Những chuyện "đau đầu" với chiếc tivi 3D!
Chưa cần nói đến tính năng, chỉ nhắc tới giá, từ chiếc có kích thước nhỏ nhất là 40 inch, cũng đủ hiểu rằng, đây là nhóm sản phẩm dành cho người giàu. Hiện nay trên thị trường, chiếc tivi 3D có kích thước nhỏ nhất là 40 inch (model 9704) của Philips có giá tới 59 triệu đồng. Còn model có giá thấp nhất lại thuộc về Samsung 46C5000QR khi được báo giá là 34,9 triệu đồng cho dù kích thước của nó lên tới 46 inch. Những model còn lại có giá từ 50 triệu đồng trở lên cho đến 99,99 triệu đồng như model Samsung 60C8000. Đó là giá đã được “kèn cựa” nhau trên thị trường khi có nhiều hãng cùng khai thác nhóm sản phẩm này.
Không phủ nhận những tính năng vượt trội của nhóm tivi 3D so với các dòng tivi khác. Tùy theo chiến lược của mỗi nhà sản xuất mà dòng tivi 3D của hãng đó sẽ có thiết kế khác nhau. Samsung là hãng sản xuất xây dựng 3D trên các loại công nghệ sản xuất màn hình, từ LCD, plasma cho đến LED. LG chỉ tập trung vào hai loại màn hình LCD và LED. Còn Panasonic với thế mạnh về công nghệ plasma đã chọn công nghệ màn hình này để thiết kế tivi 3D. Sony dựa trên công nghệ màn hình LCD. Philips dựa trên công nghệ màn hình LED. Tùy theo công nghệ màn hình mà giá thành của từng model ngay trong một hãng cũng có khác biệt đáng kể.
Còn về cấu hình, những dòng tivi 3D được tích hợp nhiều công nghệ hơn. Những chiếc tivi 3D có tần số quét hình cao hơn các dòng tivi 2D (vốn phổ biến là 50Hz và cao cấp là 100Hz). Các model tivi 3D của Samsung và Philips dùng tần số quét hình 200Hz. Sony dùng tần số quét hình 240Hz. Số lượng cổng USB, HDMI cũng nhiều hơn: ít nhất là 2 cổng USB, 4 cổng HDMI. Hầu hết những chiếc tivi 3D hiện nay có cổng và phần mềm hỗ trợ kết nối Internet. Một trong những điểm đặc biệt của chiếc tivi 3D là hỗ trợ chuyển đổi hình ảnh từ công nghệ 2D (phim DVD, VCD, hình ảnh kỹ thuật số, chương trình truyền hình) sang 3D bằng một nút bấm với thời gian chuyển đổi khoảng 3- 5 giây. Tivi 3D của Samsung thực hiện rất tốt việc chuyển đổi này nhờ được trang bị chip xử lý mạnh mẽ. Cũng cần nói thêm, chất lượng hiển thị hình ảnh của các dòng tivi 3D đều đạt chuẩn Full HD.
Công nghệ và chức năng của chiếc tivi 3D có thể xem là hoàn hảo, cho đến thời điểm này. Nhưng với người sử dụng, còn quá nhiều vướng mắc khi sử dụng chiếc tivi 3D.
Dù dễ dàng chuyển hình ảnh từ 2D sang 3D bằng một nút bấm, nhưng hình ảnh được “convert” (chuyển đổi) sẽ không bằng hình ảnh gốc 3D vì còn phụ thuộc vào nhiều tiêu chí: chất lượng hình ảnh của nguồn phát (nếu dùng hình ảnh từ đĩa) và tín hiệu đường truyền (nếu đang xem các chương trình truyền hình). Trong trường hợp chất lượng từ nguồn phát quá xấu, cộng với tín hiệu đường truyền kém, hình ảnh 3D hiển thị trên chiếc tivi không thể chấp nhận được. Bà Thu, khách hàng ở Quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết, nguồn phim 3D còn quá ít (nếu có cũng đắt) nên gia đình thường sử dụng nút bấm để chuyển đổi hình ảnh từ đầu phát hoặc các chương trình truyền hình để xem hình ảnh 3D, nhưng chất lượng quá tệ. “2D không phải là 2D mà 3D cũng chẳng là 3D. Rất kỳ cục. Có thể về chất lượng, tivi không có vấn đề, nhưng vì nguồn phát của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Việt Nam còn kém (nhất là các kênh phim truyện) nên hình ảnh cũng xấu theo”, bà Thu nhận xét. Vướng mắc này chưa thể giải quyết trong ngày một, ngày hai mà cần có thời gian. Quan sát trên thị trường, nguồn phim 3D hiện nay chỉ vài chục bộ mà chủ yếu là phim hoạt hình dành cho các bé.
