Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Năm Thân đối diện Khỉ

Năm Thân đối diện Khỉ
February 07
09:46 2016

 

Chẳng biết ông trời vô tình hay hữu ý đã tạo ra loài khỉ trông giống như người, nhất là loài linh trưởng không đuôi có thân xác to bằng người. Chả thế mà người Âu châu gọi khỉ là “dạng người loại nhỏ” (lesser apes), gọi khỉ đột là “dạng người loại lớn” (great apes), còn người Việt gọi khỉ đột là “giả nhân”. Hay là ông trời muốn gửi cho con người một thông điệp nào chăng?

Tuy nhiên đối với Âu Mỹ, và dân Việt, khỉ là một hình ảnh không đẹp. Tờ báo trào phúng Mỹ The Spoof  (Đồ Dỏm), đưa tin họ nhà khỉ gồm khỉ cụt đuôi, khỉ đỏ đít, khỉ mốc… nộp đơn tại tòa kiện dân mê bóng đá Anh (UK). Hồ sơ trình tòa ghi rằng mỗi khi phe nhà sút banh, hay ghi bàn thắng, dân UK chu miệng hú, rồi đấm ngực, vung tay, nhảy nhót như khùng. Cách biểu lộ này là “hàng hiệu” của khỉ. Dân UK làm “hàng nhái” chẳng giống ai khiến khỉ mất mặt.

Dân ghiền bóng đá UK bị một vố đau vì bị The Spoof  hạ cấp họ xuống dưới khỉ một bậc. Nếu đụng với người Việt, dân UK còn đau hơn, vì ta hạ giá khỉ ngang hàng với chuột chù: “Chuột chù chê khỉ rằng hôi. Khỉ lại trả lời cả họ mày thơm” (Ca dao).

Xem thế khỉ và người có mối liên hệ rất gần, nhưng cũng kỳ kỳ thế nào ấy. Giới y học và khoa học thường bắt khỉ làm vật thí mạng cùi thay cho người. Biết bao nhiêu thứ vi trùng gây bệnh cho người đã được chích vào khỉ để các bác sĩ thử nghiệm thuốc giải. Gần đây các khoa học gia Nga đang lập trình đưa khỉ lên sao Hỏa vào năm 2017. Giả dụ nếu khỉ có bị toi mạng, ngoài ý muốn, thì cũng chả sao.

Kể cũng lạ, về vụ coi rẻ khỉ, dân Việt và dân Tây phương giống nhau y chang. Cả hai đều thấy khỉ là giống hạ đẳng. Vì chúng muốn bắt chước người nên tạo ra những cử chỉ “nhái” tức cười. Nhưng dù cố gắng hết cỡ chúng vẫn “rõ khỉ” hay làm “monkey job” (trò khỉ). Xin nói ngay, lối nhận định này chỉ là một nhận thức tâm lý chứ không mang tính chất sinh vật học, khỉ học, hay khoa học.

Trong ngôn ngữ Việt, khỉ còn được gọi là  con tườu (tiều), con vọc (có lẽ từ tiếng Mường), con bú dù, con nỡm… Toàn là những tên “rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” (Kiều).  Không nói quá, cả Âu Mỹ lẫn người Việt chúng ta có cả một kho chữ để “chơi” khỉ. Muốn học vài chữ, bạn cứ ra chỗ đông người làm cái trò gì đó không giống ai thì sẽ rõ. Khách qua đường sẽ cung cấp cho bạn một số từ căn bản làm vốn, chẳng hạn như: làm trò khỉ, khỉ thật, bố khỉ, chẳng ra cái con khỉ mốc gì…

Đôi lúc hình ảnh khỉ, tuy khôi hài, nhưng cũng có chút dễ thương. Khi cô gái bẽn lẽn nói với anh bạn trai nham nhở “khỉ ạ”, hay đồ “khỉ gió”, lại là câu mắng yêu. Cũng có người chế diễu khỉ chỉ để cười chơi chứ không có ác ý: “Trời sinh con khỉ ở lùm. Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông.”

