Thứ Tư ngày 11 tháng 9 năm 2024

Tech MediaOnline

Card đồ họa rời chưa quen dùng, vì đâu?

March 20
00:00 2010

Người tiêu dùng ít quan tâm
Card đồ họa được tung hô nhiều khi nói về sức mạnh của chiếc máy tính với những nhu cầu sử dụng cao cấp hơn như chơi game, xem phim HD, xử lý đồ họa… Nhưng nếu dạo một vòng qua các cửa hàng bán lẻ máy tính, người ta lại thấy rằng có rất ít máy tính dưới 900 USD có thiết kế để sử dụng card đồ họa rời.
Theo John Karabian, Giám đốc sản phẩm của thương hiệu máy tính Acer, đối với người tiêu dùng trung bình, chỉ có ba loại linh kiện được quan tâm nhiều nhất. Đó là: CPU, RAM và ổ cứng. “Họ cho rằng bộ vi xử lý Core i7 3,2GHz sẽ chậm hơn bộ vi xử lý Core i7 3,3GHz, thanh RAM 4GB sẽ tốt hơn 2GB. Còn ổ cứng 1TB chắc chắn sẽ tốt hơn 500GB”. Ông Karabian nói thêm rằng, “đại đa số người dùng thường nghĩ rằng, đồ họa riêng biệt chỉ dành cho những người chuyên chơi game mà thôi”.
Randy Copeland, Chủ tịch Công ty Velocity Micro, đồng tình với ý kiến trên khi cho rằng hầu hết người tiêu dùng ngày nay thường quan tâm rất ít đến đồ họa. Mặc dù các máy tính của Velocity Micro thường nằm trong nhóm máy tính phổ thông, có giá dưới 900 USD, có khe để cắm card đồ họa rời, nhưng theo Randy Copeland, thật khó để tiếp thị với người sử dụng phổ thông về những lợi ích mà card đồ họa rời mang lại cho họ. Ông nói rằng: “Họ (người tiêu dùng – PV) thường không nhận thấy giá trị của card đồ họa rời nếu không có nhân viên bán hàng giới thiệu với họ về những giá trị này. Người đi mua máy thường không có đủ thời gian để được giới thiệu toàn bộ về một chiếc máy tính nào đó. Họ sẽ bị giới hạn trong 4 hoặc 5 điểm chính của chiếc máy tính, trong đó quan trọng nhất là cấu hình cơ bản và giá của chúng”.

Hãy nói về tầm quan trọng của card đồ họa
Nhân viên bán hàng phải cố gắng giải thích cho người mua về sự khác biệt về số lượng và kết cấu bên trong một GPU, cũng như băng thông bộ nhớ của một card đồ họa rời. “Phải nói thế nào đó để người mua máy và sử dụng máy tính hiểu rằng: tại sao Radeon HD 4870 lại không nhanh bằng Radeon HD 5870 hoặc GeForce GTX 285. Đó thực sự là một thách thức”, Karabian chỉ ra điều mà nhiều nhân viên bán hàng chưa chú ý khi giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.
“Nếu một người bán hàng có thể chào mời khách hàng với những lợi ích của dung lượng bộ nhớ lớn hơn và tốc độ xung nhịp CPU cao hơn, chắc chắn cũng sẽ chào mời được về những lợi ích của card đồ họa rời tốt hơn. Rõ ràng tốc độ xung nhịp của CPU cao hơn sẽ không đáng đồng tiền bằng một GPU mạnh hơn cho những việc liên quan nhiều đến pixel (độ phân giải đồ họa) vì những ứng dụng hiện nay đều không tận dụng tối đa hết sức mạnh các CPU đa nhân đang được bán rộng rãi hiện nay”, nhà phân tích Jon Peddie nói như vậy. Peddie còn cho rằng card đồ họa rời ngày càng khó bán hơn khi Intel và AMD cho ra mắt các dòng CPU có các nhân xử lý đồ hoạ tích hợp. Những chip này có đủ sức mạnh đồ họa cần thiết cho các máy tính phổ thông cũng như đủ sức xâm chiếm thị trường GPU sơ cấp với giá dưới 100 USD. Peddie còn công bố, card đồ họa tích hợp chiếm khoảng 72% lượng máy tính được bán ra trong năm 2009 (so với 68% của năm trước).
Peddie nói: “Nếu Intel đưa ra sản phẩm Larrabee thì có lẽ sự thờ ơ đó sẽ được giải quyết. Nhưng hiện nay, tất cả người tiêu dùng phổ thông dường như biết về card đồ họa rời là chúng sinh ra để dành cho những người chơi game hoặc những ứng dụng cao cấp. Các chức năng của GPU như chỉnh sửa màu sắc, chuyển mã, xem video trơn tru, và giải mã lại không được giải thích cho người tiêu dùng đúng cách. Chính vì vậy nên những quyết định mua sắm hiện nay đang chỉ dựa trên giá thành chứ không phải dựa trên tính năng sử dụng”.

