Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Intel cho về hưu mô hình Tick-Tock thần thánh

Intel cho về hưu mô hình Tick-Tock thần thánh
March 24
19:25 2016

 

Từ lâu rồi, hãng sản xuất chip xử lý lớn nhất thế giới Intel nổi tiếng với lộ trình phát triển theo mô hình Tick-Tock thể hiện 2 phase của một bước nhảy về tiến trình sản xuất silicon. Mô hình này được Intel giới thiệu từ năm 2007, bắt đầu với tiến trình 65nm ra đời một năm trước đó với vi kiến trúc (Micro​architecture) P6, NetBurst và các vi xử lý Presler, Cedar Mill, Yonah.

Mô hình Tick-Tock này thể hiện rất trực quan và dễ hiểu về mỗi thay đổi vi kiến trúc với một tiến bộ về thu nhỏ kích thước die của công nghệ xử lý. Một chu kỳ thay đổi gồm 2 phase. Phase Tick (Process) thể hiện việc thu nhỏ kích thước die của vi kiến trúc trước đó. Phase Tock (Architecture) thể hiện cho một vi kiến trúc mới ra đời. Thông thường cứ mỗi năm hay cao tay là 18 tháng, Intel lại có một phase Tick hay Tock.

intel-tick-tock-02-45nm-14nm

Mọi sự cứ vậy mà tiến triển cho tới năm 2015 với Tick là tiến trình 14mm và Tock là vi kiến trúc Skylake.

Vào thời điểm này, nhiều chuyên gia thắc mắc rằng liệu Định luật Moore’s Law mà Intel kiên trì theo đuổi trong bước phát triển công nghệ xử lý của mình phải chăng đã sắp tới cái ngưỡng của nó? Cốt lõi của Định luật Moore là số lượng transistor trong nhân của chip xử lý sẽ tăng gấp đôi trong mỗi 2 năm. Và nền tảng của việc thực hiện Định luật Moore là Intel phải tiếp tục thu nhỏ kích thước silicon lại để có thể nhét nhiều hơn các transistor vào một chiếc die của chip mà cũng đang ngày càng phải thu nhỏ lại cho thích nghi với nhu cầu sử dụng mới. Trong nhiều năm qua, cứ mỗi 2 năm, Intel đều có thể thu nhỏ lại tiến trình sản xuất một kích thước mới. Vào năm 2015, tiến trình sản xuất đã rút nhỏ còn 14nm (một bước tiến khủng khiếp so với kích thước 800nm của Pentium năm 1993). Theo lộ trình sẽ là 10nm, rồi 7nm, tới 5nm,… và cuối cùng cũng tới giới hạn vật lý không còn có thể nhỏ hơn nữa, ngoại trừ phát minh được công nghệ khác hẳn cái mà người ta đang sử dụng với silicon.

intel-HistoricNode

Và vào giữa năm 2015, Intel đã lần đầu tiên cho thay đổi lộ trình Tick-Tock để hoãn việc đưa ra một phase tick mới tới cả một năm. Trong lộ trình cũ, năm 2016 sẽ là phase Tick với tiến trình rút xuống còn 10nm cho vi kiến trúc Skylake với vi xử lý Cannonlake; và tới năm 2017 sẽ tới phase Tock mới với vi kiến trúc 10nm mới (Ice Lake). Còn trong lộ trình mới sửa đổi, Intel chèn vào năm 2016 một vi xử lý mới tên là Kaby Lake cũng thuộc vi kiến trúc Skylake và vẫn với tiến trình 14nm. Vì thế, vi xử lý Cannonlake với vi kiến trúc Skylake sẽ ra đời muộn hơn 1 năm, vào năm 2017, và sẽ với tiến trình sản xuất mới chỉ còn 10nm.

intel-roadmap

Đây là lần thứ hai kể từ khi áp dụng mô hình Tick-Tock, Intel có sự thay đổi lộ trình với việc chèn thêm một nhân tố mới. Vào tháng 6-2014, Intel đã hoãn phase Tick mới lại một thời gian, nhưng ngắn thôi, gọi là Refresh (làm tươi lại) với các vi xử lý Haswell Refresh và Devil’s Canyon vẫn thuộc vi kiến trúc Haswell và tiến trình 20nm. Ba tháng sau, Intel tiếp tục đưa ra phase Tick với tiến trình 14nm cho vi kiến trúc Haswell trước đó và có vi xử lý mới là Broadwell.

intel-tick-tock-04-32nm-10nm

Với việc Intel thay đổi lộ trình của Tick-Tock hồi giữa năm 2015, người ta linh cảm sắp có điều gì đó với mô hình Tick-Tock hai phase đã phục vụ được gần 2 nhiệm kỳ 5 năm.

Và thiệt tình là Intel đã làm chuyện ấy. Hồi tháng 3-2016, trong một báo cáo Form 10-K, Intel loan báo cho về hưu mô hình Tick-Tock để thay bằng một mô hình mới có tới 3 phase cho một chu kỳ. Nếu như mô hình Tick-Tock chỉ gồm 2 phase “process-architecture” (xử lý – kiến trúc), mô hình mới sẽ gồm 3 phase “process-architecture-optimization” (xử lý – kiến trúc – tối ưu hóa). Như vậy, từ nay sẽ có tới 3 thế hệ vi xử lý được sản xuất với một tiến trình sản xuất. Mỗi tiến trình sản xuất sẽ có thêm một phase để tập trung vào việc tối ưu hóa. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu với mô hình này, Intel có thể kéo dài thêm một năm (hay một phase) để làm chậm tiến trình thu nhỏ kích thước.

intel-tick-tock-01b

Nhưng còn Định luật Moore (đến nay cũng đã 50 tuổi) thì sao? Nó sẽ chưa bị Expired cho tới khi nào người ta hết còn có thể nhồi nhét các transistor vào một kích thước silicon cũng hết khả năng thu nhỏ. Có một số nguồn cho rằng điểm tới hạn của Định luật Moore là khi người ta đạt tới tiến trình sản xuất 7nm với vật liệu bán dẫn silicon. Nhưng đồng thời cũng có nhiều nguồn nói rằng Intel vẫn sẽ tiếp tục thực hiện Định luật Moore với vật liệu bán dẫn mới và với thiết kế transistor khác. Mà thôi, đó là chuyện khác, ở đây tôi chỉ muốn nói lời chia tay với anh bạn Tick-Tock đã cùng ăn ngủ với mình suốt 10 năm nay.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

VIDEO: Intel transistor 14nm và con đường của Định luật Moore

Trong video clip do Intel thực hiện và công bố trên website của mình này, chuyên gia Mark Bohr giải thích về việc chế tạo transistor với tiến trình sản xuất 14nm mới, cũng như cách các “chiếc vây” của tri-gate bây giờ cao hơn, mỏng hơn và đứng khít rịt vào nhau hơn ra sao, nhằm giúp tăng cường sức mạnh, ít hao tốn năng lượng và kéo dài thời lượng pin cho hệ thống điện toán Intel thế hệ mới.

 

 

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới