Diễn đàn Nhà phát triển Intel (Intel Developer Forum – IDF) hàng năm luôn là một sự kiện được giới công nghệ toàn cầu quan tâm đặc biệt. Bởi đây là lúc Intel, nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất hành tinh, công bố các công nghệ và sản phẩm mới, đồng thời đưa ra lộ trình cho những phát triển sắp tới. Với vai trò quá lớn và mang tính chi phối của Intel trong thế giới công nghệ, IDF trở thành một bước mở đầu cho một năm công nghệ mới. Nhân dịp này, các đối tác của Intel cũng trình làng các sản phẩm mới dựa trên nền tảng và công nghệ mới của Intel, nhiều sản phẩm được tung ra thị trường ngay sau đó.

" />
Thứ Năm ngày 12 tháng 9 năm 2024

Tech MediaOnline

IDF 2010: Thời CPU nhảy ra khỏi thùng máy tính

October 20
00:00 2010

Chủ đề xuyên suốt của IDF lần này tại San Francisco (Mỹ) từ ngày 13 tới 15-9-2010 là thời của CPU nhảy ra khỏi thùng máy tính. Những con chip Intel sẽ có mặt khắp nơi, trong nhiều loại thiết bị phi máy tính, từ những chiếc điện thoại di động tới những cỗ máy công nghiệp, từ hệ thống giám sát trong ngôi nhà thông minh tới những thiết bị điều khiển trên chiếc ôtô hiện đại.
Và trọng trách có mặt mọi lúc, mọi nơi (anytime, anywhere) này được Intel giao phó cho nền tảng vi xử lý “sinh sau đẻ muộn” Intel Atom với thế hệ mới mạnh hơn, nhiều tính năng hơn và nhỏ hơn.


Công nghệ mới Intel Wireless Dislay (WiDi) cho phép máy tính kết nối với tivi bằng công nghệ không dây.

Khu giới thiệu thế hệ tivi thông minh Smart TV dựa trên tính năng của chip Intel Atom.

Ngay đối diện Trung tâm Hội nghị Moscone, nơi diễn ra IDF 2010, Intel đã mở một showcase cho các khách dự IDF được trực tiếp trải nghiệm kho ứng dụng trực tuyến Intel AppUp vừa khai trương.



Vào ngày cuối của IDF 2010, tại Trung tâm Báo chí IDF, các nhà báo đã bất ngờ trở thành những người bị phỏng vấn. Một nhóm học sinh được trang bị những chiếc máy tính mini ClassmatePC đã đặt nhiều câu hỏi với các nhà báo công nghệ về triển vọng của công nghệ.



Tại gian trình diễn của phòng thí nghiệm Intel Labs, người ta có thể tận mắt chứng kiến một số công nghệ và ứng dụng mà các chuyên gia của Intel đang nghiên cứu và phát triển.



Các dòng vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 2 (tên mã Sandy Bridge) được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới cho máy tính.