Tuy nhiên khỉ không phải chuyên đóng vai hài. Có khá nhiều thành ngữ nhuộm nỗi bi ai mà chỉ có khỉ mới diễn tả trọn nghĩa.  Chẳng hạn có anh mượn khỉ để tỏ tình: “Khỉ bồng con lên non kiếm trái. Cảm thương nàng phận gái mồ côi.” Bởi thấy con khỉ lủi thủi đi kiếm ăn, cô đơn quá, cũng như hoàn cảnh cô nàng, nên thấy mà thương… Người có tâm sự buồn thì “rầu rĩ như con khỉ mất con”. Người đi lập nghiệp chốn hoang dã thường than thở rằng ở vùng “khỉ ho cò gáy”. Để diễn tả cái bản mặt cau có, người miền Nam nói “nhăn nhó như khỉ ăn gừng”, người Trung nói “như khỉ ăn ớt”, người Bắc nói “như khỉ ăn mắm tôm”. Ai dùng kẻ bất tài khiến bị hỏng việc thì bị chê là “nuôi khỉ dòm nhà”. Khỉ có bản tính phá phách không thể canh giữ nhà. Dùng khỉ giữ việc lớn thì hỏng là cái chắc. Người Mỹ cũng có thành ngữ “monkey business” để chỉ những việc làm dại dột như nuôi khỉ dòm nhà. Người không ra gì mà làm lớn thì gọi là “khỉ ngồi bàn độc.”  Một cái cầu tre hay cây mà khiến người qua cầu bước đi nghiêng ngả thì gọi là “cầu khỉ”. “Rung cây nhát khỉ” ý nói đừng dọa nạt vớ vẩn, đây không sợ đâu. Người Mỹ có thành ngữ “monkey on your back” (khỉ đeo trên lưng) để nói người đang gặp chuyện rắc rối. Khi gỡ được gánh nặng thì họ nói “monkey off your back”. Câu “monkey see, monkey do” dùng để chê những kẻ thấy sao bắt chước vậy chứ không biết suy nghĩ đúng hay sai. Câu này vốn đã có ý mỉa mai lại cố tình dùng sai văn phạm (động từ không chia), như nhại khỉ học nói, nên thâm ý mỉa mai lên tới hai lần.

Về phương diện bói toán, nhiều thầy sờ mu rùa giải mộng rằng ngủ mơ thấy khỉ là mình đang gặp chuyện khó. Mơ thấy đánh nhau với khỉ là cơ thể đang chống với bệnh tật. Nếu mình bị khỉ cho đo ván là bệnh khó chữa hay số mệnh đã an bài. Ngoài ra các thầy tử vi còn tán rằng ai tuổi khỉ là người liến thoắng ưa ăn chơi. Người tuổi khỉ hợp với người tuổi chuột và khắc với người tuổi cọp… Tán như thế mà cũng có nhiều người tin, vậy tôi xin “sugar you you go, sugar me me go” (đường anh anh đi, đường tôi tôi đi).

khi-01

Một minh họa khôi hài về Darwin có gốc khỉ. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

Kể từ khi Charles Darwin đưa ra thuyết thủy tổ loài người là khỉ, dân Tây phương liền chụp cơ hội cho Darwin có gốc khỉ. Các tay biếm họa tạo ra hằng ngàn tấm hình theo ý đó để cười chơi. Ngoài ra lớp trẻ đưa thắc mắc, tại sao hậu duệ khỉ đã tiến hóa thành người mà khỉ tổ phụ vẫn còn nguyên vẹn cả bầy.

Cũng có truyện trong một buổi tiệc, một vị khoa bảng được xếp ngồi bên cạnh một tiểu thư quí phái xinh đẹp. Cô gái muốn tỏ vẻ hiểu biết bèn hỏi vị học giả, “Thưa ông có phải khỉ là thủy tổ loài người không?” Nhà thông thái nhìn sững cô gái rồi lúng túng đáp, “Chúng là thủy tổ phía đàn ông thôi.” Bên Toronto (Canada), có tiệm Ikea bán hàng gia dụng. Chủ tiệm có con khỉ, ông đặt tên nó là Darwin. Ông cho nó mặc áo bành tô da cừu và dạy nó làm việc như một công nhân. Khỉ Darwin chuyên xếp lại đồ đạc khi tiệm đóng cửa. Ai thấy nó chạy lăng xăng cũng phải nhếch mép cười. Một nụ cười nửa miệng chỉ có ở con người.

Có lẽ cũng từ thuyết người khỉ của Darwin mà tiểu thuyết gia Pháp Pierre Boulle viết cuốn La Planète des Singes (Hành tinh khỉ – 1963). Tác giả cho khỉ chiếm Trái đất rồi bắt con người làm nô lệ. Truyện mang tính cách ngụ ngôn, nhưng từ đó Tây phương có khuynh hướng nhìn khỉ như một địch thủ. Kinh đô điện ảnh Hollywood đã đưa ra những bộ phim vĩ đại như: The Planet of Ape (hành tinh khỉ đột), The Rise of Ape (cuộc khởi dậy của khỉ đột) … Trong những truyện phim này, khỉ đột và người dàn trận đánh nhau bằng súng đạn một mất một còn giành quyền chiếm đất… Tuy nhiên truyện nổi tiếng nhất về khỉ lại là mối tình giữa vua Kong (King Kong) và cô Ann Darrow. King Kong là một con khỉ đột hung dữ và to khủng. Vì muốn được bình an dân địa phương bắt cô đào xinh đẹp Ann Darrow làm của lễ dâng cho King Kong. Thay vì “thịt” cô gái, King Kong lại yêu cô ta… Thôi, có lẽ ai cũng biết truyện này rồi nên xin “no table silver” (miễn bàn bạc). Nhân đây cũng nên phân biệt cho rõ giữa khỉ (monkey), vượn (gibbon) và khỉ đột hay đười ươi (ape). Tuy chúng cùng chủng tộc nhưng khỉ thân nhỏ và có đuôi, vượn giống khỉ nhưng có tay dài cả thước, còn khỉ đột thân lớn hơn khỉ và không có đuôi.

Nãy giờ chúng ta nói về khỉ trong nhãn quan của người Việt và người Tây phương. Đông phương với ba quốc gia lớn là Ấn Độ, Trung Hoa, và Nhật Bản có lối nhìn khá tôn kính đối với khỉ. Người Ấn nối kết khỉ với tôn giáo. Dân Ấn có khuynh hướng tâm linh theo mô thức phiếm thần (pantheism). Họ tin vũ trụ tự nó có năng lực tạo ra sự sống cho muôn loài. Năng lực này có tên là “thượng đế”, hay “đại ngã”, hay là gì đó tùy theo niềm tin. Đại ngã là lý tính của vũ trụ chứ không phải là nhân ngã, nên mọi vật đều có thần tính nội tại đồng nhất với lực vũ trụ. Do đó mọi vật đều có thể là thần linh. Vì vậy có truyền thống cho khỉ là hóa thân của đấng tối cao Shiva (thần sáng tạo). Quan niệm “thần sáng tạo” mang tính cách siêu hình khó hiểu, người bình dân Ấn tạo ra một hình ảnh khác là thần khỉ Hanuman. Hanuman có mình người đầu khỉ chuyên làm việc lành giúp đỡ mọi người. Mặc dù những niềm tin tôn giáo đã mờ nhạt nhưng dân Ấn vẫn sống với huyền thoại về khỉ . Hiện nay tại Nepal và Ấn Độ vẫn còn những ngôi đền khỉ. Gọi là “đền khỉ” vì nơi đó người ta thờ thần khỉ. Hàng ngày các “ngài” cả bầy tự do ra vào vô tư. Dân đen hoan hỉ dọn dẹp “lộc” của các ngài để lại bừa bãi khắp nơi.

khi-02

Thần khỉ Hanuman

Người Hoa liên kết khỉ với triết học. Họ cho khỉ là loại khờ dại và mất nết, nhưng nhờ biết học hỏi và cải thiện nên đã tiến hóa tới mức thần thánh. Truyền thuyết khỉ Tôn Ngộ Không, trong tập truyện “Tây Du Ký”, đã trình bày đầy đủ quan niệm này. Khỉ còn được chọn làm một trong 12 con giáp cho niên lịch Trung Hoa, vì vậy khoa tử vi cho rằng thần tính của khỉ ảnh hưởng tới vận mạng của những người sinh vào năm khỉ. Về mặt văn chương nghệ thuật, khỉ là biểu tượng cho tâm hồn thanh tịnh, lạc quan, và hòa đồng với thiên nhiên. Ý niệm này bắt nguồn từ đạo lý của Lão giáo. Các danh họa Trung Hoa đã dùng khỉ (hay vượn) làm biểu tượng cho sự hài hòa. Họ đã sáng tạo ra nhiều tuyệt tác như bức tranh khỉ vờn nhau, khỉ dâng trái đào, khỉ vọc nước dưới trăng…  Bên võ thuật, các vị tổ sư cũng sáng tạo ra những bài hầu quyền với những thế đánh… trông rất giống khỉ.

khi-03

Tranh mực vẽ trên lụa “Hai con vượn trên cây sồi” của họa sĩ Dịch Nguyên Cát, thời Tống. Viện bảo tàng National Palace Museum, Taipei.