Một vấn đề cũng làm người xem tivi 3D khó chịu chính là chiếc kính xem phim 3D. Theo thiết kế, mắt kính 3D của LG được tạo nên từ hai màn trập tinh thể lỏng, có thể ngăn hay cho ánh sáng đi qua, hiệu ứng hình 3D được tạo ra sau quá trình tổng hợp hình ảnh độ phân giải Full HD ở mỗi mắt. Điều khiển hoạt động cho mắt kính màn trập là hệ thống các tín hiệu hồng ngoại tương thích với màn hình TV. Đeo kính với khoảng thời gian 30 phút, nhiều người sẽ bị hiện tượng nhức mắt, chảy nước mắt. “Sau khi bỏ kính, phải mất vài phút mới lấy lại “thăng bằng” cho mắt. Chỉ nên đeo kính trong khoảng 10 phút thôi, tôi nghĩ vậy”, Quang, một sinh viên được xem miễn phí các chương trình quảng bá tivi 3D của các hãng sản xuất tại các siêu thị điện máy, gần nhất là triển lãm máy tính và hàng điện tử năm 2010 vừa được tổ chức giữa tháng 7 tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) có nhận xét như vậy. Một bạn trẻ khác chia sẻ thêm: “Thỉnh thoảng xem hình ảnh 3D trên chiếc tivi 3D thì được, còn xem liên tục chẳng có gì hấp dẫn cả. Rất đau mắt. Có thể mình chưa quen xem hình qua kính”. Giá của chiếc kính xem 3D chẳng rẻ chút nào, rẻ nhất là 100 USD, còn cao lên tới 200 USD, chưa kể tiền mua pin cho kính, khoảng 15.000đ/4 viên. Do hãng nào ưu ái khách hàng lắm cũng chỉ có thể tặng kèm 2 chiếc kính 3D, nên người dùng gia đình không thể không mua thêm cho đủ xài. Ngoài ra, thêm một bất tiện là kính 3D của hãng nào chỉ xem được hình ảnh 3D trên tivi của hãng đó (do khác biệt công nghệ xử lý và tín hiệu hồng ngoại điều chỉnh kính). Vậy là, với tivi 3D, người dùng không chỉ phải bảo quản chiếc remote mà còn phải giữ gìn cả những chiếc kính 3D nữa!
Bao nhiêu chiếc tivi 3D đã đến với người tiêu dùng? Các nhà sản xuất nói rằng dòng sản phẩm này bán chạy lắm, nhưng từ chối cung cấp số lượng hàng bán ra. Chỉ thấy, nhiều căn hộ cao cấp đã có trưng bày chiếc tivi 3D trong phòng khách. Thỉnh thoảng, có khách tới thăm mới bật lên. “Diễn” là chính.
Với giá quá “hớp” như hiện nay, những chiếc tivi 3D không phải là hàng phổ thông mà là hàng của người có thu nhập cực cao. Tất yếu là vậy. Cách đây 5 năm, những chiếc tivi LCD, plasma cũng vậy. Lúc đó những chiếc tivi này chỉ dành cho những ngôi nhà sang trọng. Nhưng có ai ngờ, 5 năm sau, tivi LCD đã phổ biến, giá đã hạ. Có lúc chiếc tivi LCD chỉ còn giá 5 triệu đồng cho model có kích thước 32 inch! Quy luật này sắp tới chắc chắn cũng sẽ xảy ra với tivi LED.
Hy vọng chiếc tivi 3D cũng như vậy. Chờ xem!
Chí Tân