Bất kể tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, số lượng máy tính trên thế giới vẫn đang tăng trưởng cấp kỳ. Theo dự báo của hãng Gartner, lượng máy tính xuất xưởng trên thế giới từ năm 2009 bắt đầu tăng vọt. Năm 2010 sẽ đạt gần 350 triệu chiếc, nghĩa là mỗi ngày có thêm 1 triệu chiếc máy tính. Năm 2012 sẽ đạt mức 500 triệu chiếc. Hiện nay, trên thế giới có hơn 1 tỷ chiếc máy tính và sẽ vượt qua ngưỡng 2 tỷ chiếc vào đầu năm 2014. Tiềm năng người dùng vẫn còn tới hàng tỷ.
Khai mạc IDF 2010, ông Paul Otellini, Tổng giám đốc Intel, đã đưa ra tầm nhìn hiện nay của hãng này bao trùm “continuum of personal computing experiences” (sự liên tục của những trải nghiệm điện toán cá nhân) với 3 họ chip: Intel Xeon (cho máy chủ, máy trạm); Intel Core (desktop, laptop) và Intel Atom (Netbook, các thiết bị cá nhân, smartphone, TV thông minh và các thiết bị nhúng). Ông cho biết: “Tầm nhìn của chúng tôi là tạo ra một sự liên tục về trải nghiệm điện toán cá nhân vốn sẽ mang lại sự nhất quán và tương kết trên tất cả các thiết bị kết nối Internet tại gia đình, trên xe hơi, tại văn phòng hay ngay trong chiếc túi của bạn”. Nhà lãnh đạo Intel nhấn mạnh: “Trái tim của tính liên tục này sẽ là công nghệ của Intel vốn sẽ giúp các thiết bị trở nên thông minh hơn, mạnh mẽ hơn và hữu ích hơn”.
Và để có thể hiện thực hóa tầm nhìn này, Intel đang thay đổi phương thức phát triển và cung cấp các giải pháp. Các giải pháp điện toán của Intel ngày nay mang tính toàn diện, không chỉ có silicon (chip) và các nền tảng (platform) mà còn bao gồm cả phần mềm và các dịch vụ. Riêng về hai giải pháp mới này, trong những năm gần đây, Intel đã tiến hành những dự án đầu tư vượt ra ngoài lĩnh vực máy tính nhằm giúp Intel mở rộng các khả năng của mình. Trong năm vừa qua, Intel đã đầu tư gần 10 tỷ USD trong các thương vụ mua lại các công ty khác – bắt đầu từ việc mua lại Công ty Wind River chuyên thiết kế các hệ điều hành cho xe ôtô, điện thoại di động và nhiều loại máy công nghiệp. Tổng giám đốc Otellini cho biết các vụ mua lại bộ phận Giải pháp Không dây của Infineon và hãng bảo mật McAfee được công bố gần đây sẽ nâng cao năng lực của Intel trong việc cung cấp các lựa chọn kết nối không dây, và hiệu quả hơn trong việc chống lại những vụ tấn công bảo mật đang ngày càng tinh vi trên một loạt những thiết bị kết nối Internet. Kế hoạch mua lại bộ phận kinh doanh modem cáp của Texas Instruments sẽ bổ sung khả năng cho Intel trong việc cung cấp các dịch vụ Internet tới các thiết bị điện tử tiêu dùng. Việc có mặt của các thương hiệu này trong khu vực showcase của IDF 2010 cũng như việc chính thức khai trương kho ứng dụng phần mềm trực tuyến Intel AppUp đã minh chứng cho sự chuyển hướng mang tính đột phá này của Intel.
Intel phát triển toàn diện dựa trên 3 cột trụ điện toán là sức mạnh (giờ đây chú trọng tới hiệu suất điện năng), sự bảo mật và sự kết nối Internet.
Về sức mạnh tính toán của các bộ vi xử lý, Intel cho tới nay vẫn phát triển theo Định luật Moore, do nhà đồng sáng lập Intel là Gordon E. Moore đưa ra hồi năm 1965: số lượng transistor có thể tích hợp trên một con chip IC sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 2 năm. Số lượng transistor càng nhiều có nghĩa là con chip càng có thêm nhiều tệp lệnh, mạnh hơn và có nhiều tính năng hơn. Các công nghệ sản xuất chip của Intel vẫn phát triển thep nhịp điệu Tick-Tock với chu kỳ 2 năm một lần, từ 65nm tới 45nm, hiện nay là 32nm và sắp tới (năm 2011) là 22nm không chỉ giúp tăng số lượng transistor trên miếng silicon và thu nhỏ kích thước con chip, mà còn được kết hợp với công nghệ bóng bán dẫn cổng kim loại high-k độc đáo của Intel để đạt được một “tỷ lệ vàng”: mức rò rỉ điện của transistor ngày càng thấp hơn (bình quân giảm 10 lần sau mỗi thế hệ, nếu lấy mốc của 65nm là 1x thì 45nm là 0,1x, 32nm còn 0,01x rồi 22nm chỉ còn 0,001x); trong khi sức mạnh của transistor ngày càng cao hơn. Có nghĩa là các bộ vi xử lý của Intel sẽ ngày càng có năng lực cao hơn và tiết kiệm điện năng hơn.
Điện toán đồ họa (visual computing), điện toán thông minh (smart computing) và kết nối Internet là 3 đặc trưng của các nền tảng điện toán mà Intel đang phát triển cho các bộ vi xử lý năm 2011 của mình. Từ 3 đặc trưng này mà đã có một loạt những thuật ngữ mới xuất hiện và được lặp đi, lặp lại tại IDF 2010. Công nghệ hiển thị không dây Intel Wireless Display (WiDi) là một tên gọi mới và một logo nhận
diện mới. Nó cho phép máy tính kết nối với tivi không cần qua dây cáp. Smart TV là thế hệ tivi thông minh không chỉ đơn giản có tính năng kết nối Internet mà là cung cấp cho người dùng một trải nghiệm Internet thật sự với tính tương tác cao, kết hợp với các dịch vụ nội dung trên Internet. Visibly Smart (tạm dịch là: hình ảnh thông minh) được kết hợp giữa khả năng thông minh và trải nghiệm hình ảnh của bộ vi xử lý. Đây là đặc trưng của vi kiến trúc đồ họa mới của Intel được tích hợp trong thế hệ vi xử lý mới có tên mã Sandy Bridge. Intel cho biết, sức mạnh của đồ họa tích hợp hiện nay đã tăng vọt hơn dự đoán. Tại IDF 2007, người ta dự kiến sức mạnh này sẽ là 10X vào năm 2010 với công nghệ sản xuất 32nm (so với 6X ở 45nm và 2X ở 65nm). Nhưng thực tế, hiện nay nó đã được đẩy lên tới 25X.
Những bộ vi xử lý Intel sẽ mang lại cho người dùng (cả PC lẫn phi PC) những trải nghiệm mới về hình ảnh và Internet trên những thiết bị thông minh. Tại IDF 2010, dựa vào các số liệu dự báo của IDC, Intel đã đưa ra tầm nhìn (và cũng là mục tiêu phát triển của mình) về một thế giới điện toán vào năm 2020 với 50.000 tỷ GB dữ liệu, 2.000 tỷ giao dịch tài chính, 31 tỷ thiết bị được kết nối, 4 tỷ người được kết nối và 25 triệu ứng dụng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Tại IDF 2010 SanFrancisco)