Nhật Bản chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhất là đạo Lão và đạo Phật, nên họ cũng dùng hình ảnh của khỉ cho những ý niệm tôn giáo hay triết lý. Nhật cũng có những bức tranh khỉ hay vượn rất nổi tiếng về mặt mỹ thuật. Tuy nhiên tác phẩm được khắp thế giới biết đến là bộ điêu khắc “khỉ ba không” của nhóm  Kōshin (庚申- Canh thân), một nhóm đạo bình dân mà giáo lý là một pha trộn giữa Lão giáo và Phật giáo. Tác phẩm này gồm có ba con khỉ. Một con bịt tai, một con bịt miệng và một con bịt mắt. Chúng là biểu tượng của đạo tu thân không nghe điều tà, không nói điều tà, không nhìn điều tà. Lý do khỉ được dùng làm biểu tượng vì trong tiếng Nhật, từ “zaru” (không) có âm thanh giống như “saru” (khỉ). Như vậy toàn bộ tác phẩm gồm 3 thể: hình (khỉ), dụng (tay che), và ý (buông bỏ) đều mang ý niệm không. Thật là thâm thúy. Nhưng người Việt mình cũng thâm thúy không kém, chưa biết chừng còn thâm thúy hơn. Thay vì phải dùng tới 3 con khỉ, ta chỉ cần một con. Khi nói “có cái con khỉ” hay nói nhấn mạnh, “có cái con khỉ khô” nghĩa là không có gì hết. Độc ở chỗ tuy nói “có” mà lại hoàn toàn “zaru”.

khi-04

Dân Nhật mến khỉ còn tới mức lạ lùng. Hiện nay cư dân mạng đang xôn xao về vụ khỉ đột Shabani ở sở thú Higashiyama được cả ngàn thiếu nữ mê mệt vì vẻ “đẹp trai” và cách tạo dáng đầy vẻ nam tính.

Tuy nhiên, thật khó lòng cảm hóa người khác văn hóa, dân Âu Mỹ mượn đề tài ba khỉ để “làm trò khỉ”.

khi-05

khi-06

Kể ra còn nhiều chuyện về khỉ, vì trên thế giới có hơn 260 loại khỉ, nên cũng có trên 260 chuyện. Riêng tại Việt Nam có 5 loại, mà loại nào cũng hiền “thấy mồ”. Trăm nghe không bằng mắt thấy, ngày qua ngày khỉ cứ vô tư ngồi bắt rận cho nhau. Các nhà nghiên cứu cho biết thói bắt chí của khỉ là hình thức giao tế biểu lộ sự thân mật với nhau. Cũng cần nên biết chỉ có khỉ đực mới bắt chí vuốt lông cho khỉ cái vì đó là một hình thức mua chuộc cảm tình. Không có vụ khỉ cái bắt chí cho khỉ đực, ngoại trừ khỉ mẹ bắt chí cho con trai. Nhưng không phải khỉ chỉ biết bắt chí. Loài khỉ mũ (capuchin monkey – khỉ nâu nhưng trên đầu có mái tóc đen như cái mũ) ở Brazil biết lấy hòn đá đập vỡ vỏ cứng trái cây để ăn ruột bên trong. Một loại chimpanzee ở Phi Châu thích bắt kiến để nhậu chơi. Kiến ở trong lỗ làm sao bắt. Khỉ ta lấy cây que chọc vào lỗ kiến để moi kiến ra.

Là người Việt, vào năm khỉ, chúng ta nên chiêm ngưỡng khỉ Việt hơn là đề cao những huyền thoại về khỉ của những nền văn hóa khác. Xin giới thiệu khỉ “Chà vá chân đỏ” một trong những loại khỉ đẹp nhất thế giới. Loại khỉ có một không hai này hiện nay rất hiếm và chỉ có ở vùng Nghệ An. Khỉ “chà vá chân đỏ” xứng đáng là biểu tượng cho năm khỉ của người Việt.

khi-07

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Hôm nay gia đình THKT và ba vị táo bếp vừa ngồi họp bàn tròn vừa lai rai ba sợi . Kiểm điểm lại thì thấy mọi người đều là tuổi kiến, chẳng có ai tuổi khỉ, do đó trong năm qua không có “monkey business”. Táo đệ nhất vỗ đùi, lấy làm mừng, bèn hoan hỉ moi trong bị ra cái laptop để thảo lá sớ trình Ngọc Hoàng. Tờ sớ chấm dứt như vầy: “Tổng kết là thắng lợi, vượt chỉ tiêu, thành tích xuất sắc, đáng biểu dương trước đoàn thể.” Đồng hồ chỉ đúng giờ Thân, tại Từ đường THKT.

ĐỖ NGỌC TRANG

(Nguyên Giáo sư Việt văn Trung học Công lập Kiến Tường; Elk Grove, California, Hoa Kỳ Tết Bình Thân 2016)

+ Hình minh họa: nguồn Internet. Thanks.

Xin mới xem vài video về khỉ:

+ Khỉ dùng đá đập vỏ trái cây.

+ Khỉ dùng cây khều kiến trong ổ.

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới