Kinh nghiệm chón máy ảnh số cá nhân

Có cần phải chọn máy có nhiều “mê”?
Tất nhiên là đúng như vậy, nhưng có cần thiết hay không lại là câu chuyện khác. Trước hết người sử dụng cần xác định, mua máy ảnh số cá nhân để làm gì? Nếu chỉ để chụp những tấm ảnh cho gia đình để làm kỷ niệm, có lẽ không nên mua chiếc máy ảnh nhiều “mê” để làm gì. Vừa tốn tiền, vừa tốn ổ cứng (vì máy có độ phân giải cao sẽ cho những bức ảnh có dung lượng lớn hơn máy ảnh có độ phân giải thấp hơn). Qua kinh nghiệm của những chuyên gia máy ảnh, nếu chỉ để chụp ảnh cá nhân, chỉ cần chọn những chiếc máy ảnh có độ phân giải 7 megapixel đã là quá thừa cho nhu cầu. Những tấm ảnh chụp từ chiếc máy này có thể rửa tới khổ 30 x 40 cm mà vẫn cho hình ảnh sắc nét.
Không nên chạy đua theo những dòng máy có độ phân giải cao để làm gì cả. Hãy dành cho những người có nhiều tiền… và có nhiều cơ hội sử dụng máy vào những công việc sinh lợi từ chiếc máy ảnh.

Khẩu “f2” là tuyệt vời
Đây là một chân lý trong nhiếp ảnh. Nhưng với những dòng máy ảnh số cá nhân, chọn một model có khẩu 2 (f2) là chuyện không dễ, ít nhất là tại thị trường Việt Nam. Chẳng phải vì giá cao mà những model có khẩu 2 hiện nay khó kiếm trên thị trường do không có hàng, chỉ có một vài model như Olympus C5050 (đã được xem là hàng cổ, khó tìm trên thị trường). Với những dòng máy khẩu 2, vào những nơi không có ánh sáng hoặc ánh sáng yếu, không cần bật flash, chỉ cần giảm tốc độ, tăng thêm chỉ số ISO và mở khẩu xuống 2, ánh sáng không hề thiếu, chất lượng ảnh “trên cả tuyệt vời”.

Đừng quá ham nhiều chức năng trên máy
Tất niên, đây chỉ là ý kiến với những người đầu tiên sử dụng máy, còn với những người đã rành về máy, càng có nhiều chức năng trên một chiếc máy ảnh số cá nhân là điều càng tốt.
Với những ai, chưa quen sử dụng hoặc ít dùng máy, nên chọn những model có những chức năng chính như chụp và quay (nếu quay được độ phân giải HD càng tốt), đèn flash khỏe (đánh được khoảng cách xa), menu dễ sử dụng, dễ lấy thẻ nhớ… Vì những dòng máy ít chức năng đồng nghĩa với việc ít tiền. Còn ít sử dụng máy mà lại chọn những dòng máy có nhiều chức năng như GPS, Wi-Fi…, không chỉ tốn tiền mà nhiều khi gây rối. Nhưng cái vụ này thì tùy bạn quyết định…

Pin sạc rời
Những ai đã từng sử dụng máy ảnh số đều ít nhất một lần khổ sở vì máy hết pin hoặc lý do nào đó mà máy không hoạt động (tất nhiên là có liên quan đến pin). Lúc đó, nếu như model đó dùng pin AA hoặc AAA, bạn dễ dàng tìm vài bộ pin (giá cao nhất là 25.000đ/2 viên) để thay thế, tiếp tục cuộc chơi ảnh. Còn nếu như dòng máy đó là pin đi kèm theo máy thì chỉ còn cách cách duy nhất là “than trời”! Nhược điểm của loại pin sạc AA hay AAA là phải xả hết pin trước khi sạc mới vì công nghệ cấu tạo pin Nickel không cho phép sạc nhồi như pin Lithium.

Vỏ máy bằng kim loại
Trước hết, vỏ máy làm bằng kim loại sẽ cho máy nặng hơn những loại máy có vỏ bằng nhựa. Đây là điều kiện để khi chụp máy không bị rung vì những dòng máy ảnh số cá nhân thường rất nhẹ, nếu chụp không “chắc tay” dễ làm hình ảnh bị rung. Nhược điểm của những model dùng vỏ máy bằng kim loại là dễ bị “biến chất” ở những môi trường ẩm thấp hay vùng biển. Với những vùng có khí hậu đặc thù này, không nên dùng máy có vỏ kim loại mà chuyển sang dùng máy vỏ nhựa. Hiện nay, với các dòng máy ảnh số cá nhân, loại có vỏ kim loại khó tìm.

Có đế gắn đèn flash rời
Chính xác là vậy. Vì đèn flash đi theo máy của những dòng máy ảnh số cá nhân thường có tác dụng trong khoảng cách từ 3-5m. Vì vậy, trong những môi trường thiếu ánh sáng, flash máy chỉ đánh được điểm (nếu mở ISO quá cao để đủ sáng, hình bị vỡ – noise). Do vậy, nếu có đế gắn flash rời bên ngoài, sẽ hỗ trợ ánh sáng thêm để hình có chất lượng tốt nhất có thể và đủ sáng. Khi chọn những flash rời cho những dòng máy giá trị thấp này, nên mua loại flash đơn giản, giá rẻ (khoảng 1 triệu đồng).
Ngoài ra, nếu có điều kiện để lựa chọn những dòng máy phù hợp với sở thích, nên chọn những dòng máy có hỗ trợ nhiều định dạng thẻ nhớ, màn hình rộng hơn, tích hợp nhiều chức năng: quay phim với chất lượng HD, tốc độ quay cao…
Ngân Phượng