Gia đình CPU Core của Intel đã được gần 5 tuổi. Khởi đầu từ Core Solo và Core Duo (tên mã Yanah) cho máy tính xách tay hồi tháng 1-2006 và Core 2 (tên mã Conroe) cho máy tính để bàn hồi tháng 8-2006, thế hệ đầu tiên của CPU Intel Core đã trải qua nhiều đời với 2 công nghệ sản xuất 65nm và 45nm, từ 2 nhân (Duo) cho tới 4 nhân (Quad) và phiên bản Extreme. Nhưng CPU Intel chỉ hoàn toàn lột xác mới hẳn với họ Core i, bắt đầu bằng Core i7 (tên mã Bloomfield) ra đời tháng 11-2008 với 4 nhân rồi sau đó là Core i5 rồi Core i3, gồm 2 nhân, 4 nhân và 6 nhân với hai công nghệ sản xuất 45nm và 32nm.

" />
Thứ Năm ngày 12 tháng 9 năm 2024

Tech MediaOnline

IDF 2010 – SAN FRANCISCO: CPU Core thế hệ thứ 2 của Intel

November 05
00:00 2010

Điểm đặc biệt làm nên sức mạnh và sự khác biệt cho các CPU Intel họ Core i là chúng được tích hợp vào ngay trên die của CPU (thay vì nằm trên chipset) bộ điều khiển bộ nhớ (IMC), rồi tiếp đó là vi xử lý đồ họa GPU. Bên cạnh đó, chúng có bộ nhớ đệm L3 Cache (sau này gọi là Intel Smart Cache) dùng chung cho tất cả các nhân.


Có thể nói, họ Core i là bước trung chuyển và chuẩn bị cho gia đình CPU Intel Core phát triển tới thế hệ thứ 2. Đó là họ CPU có tên mã Sandy Bridge mà Intel đã chính thức giới thiệu tại Diễn đàn Nhà phát triển Intel IDF ở San Francisco hồi trung tuần tháng 9-2010.
Được trang bị tất cả các công nghệ – tương tác không giới hạn với các thiết bị điện toán xung quanh – hiệu suất hoạt động cao, CPU Intel Core thế hệ thứ 2 được xây dựng trên một kiến trúc cân bằng giúp bố trí tài nguyên ở bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào khi cần, mang lại hiệu suất hoạt động thông minh cũng như một trải nghiệm hình ảnh không giới hạn và thật hấp dẫn.
Các chi tiết kỹ thuật của kiến trúc Intel Core thế hệ thứ 2 này được các chuyên gia của Intel mô tả như sau:
+ Vi kiến trúc mới trên công nghệ xử lý 32nm: CPU Sandy Bridge có vi kiến trúc mới đầu tiên của Intel sử dụng công nghệ xử lý 32nm tiên tiến với các bóng bán dẫn cổng kim loại Hi-K thế hệ thứ 2. Nhờ đó, nó có hiệu suất hoạt động cao hơn, nhưng có mức tiêu thụ điện năng thấp hơn.
+ Thế hệ tiếp theo của công nghệ tăng tốc Intel Turbo Boost: Công nghệ tăng tốc tự động Intel Turbo Boost có trong hai dòng Core i7 và Core i5 thế hệ 2 này được nâng cao khả năng thích ứng bằng cách đa dạng hóa xung nhịp turbo để tối đa hóa hiệu suất hoạt động hay tiết kiệm điện năng tương ứng với các loại tập lệnh khác nhau. Ngoài ra, một thuật toán trung bình hóa điện năng mới sẽ quản lý khả năng mở rộng về điện năng và nhiệt độ để tối ưu hóa hiệu suất hoạt động.


