Sự kiện VSTV (liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Canal Plus) độc quyền phát các trận bóng đá của giải ngoại hạng Anh (EPL) vào ngày chủ nhật (tính theo giờ Việt Nam), Tây Ban Nha (La Liga), Ý (Series A) đã làm người mê bóng đá bực mình. Và cũng nhân dịp này, người ta nhìn lại dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam hiện nay. Nhiều người sử dụng các gói dịch vụ truyền hình trả tiền của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cho rằng: gọi là trả tiền mà cách thức mua bán dịch vụ của các nhà cung cấp không khác gì dịch vụ công cộng! Hiểu một cách cụ thể hơn, người sử dụng chưa được quyền chọn lựa những kênh truyền hình mà mình ưa thích, tất nhiên là trả tiền hẳn hoi, thay vì nhà cung cấp có những gói “trộn lẫn” vào nhau trên nguồn nguyên liệu là số lượng kênh nhất định để bán cho khách hàng như hiện nay.

" />
Thứ Năm ngày 12 tháng 12 năm 2024
Thứ Năm ngày 12 tháng 12 năm 2024

Tech MediaOnline

Xu hướng thị trường: Dịch vụ truyền hình theo yêu cầu & trả tiền theo kênh: Chuyện chưa thể của ngày hôm nay…

September 05
00:00 2010

Ông Trần Minh (Q.3, TP.HCM) phân tích: “Tôi đang dùng dịch vụ truyền hình cáp của HTVC (Đài Truyền hình TP.HCM). Trong đó, chỉ xem một số kênh, còn có khá nhiều kênh hầu như chưa bao giờ xem kể từ ngày đăng ký. Vậy tại sao các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số thông qua các phương tiện truyền dẫn cáp, vệ tinh lại không có dịch vụ xem kênh tivi theo yêu cầu hay xem kênh nào trả tiền kênh đó? Lúc đó, xem kênh nào, thời lượng bao nhiêu, tôi sẽ trả tiền kênh đó. Khách hàng sử dụng đơn giản, nhà mạng cũng sướng thân”. Nghe thì đơn giản, nhưng với cách đầu tư hiện nay, cộng vào đó là nguồn vốn hiện có và cả thói quen tiêu dùng, những đề xuất của ông Minh không dễ gì thực hiện trong tình cảnh hiện nay.


Về bản chất kinh doanh, hai hình thức: xem tivi theo yêu cầu (tivi on demand, TVoD) và xem bao nhiêu trả bấy nhiêu (pay-per-view, PPV) không khác nhau nhiều, chỉ khác nhau về cách xem và cách thanh toán dịch vụ cho nhà cung cấp.
Ở Việt Nam, hình thức TVoD đã được các nhà cung cấp dịch vụ Internet như: VNPT, FPT, VTC kinh doanh gần một năm nay với nội dung là những chương trình truyền hình được các nhà cung cấp dịch vụ đánh giá là ăn khách như: thời trang, thể thao, ca nhạc,… Nội dung của gói dịch vụ này sẽ được nhà cung cấp ghi lại, sau đó khách hàng lựa chọn để xem. Hiện nay, TVoD được bán kèm theo gói, tùy theo khách hàng lựa chọn. Hình thức này khá đơn giản về mặt quản lý khách hàng.
Còn hình thức truyền hình PPV, khách hàng cũng phải trả tiền mới xem được kênh truyền hình mà mình yêu thích. Điểm khác biệt của PPV với TVoD là người xem tự chọn kênh theo từng thời điểm để xem. Trên chiếc tivi sẽ có phần mềm quản lý, khai báo các thông số, trong đó có tài khoản. Sau khi kênh mà khách hàng đăng ký được hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ xác nhận, khách hàng sẽ được cung cấp mật mã để mở kênh mà mình đã chọn.
Trên thế giới, từ lâu đã áp dụng hai dịch vụ trên. Tại Việt Nam, chỉ có nhà mạng Internet khai thác dịch vụ TVoD vì có sẵn thiết bị đầu cuối, đường truyền dẫn và phần mềm quản lý tương thích, đồng bộ với nhau. Vì còn quá mới nên các nhà cung cấp dịch vụ TvoD từ chối cung cấp số lượng cụ thể khách hàng sử dụng gói dịch vụ này với lý do khó phân tích số liệu trên hệ thống. Điều này có thể hiểu được, không chỉ vì khó tách số liệu mà còn là bí mật kinh doanh của từng nhà cung cấp.


Nhưng với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp và vệ tinh hiện nay (SCTV, HTVC, VSTV), cả hai gói dịch vụ trên chưa thể triển khai vì nhiều lý do: chi phí đầu tư cao do công nghệ quản lý phức tạp, số lượng khách hàng dùng hai gói cước này chưa nhiều, vì chưa có thói quen sử dụng “ăn miếng nào, trả miếng đó”. Hai yếu tố này đã làm các nhà cung cấp dịch vụ chưa mạnh dạn đầu tư. Theo giám đốc một công ty làm dịch vụ cho nhà cung cấp SCTV cho biết, cách đây hai năm, đã có một nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore khảo sát thị trường và công nghệ để áp dụng hai gói dịch vụ trên, nhưng kết quả cuối cùng là không thể làm được vì có quá nhiều vấn đề cần phải thay đổi. Trước hết, phải thay thế toàn bộ hạ tầng kỹ thuật để tương thích với hình ảnh kỹ thuật số, đầu tư hệ thống quản lý khách hàng. “Tôi chưa rõ hai khâu trên sẽ tốn bao nhiêu tiền, nhưng chắc chắn doanh nghiệp trong nước không thể làm được vì không đủ vốn”, vị giám đốc này tiết lộ. Nhưng cũng nguồn tin từ vị giám đốc này, nếu không có trục trặc về mặt kỹ thuật và nguồn vốn, có thể vào cuối năm, SCTV sẽ có gói dịch vụ truyền hình theo yêu cầu – TvoD dành cho những địa bàn có tỷ lệ người xem cao, nhất là các khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Chưa có thông tin cụ thể mà chỉ biết đại loại, khi khách hàng đăng ký gói này, sẽ được cung cấp phần mềm (có trên thiết bị giải mã tín hiệu) để lựa chọn những chương trình phim, ca nhạc hay các nội dung “đóng gói” đã được nhà cung cấp chuẩn bị sẵn. Gói dịch vụ này chưa thể áp dụng cho tín hiệu truyền hình vốn được nhà đài phát gần như là trực tiếp từ đài truyền hình đến với tivi của người xem.
Dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam là một “bước tiến” trong việc đem lại cho khách hàng thêm một lựa chọn, thay vì chỉ có gói truyền hình công cộng vẫn còn phát trên tín hiệu analog. Dù biết các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam còn yếu kém về kỹ thuật cũng như về nguồn vốn đầu tư, nhưng những đề nghị như ông Minh là hoàn toàn chính đáng. Nếu có được những gói dịch vụ trên, cách tiêu dùng của khách hàng sẽ thay đổi. Nhà cung cấp dịch vụ cần đi trước một bước để định hướng thị trường, khách hàng. Như vậy mới là hợp với quy luật kinh doanh cạnh tranh thời hiện đại.

 

Chí Tân