Nhận diện thị trường: Đưa sách giáo khoa điện tử vào trường học, khó trăm bề!
Sách giáo khoa điện tử là sách giáo khoa đã được số hóa dưới hình thức đĩa CD hoặc tích hợp trong các thiết bị số (có ổ cứng để lưu trữ). Và với sự phát triển của công nghệ và thiết bị đầu cuối, việc sử dụng tài liệu định dạng số là một nhu cầu tất yếu.
Hiện nay, nếu cần học các chương trình do Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định bằng đĩa CD, học sinh không quá khó để tìm khi các cửa hàng bán đĩa đều có sẵn hàng để đáp ứng. Dạo một vòng chợ đĩa Tôn Thất Tùng (TP.HCM), khách sẽ được người bán giới thiệu cho các sản phẩm CD của công ty tin học nhà trường, của nhà xuất bản Giáo dục,… Tuy nhiên, giá của chúng thực chẳng rẻ chút nào, từ 50.000 – 65.000đ/đĩa. Với giá như vậy, các CD này chỉ dành riêng cho những gia đình có điều kiện tài chính để học trò tham khảo thêm bên cạnh sách giáo khoa bằng giấy.
Xét về yếu tố tiện lợi, sách giáo khoa điện tử hơn hẳn sách giáo khoa giấy, vì mỗi bài học đều có giọng đọc kèm theo, học sinh có thể nghe đi, nghe lại đến khi nào nắm vững được nội dung bài. Kèm theo đó, hình ảnh minh họa rõ ràng, dễ hiểu sẽ giúp học sinh hứng thú, tiếp thu bài tốt hơn. Chỉ cần nhấp chuột là có thể truy cập được phần kiến thức cần thiết bất cứ lúc nào, khỏi phải vướng víu và vất vả vì mang vác khối lượng sách giáo khoa đồ sộ trên lưng.
Dù có nhiều ưu điểm, nhưng việc đưa sách giáo khoa điện tử vào trường học chẳng dễ dàng, bởi thay đổi cả một phương pháp dạy và học là điều không đơn giản với giáo viên và học trò. Còn nói rộng hơn là cả hệ thống giáo dục vốn “bảo thủ” với phương pháp dạy và học truyền thống.
Tại TP.HCM – địa phương vốn được xem là ứng dụng CNTT mạnh nhất nước, nhưng chưa hề có chuyển động nào về việc ứng dụng sách giáo khoa điện tử trong trường học, dù đó là những trường mà nghe tên đã biết là có uy tín. Tại một trường tư thục có phong trào thực hiện bài giảng điện tử hiệu quả, từng được công nhận là đơn vị điển hình, lại khá “mù mờ” với khái niệm sách giáo khoa điện tử. Vị hiệu trưởng của trường tỏ ra lúng túng và thừa nhận là chưa nghe Bộ GD&ĐT đề cập đến chuyện đưa sách giáo khoa điện tử vào trường. Còn lãnh đạo một trường THPT cho rằng, dạy và học với sách điện tử “hay thì có hay nhưng chưa phải là bây giờ”. Ông đưa dẫn chứng, dù là một trường học lớn, nhưng trường chưa có điều kiện để trang bị phòng máy vi tính đủ cho chương trình học trên máy tính của học sinh, “phấn trắng bảng đen vẫn là chính”. Một số trường có điều kiện tài chính, trang bị phòng máy tính hiện đại, kết nối mạng nhưng thực tế chưa khai thác triệt để, chưa kể đến “bệnh hình thức”, “bệnh thành tích” của một số vị lãnh đạo nhà trường. Chưa kể giáo viên chỉ vài người trong trường hứng thú với bài giảng điện tử, còn phần nhiều vẫn ở tình trạng “đối phó”. “Giờ bảo dạy và học với sách giáo khoa điện tử, nghĩa là phải gắn chặt với máy vi tính, chuyện này xem ra khó lắm!”, vị hiệu trưởng này nhận xét.
Một vị phụ trách mạng giáo dục của một cổng thông tin trực tuyến cho biết, chúng ta có nhiều cách để đưa sách giáo khoa điện tử vào trường học. “Một trong những cách đó là việc hợp tác giữa các đơn vị có liên quan để cài sẵn sách giáo khoa điện tử vào trong những chiếc máy tính bán cho trường học. Bên cạnh giải pháp phần cứng, phải xây dựng cổng thông tin để giáo viên, học sinh trao đổi, chia sẻ tài liệu học tập, bài tập về nhà,… Lãnh đạo từ bộ tới trường học lẫn giáo viên phải nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả từ việc dạy và học với sách giáo khoa điện tử”, vị phụ trách này đề xuất.
Như vậy có thể nói, sẽ còn rất lâu nữa, học sinh mới có được cơ hội học với giáo trình điện tử. Muốn làm được, cần phải có sự mạnh dạn, quyết tâm và thậm chí là chấp nhận mạo hiểm. Ngay cả những nước phát triển cũng không phải “một sớm một chiều” có thể thay sách giáo khoa giấy sang sách điện tử, mà phải trải qua quá trình kết hợp song song. Họ đã làm được điều đó. Tất nhiên, quá trình đó không dễ…
Như Quỳnh