+ Các nhân xử lý được cải tiến với kết nối mạch vòng (Ring Interconnect) đột phá: Vi kiến trúc của CPU Intel Core thế hệ thứ 2 được trang bị những nhân xử lý cải tiến có khả năng kết nối tốt hơn với công nghệ kết nối mạch vòng nhằm cung cấp băng thông dữ liệu cao hơn, hiệu suất hoạt động và khả năng tiết kiệm điện năng tốt hơn. Kết nối mạch vòng là một hệ thống ngay trên đế có cấu trúc mô-đun, độ trễ thấp, băng thông cao để kết nối giữa các thành phần của bộ vi xử lý (gồm các nhân xử lý được cải tiến, nhân đồ họa tích hợp và các thành phần tích hợp khác như hệ thống điều khiển bộ nhớ và hiển thị) nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động.
+ Đồ họa tích hợp đầu tiên trong ngành công nghiệp với ống lệnh thực thi (Execution Pipeline) mới: Những đột phá trong kiến trúc đồ họa của CPU Intel Core thế hệ thứ 2 nâng cao mạnh mẽ hiệu suất hoạt động và mang đến nhiều tính năng thú vị mới – tất cả đều trên công nghệ xử lý 32nm tiên tiến của Intel. Các chip đồ họa tích hợp trong bộ vi xử lý mới của Intel cung cấp các tính năng xử lý hình ảnh nâng cao, tập trung vào những lĩnh vực mà hầu hết người sử dụng máy tính ngày nay đang dùng như: video độ phân giải cao HD, hình ảnh 3D, chơi game phổ thông, xử lý đa tác vụ và các ứng dụng đa phương tiện và mạng xã hội trực tuyến. Vi kiến trúc mới này chia sẻ các tài nguyên giữa các nhân xử lý và các kiến trúc đồ họa nhằm mang lại hiệu suất hoạt động tối ưu đồng thời tiết kiệm điện năng.
+ Các mở rộng véc-tơ tiên tiến Intel Advanced Vector Extensions (AVX): AVX cung cấp hiệu suất hoạt động cao hơn, chức năng phong phú hơn và khả năng quản lý, tái phân bổ và sắp xếp dữ liệu tốt hơn. Một tập lệnh 256-bit mới tăng tốc độ xử lý của các ứng dụng chuyên về xử lý dấu chấm động (floating point) như chỉnh sửa ảnh và sáng tạo các nội dung số.


Trong thế giới số ngày càng đầy ắp các ứng dụng và xu hướng multimedia hiện nay, khả năng xử lý đồ họa của máy tính rất được quan tâm. Trước nay người ta vẫn có định kiến với các giải pháp đồ họa tích hợp (thường được gọi là onboard). Mặc dù cho tới hai dòng Core i5 và Core i3, Intel đã tạo được một cuộc cách mạng khi tích hợp GPU vào ngay die vi xử lý, nhưng sức mạnh đồ họa tích hợp này vẫn còn thua xa các GPU rời. Bây giờ, sang CPU Intel Core thế hệ thứ 2, Intel sẽ cố gắng giải quyết một bước đáng kể sự bất cập này. Ông Paul Otellini, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Intel, đã nói tại IDF 2010 rằng: CPU Intel Core thế hệ thứ 2 sẽ cho phép người sử dụng máy tính trải nghiệm một số điều mà trước đây họ không thể thực hiện được, trừ khi họ sử dụng một chiếc máy tính để bàn cao cấp với card đồ họa rời. Năng lực của tập lệnh AVX mới trên họ CPU sắp ra mắt sẽ tăng tốc độ dò theo những chuyển động video được trình chiếu. Các nhà phát triển sẽ có thể khai thác ưu thế của những lệnh mới này để tăng tốc độ dò theo những chuyển động và nhận dạng khuôn mặt, xử lý hình ảnh, video và âm thanh, cũng như mô phỏng điện toán và phân tích. Thậm chí họ CPU Core mới cũng sẽ có một phần cứng chuyên biệt để xử lý những thay đổi về định dạng video.
Với CPU Intel Core thế hệ thứ 2, đồ họa tích hợp đã đạt được sức mạnh đột phá. Tại IDF 2007, người ta dự báo sức mạnh đồ họa tích hợp sẽ tăng lên 10x vào năm 2010, nhưng thực tế hiện nay Intel đã đẩy mức gia tăng này lên tới 25x.
CPU Intel Core thế hệ thứ 2 chuyển từ vi kiến trúc có đóng gói đa chip sang đóng gói 1 chip. Nó sẽ có logo mới thể hiện rõ sức mạnh đồ họa của mình với giải pháp điện toán hình ảnh thông minh (Visibly Smart).

PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Từ IDF 2010 San Francisco)