Chọn mua điện thoại di động chụp hình
Megapixel: Thông số này càng lớn càng tốt. Nó vừa quyết định cỡ ảnh in, vừa một phần thể hiện chất lượng bức hình.
Cảm biến ảnh: Hầu hết cảm biến ảnh trong các ĐTDĐ camera là chuẩn CMOS. Chip này có ưu thế hơn chip CCD về kích thước nhỏ, chi phí thấp và tốc độ xử lý nhanh hơn nên nó phù hợp hơn để tích hợp vào ĐTDĐ. Tuy nhiên, mặt trái của nó là gây nhiễu cao hơn, chất lượng của cảm biến ảnh tùy thuộc nhà sản xuất. Vì vậy, có những chiếc camera phone chỉ 2/3 “chấm” của hãng này lại cho ảnh tốt hơn một model 5 “chấm” từ hãng khác.
Ống kính: Thành phần này quyết định rất lớn đến chất lượng của một ĐTDĐ camera. Điều này đúng với tất cả các loại máy ảnh từ dạng phim nhựa đến kỹ thuật số. Ống kính của ĐTDĐ camera thường đơn giản hơn rất nhiều với cấu trúc ống kính máy ảnh số (compact, D-SLR). Ống kính ĐTDĐ camera ấn tượng nhất hiện nay là Carl Zeiss và Schneider-Kreuznach.
Màn hình: Màn hình của chiếc điện thoại di động cũng chính là ống ngắm để ngắm chụp (ĐTDĐ camera không có ống ngắm quang học), vì thế một màn hình lớn sẽ giúp dễ dàng ngắm chụp hơn. Màn hình hỗ trợ số lượng màu càng cao sẽ càng hiển thị màu sắc trung thực.
Bộ nhớ: Camera tích hợp trên ĐTDĐ có độ phân giải ngày càng cao cũng có nghĩa là những bức ảnh chụp ra ngày càng “ngốn” nhiều bộ nhớ lưu trữ. Tuy nhiên, không phải mua thẻ nhớ có dung lượng cao là có thể cho vào máy sử dụng hết dung lượng đó. Việc mở rộng dung lượng thẻ nhớ đến bao nhiêu phụ thuộc vào khả năng hỗ trợ của từng loại máy. Hãy lưu ý điều này khi chọn mua ĐTDĐ camera. Một số nhà sản xuất hiện nay không còn sử dụng thẻ nhớ gắn ngoài mà chuyển sang công nghệ chip nhớ gắn trong cho các model ĐTDĐ mới nhất. Ưu điểm của dòng máy này là dung lượng lưu trữ rất lớn. Khuyết điểm của nó khi truy xuất hình ảnh phải kết nối với máy tính. Nên chọn những model ĐTDĐ vừa dùng chip nhớ gắn trong, vừa hỗ trợ thẻ nhớ gắn ngoài để tiện dụng lưu trữ và chuyển dữ liệu.
Zoom: zoom quang (zoom optical) luôn tốt hơn zoom số (zoom digital). Nếu có thể nên chọn loại ĐTDĐ camera có zoom quang. Tuy nhiên, những chiếc máy có zoom quang thường có giá khá cao và phần đông người dùng ĐTDĐ camera đều cho rằng zoom số đủ cho nhu cầu chụp ảnh không chuyên của mình. Hiện nay, trên thị trường cũng đã có loại ống zoom gắn ngoài cho camera trên ĐTDĐ được đánh giá khá tốt nhưng việc lắp đặt lại khá rườm rà.
Đèn flash: Gần đây, những ĐTDĐ camera mới tích hợp đèn flash để chụp trong điều kiện ánh sáng yếu. Đây là một tiêu chuẩn không thể thiếu của những chiếc ĐTDĐ camera hiện đại, một số model còn được trang bị hẳn cả bộ đèn flash Xenon tương tự như dòng máy ảnh chuyên dụng có độ sáng tốt. Điều cần lưu ý là đèn flash cần năng lượng lớn. Vì vậy, khi chụp ảnh ở điều kiện đủ sáng nên tắt flash để tránh hao pin. Hiện nay có hai lựa chọn flash là đèn LED và Xenon. Đèn LED có nguồn sáng khá ổn định và đồng đều. Trong nhiều trường hợp, đèn LED cho phép phơi sáng tốt hơn các công nghệ khác. Đèn Xenon là loại nguồn sáng “chớp” cho cường độ sáng khá mạnh.
Kết nối: Với chất lượng ảnh ngày càng cao, dung lượng lớn, việc truyền tải dữ liệu với máy vi tính qua các chuẩn không dây như hồng ngoại, Bluetooth sẽ tốn nhiều thời gian. Khi chọn mua nên chọn những model có hỗ trợ thẻ nhớ rời và có cổng USB.
Thời gian sử dụng pin: Chụp ảnh và quay phim trên ĐTDĐ camera sẽ “ngốn” khá nhiều pin. Để duy trì đời sống của điện thoại nên hạn chế chụp ảnh và quay phim những khi không cần thiết.
Phím bấm: Phím bấm quá nhỏ hoặc bố trí rối rắm sẽ khiến thao tác chụp hình bị chậm trễ rất nhiều. Vị trí các phím bấm chuyên dụng (dùng để chụp hình, quay video) cần phải bố trí sao cho hợp lý, để khi người dùng thao tác “một chạm” là đã có thể kích hoạt được chức năng. Nên chọn những model có phím bấm bên hông hoặc nút bấm chính diện trên thân máy.
LêLa Mobile