điện tử tính toán, nếu doanh nghiệp ngành điện tử làm ăn thuận lợi, lợi nhuận sau thuế/năm có thể đạt được 15%. “Nhưng đó là lý thuyết, trên thực tế với ngành điện tử hiện nay, lợi nhuận sau khi trừ tất cả chi phí, còn lại 10% đã được xem là thành công”, chuyên gia này nói thêm. Bà T., giám đốc một hệ thống bán lẻ hàng kỹ thuật số không tiết lộ lợi nhuận nhưng cho rằng, với mức tăng của vàng trong tuần qua sẽ làm các doanh nghiệp bán lẻ hàng kỹ thuật số như bà không khỏi “lấm lét” trước mức lợi nhuận từ vàng.
Ngày 20-2-2010, giá vàng tại thị trường Việt Nam là 26,77 triệu đồng/lượng. Chiều ngày 26-9-2010, giá vàng là 30,52 triệu đồng. 10 giờ sáng ngày 16-10-2010, giá vàng trong nước đã tăng lên 33,15 triệu đồng/lượng. “Từ hàng chục năm nay, vàng liên tục tăng. Ai cũng biết điều đó, nhưng để có quyết định kinh doanh món hàng này hay không lại là câu chuyện khác. Có thể các chủ cửa hàng nhỏ lẻ dễ dàng xoay xở chuyển hướng kinh doanh, nhưng những hệ thống lớn, khó bỏ lĩnh vực mình đang kinh doanh để chuyển sang một mặt hàng mà mình hoàn toàn không hề làm chủ hoặc ít nhất là tham gia điều tiết thị trường”, bà Hoàng Ngọc Vy, Giám đốc hệ thống bán lẻ Viễn Thông A chia sẻ ý kiến.
Ông Lê Văn Chính, cố vấn của công ty Soncamedia cho rằng, mỗi ngành kinh doanh đều có lý lẽ riêng để bảo vệ mình, vấn đề quan trọng nhất là sự lựa chọn của từng doanh nghiệp theo chiến lược kinh doanh cũng như chấp nhận thực tế thị trường có lúc lãi, có lúc lỗ. Theo ông Chính, dù có mức lợi nhuận cao, nhưng mặt hàng vàng là ngành kinh doanh quá mạo hiểm. “Mặt hàng điện tử không còn lợi nhuận cao, nhưng nếu biết cách quản trị, tư duy chiến lược sản phẩm tốt cũng có thể sống được. Đã có thời, nhiều người gom góp vàng để mua cổ phiếu vì nghĩ lợi nhuận cao. Nay cổ phiếu xuống mới ngồi khóc. Tôi nghĩ kinh doanh vàng cũng vậy. Đừng thấy lợi nhuận trước mắt…”, ông Chính nói.
Sáng 16-10-2010, dù không tăng mạnh như những tuần trước đó, nhưng tỷ giá đô la Mỹ so với tiền đồng đã lên mức 19.850đ/USD. Tuy chưa đạt mức kỷ lục so với tháng 10-2009, nhưng với các nhà nhập khẩu hàng điện tử, tỷ giá này không dễ chịu trong tình hình thị trường trong nước với nhóm hàng điện tử, CNTT đang rơi vài kỳ thấp điểm nhất trong 5 năm qua.

Ế và… ế!
Khi thị trường hàng điện máy, CNTT từ tháng 6 cho đến tháng 8 ế ẩm, nhiều nhà nhập khẩu (kiêm luôn chức năng phân phối) và nhà bán lẻ tin rằng, từ giữa tháng 9 trở đi, thị trường sẽ được phục hồi, tạo đà cho mùa mua sắm cuối năm. Nhưng trên thực tế, diễn tiến lại khác, nếu không muốn nói là tình hình thị trường ngày càng yếu, không như mong đợi của nhà bán lẻ và phân phối!
Giám đốc kinh doanh của một siêu thị điện máy lớn tại Q.7 (TP.HCM) tiết lộ: Tình hình kinh doanh của các siêu thị điện máy đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Theo vị giám đốc này, sức mua hiện nay đang yếu vì những biến động của vàng và đô la đã tác động đến tâm lý của người dân. “Thay vì bán vàng để mua hàng thì người dân đang nghe ngóng. Nếu như chưa thực sự cần thiết sử dụng, họ chỉ mua khi nào cân đối giá vàng và giá hàng hóa có lợi nhất cho họ. Mặt khác, không ít khách hàng chờ giá hàng hóa xuống mức thấp nhất có thể và những chương trình khuyến mãi cuối năm hấp dẫn hơn. Còn theo ông Hùng, Phó giám đốc Kinh doanh của Wonder Buy, với tình hình kinh doanh hiện nay, nhóm hàng có giá dưới 10 triệu đồng, nếu khéo xoay xở thì hòa vốn hoặc lãi rất thấp, nhưng chủ yếu là lỗ! “Hiện nay, tình trạng ế đều ở các nhóm hàng nên nhà bán lẻ hàng điện máy đang gặp khó. Chỉ còn hy vọng vào dịp mua sắm cuối năm”, ông Hùng hy vọng như vậy. Siêu thị Nguyễn Kim trong thời gian qua vẫn đông khách, nhưng chủ yếu là khách xem, còn mua hàng chỉ tập trung vào nhóm hàng của thương hiệu nào đang có chương trình “tuần lễ vàng” đang được tổ chức tại đây. Dù vậy, theo quan sát, sức mua vẫn yếu nhiều so với thời gian cùng kỳ các năm trước.
Giám đốc tiếp thị của một hãng máy tính (đề nghị không nêu tên) cho biết: theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường GfK, tỷ lệ tăng trưởng của máy tính xách tay trong năm 2010 sẽ tăng khoảng 30 – 40% đã làm các nhà nhập khẩu phấn khởi nên lên kế hoạch nhập khẩu nhiều hơn. Hậu quả là hàng nhập nhiều, nhưng không có người mua, các nhà nhập khẩu đã chống cự bằng cách hạ giá để đẩy hàng đi nhanh hơn!
Dù không rơi vào tình trạng “bi kịch” như nhóm hàng điện máy, ở nhóm hàng điện thoại di động vẫn chưa đạt được mức lợi nhuận thấp nhất. Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc Kinh doanh của Thế giới Di động, cho biết, hiện nay sức mua đã tăng, nhưng chỉ tăng về số lượng, còn doanh thu vẫn chưa thấy “tín hiệu màu xanh”. Giá bình quân của một chiếc điện thoại hiện nay đã giảm 5% trong khi đó, sức mua cũng tăng ước chừng 5% so với quý trước. Tuy bán được nhiều hàng có lãi nhưng mức lãi rất thấp”.

Cuối năm sẽ thiếu hàng?
Hàng tồn còn nhiều (các nhà bán lẻ đang lên chương trình bán hàng tồn kho theo hình thức giảm giá), sức mua ngày càng giảm,… Theo tìm hiểu của Siêu Thị Số, các nhà nhập khẩu đang giảm lượng hàng nhập cho kế hoạch bán hàng cuối năm. Một nhà nhập khẩu máy tính than thở: “Trong kế hoạch nhập hàng cuối năm, thà chịu lãi ít, thưởng ít (trên nguyên tắc nhập nhiều hàng sẽ được hãng sản xuất thưởng – PV), nhưng chỉ nhập vừa đủ theo khảo sát của nhà bán lẻ. Năm vừa rồi ôm hàng tồn nhiều qu
á”. Không tiết lộ số lượng hàng tồn và lượng hàng dự kiến nhập bằng con số cụ thể, nhưng theo nhà nhập khẩu D., đang yêu cầu các bộ phận lên kế hoạch kinh doanh lượng hàng nhập khẩu bằng 70% so với năm ngoái.
Các nhà bán lẻ cũng “rút kinh nghiệm” bằng cách lấy hàng theo kiểu “nhỏ giọt”: lấy mỗi loại sản phẩm vài chiếc, nhiều nhất là chục chiếc, bán hết mới nhập tiếp. “Vì khó khăn do hàng tồn nên chính sách công nợ của nhà sản xuất (có văn phòng đại diện tại Việt Nam) và nhà nhập khẩu đang siết lại. Thay vì 20 ngày hoặc thậm chí là 30 ngày như trước đây, bây giờ chỉ còn 15 ngày. Thậm chí có nhà nhập khẩu, nhà sản xuất yêu cầu trả tiền ngay khi lấy hàng. Tình hình đang khó khăn nên họ mới buộc mình như thế”, đại diện một siêu thị điện máy nói như vậy. Ông Đ., giám đốc kinh doanh của một nhà nhập khẩu đã xác nhận ý kiến của nhà bán lẻ nêu trên là chính xác.
Các chuyên gia thị trường đánh giá rằng, việc giảm nhập khẩu để “an toàn” là thái độ khôn ngoan trong kinh doanh khi sức mua yếu. Cộng vào đó, việc giá vàng tăng, tỷ giá đô la tăng sẽ làm nhiều nhà bán lẻ nhỏ “lơ là thị trường” để chuyển đầu tư sang các nhóm hàng khác như vàng, nhà đất,… Những yếu tố đó sẽ làm thị trường điện máy, CNTT thiếu hàng. Thiếu hàng thì giá sẽ tăng. Đó là quy luật. Một chuyên gia lo ngại: “Đây có thể là lúc để các nhà bán lẻ mạnh vốn sẽ tung tiền để đầu cơ hàng hóa. Họ sẽ mua đứt hàng hóa theo lô để độc quyền”.
Khi thị trường yếu, người dùng sẽ được mua hàng với giá rẻ, nhưng bên cạnh đó cũng bao hàm những bất trắc, rủi ro,…

Quan Sát Viên