Tại thị trường Việt Nam: Các CPU tích hợp bộ xử lý đồ họa là quá đủ cho nhu cầu phổ thông
Tại thị trường Việt Nam, sức tiêu thụ card đồ họa rời vẫn nằm trong tình cảnh trên. Chỉ có một nhóm đối tượng chuyên về game, đồ họa hay những ứng dụng cao cấp mới hiểu được giá trị của linh kiện này. Số đông còn lại, khi mua máy tính cũng chỉ quan tâm tới những chi tiết như: CPU, RAM, ổ cứng và giá, còn có thể kể thêm thiết kế bên ngoài của máy… “Nhiều người hiểu được công dụng của card đồ họa nhưng họ không mua chỉ vì giá còn cao quá. Thêm cả trăm đô để mua chiếc máy tính có card đồ họa rời là điều mà nhiều người sử dụng máy chưa chấp nhận”, một nhân viên bán máy tính của Hoàn Long (TP.HCM) nói như vậy.
Anh Phạm Hồng Phước, một người có cả chục năm “vọc” phần cứng và là chủ biên Mediazone Group, nói rằng: “Card đồ họa rời luôn có vai trò riêng của mình trong một hệ thống máy tính mà không một giải pháp đồ họa tích hợp nào có thể thay thế hoàn toàn nó được. Xu hướng máy tính ngày nay nghiêng về các tác vụ multimedia chất lượng cao càng làm tăng thêm nhu cầu và vai trò của sức mạnh xử lý đồ họa. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần nên hiểu rõ nhu cầu sử dụng sức mạnh đồ họa của mình đến đâu để không tốn tiền đầu tư, nếu chỉ có nhu cầu sử dụng với các ứng dụng phổ thông như: lướt Web, biên tập ảnh, xem phim HD…, thì có thể hoàn toàn sử dụng các giải pháp đồ họa tích hợp sẵn được tích hợp trong thế hệ bộ vi xử lý Core trên công nghệ 32nm mới. Vấn đề ở đây là bài toán kinh doanh của các nhà sản xuất, với các dải sản phẩm luôn rất rộng, cả về giá lẫn hiệu năng, để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng, và người tiêu dùng cần hiểu rõ để thực sự trở thành người tiêu dùng thông minh.”

T.C
(Lược dịch từ bài viết của tác giả Gordon Mah Ung đăng trên Tạp chí Maximumpc (maximumpc.com), số tháng 3-2010).

Chuyên trang Intel Kết Nối – Intel Connecting được thực hiện với sự hợp tác của Intel Việt Nam. Bạn đọc có thắc mắc về các sản phẩm của Intel, cũng như máy tính nói chung, hoặc có những chia sẻ với Intel, xin vui lòng gửi về địa chỉ sieuthisovn@gmail.com với Subject: Intel Ket Noi. Chân thành cảm ơn.